Mối liên hệ giữa bí mật và những giấc mơ

Những bí mật thầm kín không thể bày tỏ cùng ai khiến nhiều người cảm thấy bức bối. Khi ngủ, não bộ rơi vào trạng thái vô thức, những bí mật có thể được tái hiện trong giấc mơ.

Những bí mật mà một người muốn giấu kín có thể được tái hiện trong giấc mơ. Ảnh: VOV.

Ngay sau khi hình thành khả năng nhận biết về tội lỗi, con người thường che giấu chúng vào trong thế giới tâm linh theo ngôn ngữ phân tích, điều đó được gọi là sự kìm nén đã nảy sinh. Bất cứ thứ gì được che giấu đều được coi là bí mật. Việc duy trì những bí mật giống như một thứ độc dược chảy vào tâm trí, kéo con người ra khỏi cộng đồng.

Với liều lượng ít, "chất độc" này thực sự có thể là phương thuốc vô giá, thậm chí là biện pháp sơ bộ thiết yếu đối với sự khác biệt của mỗi cá nhân. Đây là trường hợp mà, ngay cả ở mức độ nguyên thủy, con người đã cảm thấy không thể cưỡng lại được nhu cầu phát sinh ra những bí mật, việc sở hữu chúng giúp họ thoát khỏi sự tan biến trong vô thức của cuộc sống cộng đồng đơn thuần và tránh khỏi một chấn thương tâm lý chết người.

Như nhiều người biết đến, có rất nhiều tôn giáo bí ẩn cổ xưa với những nghi lễ bí mật phục vụ cho bản năng khác biệt này. [...]

Tuy việc chia sẻ bí mật với một vài người có thể mang đến một chút lợi ích, nhưng một bí mật riêng tư đơn thuần lại có những tác động mang tính phá hoại. Nó giống như gánh nặng tội lỗi ngăn trở người có bí mật bất hạnh hòa nhập vào cộng đồng.

Tuy nhiên, nếu chúng ta có ý thức về những gì mình đang che giấu thì tác hại gây ra chắc chắn ít hơn khi chúng ta không biết mình đang kìm nén điều gì, hoặc thậm chí là khi nhận thức được việc chúng ta đang kìm nén.

Trong một số trường hợp, chúng ta không chỉ là giữ bí mật cho riêng mình mà chúng ta còn che giấu điều đó với chính bản thân mình. Khi đó, những bí mật tách ra khỏi ý thức như là một phức cảm độc lập, trở thành sự tồn tại riêng lẻ trong vô thức, nơi ý thức không thể sữa chữa hoặc can thiệp nó được nữa. Do đó, phức cảm này biến thành một phần tự trị của tâm lý mà, như kinh nghiệm cho thấy, tự phát triển một cuộc sống kỳ ảo đặc biệt của riêng nó.

Điều mà chúng ta gọi là kỳ ảo này chỉ đơn giản là hoạt động tâm lý tự nguyện; và nó có thể xuất hiện bất cứ khi nào hành động mang tính kìm nén của ý thức rơi vào trạng thái thư giãn hoặc thả lòng hoàn toàn, ví dụ như khi chúng ta đi ngủ.

Trong giấc ngủ, hoạt động này xuất hiện dưới dạng những giấc mơ. Và giấc mơ sẽ tiếp tục diễn ra nếu tình trạng tỉnh giấc của chúng ta ở dưới ngưỡng ý thức, đặc biệt là khi hoạt động này được điều hòa bởi phức cảm bị kìm nén hay nói cách khác là phức cảm vô thức.

Một vấn đề cần được làm rõ rằng vô thức không chỉ phát sinh từ yếu tố có ý thức bị kìm nén rồi phát triển thành những phức cảm vô thức, mà ngược lại, vô thức có những vấn đề đặc biệt đối với chính nó, chậm rãi phát triển lên từ sâu thẳm tâm trí, cuối cùng trở thành ý thức. Do đó, chúng ta tuyệt đối không nên coi tâm thần vô thức là một nơi chứa đựng những vấn đề từ ý thức.

Tất cả những vấn đề về tâm lý vừa tiếp cận ngưỡng ý thức từ bên dưới hoặc chỉ một chút ở phía bên dưới, đều có tác động đến hoạt động ý thức của chúng ta. Bởi vì bản thân vấn đề không có ý thức, nên những tác động này chắc chắn là gián tiếp. Hầu hết sự suy giảm của chúng ta về ngôn ngữ, khả năng viết, trí nhớ và những điều tương tự, đều có thể dẫn đến những rối loạn này, cũng như tất cả các triệu chứng loạn thần kinh.

Chúng gần như có nguồn gốc tâm lý, ngoại trừ những tác động gây sốc từ các vụ nổ và một số nguyên nhân khác. Dạng nhẹ nhất của chứng loạn thần kinh này là “sự suy giảm” về trí lực, trí nhớ biểu hiện bằng các hành động nói vấp, đột ngột quên tên hoặc ngày tháng, sự vụng về đột xuất dẫn đến chấn thương hoặc tai nạn, hiểu nhầm động cơ cá nhân hoặc những gì chúng ta đã nghe và đọc và cái gọi là ảo giác về trí nhớ khiến chúng ta lầm tưởng rằng chúng ta đã nói hoặc làm một điều gì đó.

Trong tất cả những trường hợp này, một cuộc nghiên cứu kỹ lưỡng có thể cho thấy sự tồn tại của một vấn đề theo cách gián tiếp và vô thức đã làm sai lệch hoạt động có ý thức.

Vì vậy, bí mật trong vô thức có hại nhiều hơn những bí mật có ý thức. Tôi đã từng thấy nhiều bệnh nhân với bản chất yếu đuối thường có xu hướng lựa chọn tự tử khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Nhờ chỉ định vốn có của não bộ, những bệnh nhân này tuy có xu hướng tự tử nhưng lại không để sự thôi thúc tự tử trở thành ý thức.

Nhưng điều đó vẫn duy trì trong vô thức và mang đến nhiều tai nạn nguy hiểm, chẳng hạn như đột ngột choáng váng hoặc do dự trước một chiếc ôtô đang tiến tới, nuốt thủy ngân với niềm tin rằng đó là thuốc trị ho, sự say mê đột ngột với những màn nhào lộn nguy hiểm...

Khi vô thức có thể tác động lên ý thức muốn tự sát, ý thức chung có thể can thiệp để giúp bệnh nhân có thể nhận biết và tránh những tình huống cám dỗ họ tự hủy hoại bản thân.

Carl Jung/ Bách Việt Books và NXB Phụ nữ Việt Nam

Nguồn Znews: https://znews.vn/moi-lien-he-giua-bi-mat-va-nhung-giac-mo-post1468961.html