Mối đe dọa đối với phòng tuyến Nga khi Ukraine lập chốt ở tả ngạn sông Dnipro

Việc thủy quân lục chiến Ukraine vượt sông thành công và chốt chặn tại một số điểm tại bờ Đông sông Dnipro đã gây ra mối đe dọa lớn đối với phòng tuyến của Nga ở Kherson – vốn không kiên cố như một số nơi khác tại miền Nam.

Thách thức đối với Ukraine

Thủy quân lục chiến Ukraine đã đạt được một mục tiêu quan trọng trong cuộc phản công là vượt sông Dnipro thành công và thiết lập đầu cầu đổ bộ tại khu vực do Nga chiếm giữ. Nhưng họ vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức ở phía trước.

Con sông Dnipro - ranh giới tự nhiên nguy hiểm giữa hai phía Nga và Ukraine. Ảnh: AP

Theo một số phương tiện truyền thông, thủy quân lục chiến Ukraine đã đưa được 2 nhóm bộ binh, mỗi nhóm từ 100 đến 300 binh sỹ vào khu vực ở tả ngạn (bờ đông) sông Dnipro tại vùng Kherson. Hai khu vực này cách nhau khoảng 20km và rất khó để hỗ trợ lẫn nhau. Ukraine được cho là đã đưa một số xe bọc thép hạng nhẹ, xe địa hình, pháo hạng nhẹ hoặc súng cối qua sông.

Phần lớn thời gian, họ dành để gia cố các vị trí và tự vệ bằng vũ khí nhỏ, súng phóng lựu, súng máy hạng nặng, tên lửa chống tăng và tên lửa thông thường. Ngoài ra, các đơn vị của Ukraine cũng điều động máy bay không người lái tấn công và trinh sát để chỉ điểm mục tiêu cho pháo binh ở hữu ngạn con sông.

Thách thức đầu tiên mà Ukraine phải đối mặt chính là địa hình hiểm trở của vùng tả ngạn sông Dnipro. Khu vưc này có các vùng đất trũng, đầm lầy xen kẽ các khu làng chài do vậy Ukraine phải bố trí cứ điểm xung quanh các làng mạc hoặc trên những vùng đất khô, khiến họ dễ bị máy bay không người lái hoặc pháo binh Nga phát hiện và tấn công.

Có rất nhiều con đường đất trong khu vực nhưng việc lái xe trên những con đường này rất nguy hiểm. Vào mùa khô, khi xe di chuyển sẽ tạo ra rất nhiều đám bụi, còn vào mùa mưa sẽ tạo ra những vệt bánh kéo dài trên mặt đường và máy bay không người lái của đối phương có thể lần theo dấu vết này.

Chưa kể, các đầu cầu của Ukraine tương đối gần các căn cứ không quân của Nga ở Crimea. Vì thế lực lượng Moscow có thể dễ dàng không kích các vị trí của Kiev. Thời gian gần đây, quân đội Nga bắt đầu sử dụng bom lượn để tập kích các đơn vị Ukraine ở tả ngạn sông Dnipro. Điều này có thể giúp họ tránh lọt vào tầm bắn của tên lửa phòng không Ukraine ở bên kia sông.

Mặc dù Ukraine không tiết lộ quy mô các vị trí, nhưng một số nhà phân tích cho rằng, mỗi đầu cầu có thể có diện tích vài km. Điều này đồng nghĩa với việc nếu Kiev cố gắng củng cố sức mạnh trong khu vực họ kiểm soát, các đơn vị và thiết bị sẽ phải tập trung gần nhau, và trở thành mục tiêu có giá trị cho Nga.

Ngoài ra, Kiev cũng phải đối mặt với rất nhiều rủi ro khi lắp cầu phao vượt sông, dù họ có đủ thuyền và phà nhỏ để hỗ trợ hàng trăm lính bộ binh cũng như sơ tán những người thương vong. Ukraine cần phải tạo ra những cây cầu phao kiên cố, có kích thước lớn để có thể đưa xe tăng và pháo binh từ hữu ngạn vượt sông. Nếu như họ không thể đẩy lùi các lực lượng Nga ra xa, các cây cầu phao có thể bị phá hủy bất cứ lúc nào.

Một vấn đề khác là những xe tăng tốt nhất của Ukraine như Challenger 2 của Anh, Leopard 2 của Đức và M1A2 Abrams của Mỹ – đều có trọng lượng lớn và rất cồng kềnh, có thể không tương thích với những chiếc cầu phao có từ thời Liên Xô mà quân đội Ukraine vận hành.

Theo một số nguồn tin, Ukraine đã tiếp nhận cầu phao tiêu chuẩn NATO của Đức, Pháp và Cộng hòa Séc. Nhưng vẫn chưa rõ, Kiev có đủ số lượng để đưa các loại xe tăng của phương Tây vượt sông hay không.

Mối đe dọa đối với phòng tuyến Nga

Việc thủy quân lục chiến Ukraine vượt sông thành công và chốt chặn tại một số điểm trọng yếu tại bờ Đông sông Dnipro đã gây ra mối đe dọa lớn đối với phòng tuyến của Nga ở Kherson – vốn không kiên cố như một số nơi khác tại miền Nam.

Lực lượng thủy quân lục chiến của Ukraine là một trong những lực lượng ưu việt nhất của quân đội nước này. Họ được tuyển chọn kỹ lưỡng và huấn luyện bài bản về hoạt động tấn công, đổ bộ. Những đơn vị đang trấn giữ ở các đầu cầu hiện nay là những đơn vị có kỹ năng, nghiệp vụ tốt cùng với các chỉ huy dày dặn kinh nghiệm.

Trong khi lực lượng mà Nga bố trí tại Kherson khá mỏng. Trước đó, Nga đã triển khai phần lớn nhân sự và vũ khí từ khu vực này sang các nơi khác trên mặt trận để đẩy lùi cuộc phản công của Ukraine, do vậy, các đơn vị của Nga ở đây đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, ở Kherson, Ukraine đã triển khai các hệ thống pháo cỡ 155mm, có tầm bắn xa hơn từ 5 đến 8km so với hệ thống pháo mà Nga đặt tại đây. Nếu pháo binh Nga di chuyển tới gần các đơn vị thủy quân lục chiến của Ukraine, họ sẽ dễ lọt vào tầm bắn của đối phương.

Theo Kiev Post, tại Kherson, máy bay không người lái của Ukraine cũng hiện diện với tần suất dày đặc, có thể gây nhiều tổn thất cho Nga. Để lấp đầy khoảng trống trong các tuyến phòng thủ tại Kherson, Nga chắc chắn phải điều binh sỹ và trang thiết bị từ những nơi khác tới và đây sẽ là quyết định vô cùng khó khăn khi cuộc phản công của Ukraine ở những khu vực khác diễn ra quyết liệt không kém.

3 yếu tố quyết định

Theo giới quan sát, tương lai của các đầu cầu đổ bộ mà Ukraine thiết lập ở bờ Đông sông Dnipro sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố: máy bay không người lái, pháo binh và lực lượng phòng không. Bên nào thiết lập được ưu thế đối với 3 yếu tố trên thì bên đó sẽ có thể giành thắng lợi. Đáng chú ý, trong 3 yếu tố trên, yếu tố quan trọng nhất là số lượng các hệ thống pháo và đạn pháo.

Hoạt động của Ukraine tại bờ Đông sông Dnipro đã gây áp lực lớn cho Nga. Tuy vậy, để mở tuyến đường thẳng tới Crimea, Kiev cần phải triển khai hàng nghìn binh sỹ và phương tiện hạng nặng chốt chặn ở tả ngạn con sông. Bên cạnh đó, Kiev cần phải đảm bảo hoạt động của các đơn vị vượt sông diễn ra một cách an toàn. Điều này đòi hỏi họ phải có đủ thiết bị bắc cầu và chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt hậu cần. Việc triển khai mạng lưới phòng không xung quanh các đầu cầu cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với Kiev, nhưng để làm điều đó, họ có thể phải trả giá bằng việc rút bớt hệ thống phòng không ở một số khu vực khác.

Nếu Ukraine có thể mở rộng các đầu cầu thì điều này sẽ giúp Kiev có thể đưa các căn cứ của Nga ở Crimea vào tầm bắn của tên lửa dẫn đường chính xác. Ngược lại, nếu không quân Nga cố gắng gia tăng tần suất các cuộc pháo kích và không kích để phá hủy các đầu cầu, thủy quân lục chiến Ukraine sẽ buộc phải rút lui. Trong trường hợp không có sự thay đổi lớn nào về hỏa lực của quân đội Nga và Ukraine, thì các cuộc giao tranh tại những vị trí xung quanh đầu cầu đổ bộ ở tả ngạn sông Dnipro có thể kéo dài vài tháng.

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/moi-de-doa-doi-voi-phong-tuyen-nga-khi-ukraine-lap-chot-o-ta-ngan-song-dnipro-post1060808.vov