Mới 15 tuổi cũng bị đột quỵ

Một bệnh nhân 15 tuổi, bị xuất huyết não do vỡ khối dị dạng mạch máu 0,5 cm, được bác sĩ mổ cứu kịp thời.

Đột quỵ ở người trẻ tăng cao

Người nhà bệnh nhân cho biết, cách nhập viện 3 ngày, Th.T. có biểu hiện choáng, chóng mặt. Gia đình nghĩ Trang bị cảm nên mua thuốc về dùng. Sau một ngày, T. đỡ hơn nên đi học trở lại.

Hai ngày sau tại trường, Trang lả người, muốn ói nhưng ói không được, sau đó lên cơn co giật. Nữ sinh được đưa xuống phòng y tế của trường và cấp cứu đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.

Ths Mai Hoàng Vũ, Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết khi đến bệnh Trang tiếp tục co giật nghiêm trọng hơn. Bệnh nhân được điều trị chống động kinh, giảm áp lực nội sọ, giảm huyết áp và theo dõi tri giác.

Kết quả chụp CT não và chụp mạch máu não số hóa xóa nền (DSA) phát hiện một khối xuất huyết do dị dạng mạch máu não bẩm sinh bị vỡ. Khối dị dạng có kích thước 0,5 cm, bên trong còn kèm theo túi phình 0,3 cm có nguy cơ vỡ xuất huyết lần hai.

Bác sĩ Hoàng Vũ cho biết có ba phương pháp điều trị dị dạng mạch máu gồm phẫu thuật, can thiệp nội mạch và bắn tia gamma knife. Với trường hợp nữ sinh Tr., khối dị dạng mạch máu đã vỡ gây xuất huyết, do đó phương pháp điều trị ưu tiên là phẫu thuật nhằm loại bỏ đồng thời khối máu tụ và khối dị dạng. Hai phương pháp còn lại chỉ giải quyết khối dị dạng chứ không lấy được khối máu tụ.

“Đây là một ca khó vì khối dị dạng nhỏ, phẫu thuật viên phải xác định đúng động mạch nuôi khối dị dạng và tĩnh mạch dẫn lưu”, bác sĩ Vũ đánh giá, thêm rằng trong quá trình mổ, nếu bác sĩ không cắt được động mạch nuôi sẽ không giải quyết được khối dị dạng; ngược lại, nếu cắt được tĩnh mạch dẫn lưu mà chưa cắt được động mạch nuôi thì nguy cơ xuất huyết và tái xuất huyết não vẫn xảy ra.

Ca mổ kéo dài 2 giờ, bác sĩ dùng hệ thống định vị thần kinh Neuro-Navigation ứng dụng trí tuệ nhân tạo và hệ thống kính vi phẫu có chức năng chụp huỳnh quang 3D thế hệ mới giúp thấy rõ toàn diện tổ chức não. Bác sĩ đánh giá được khối máu tụ, khối dị dạng mạch máu trong tương quan với các bó dẫn truyền thần kinh, các mô não lành.

Nhờ đó, lựa chọn vị trí mở vỏ não phù hợp, đi thẳng vào não khoảng 5 cm, tiếp cận và loại bỏ khối máu tụ. Sau đó, bác sĩ tiếp tục cắt bỏ hoàn toàn khối dị dạng và túi giả phình.

Sau mổ 2 ngày, bệnh nhân hồi phục, đi lại, ăn uống và nói chuyện được. Dự kiến một tuần sau mổ bệnh nhân xuất viện và tái khám theo hẹn.

Bác sĩ Vũ cho biết thêm, những trường hợp dị dạng mạch máu não ở vùng thái dương có nhiều mạch máu lớn, vùng não chịu chức năng cảm giác, thính giác, thị giác… rất dễ gây tổn thương chức năng cho bệnh nhân sau mổ. Do đó, người bệnh nếu có các biểu hiện nghi ngờ như đau đầu, choáng váng, nôn ói, nhìn mờ thì nên đi khám sớm để can thiệp kịp thời.

Cũng về đột quỵ ở người trẻ vừa qua Bệnh viện Nhi Trung ương vừa điều trị thành công cho một bệnh nhi 8 tuổi mắc đột quỵ. Theo lời kể của mẹ bệnh nhi, cháu N.T.A (trú tại Cẩm Khê, Phú Thọ) có tiền sử khỏe mạnh, đi học và sinh hoạt bình thường. Khoảng 18h ngày 28/3, sau khi tắm xong, cháu có biểu hiện không thể tự mặc quần áo và xuất hiện co giật.

Chấn đoán và điều trị chính xác đột quỵ não đồng thời phục hồi chức năng sớm có ý nghĩa rất quan trọng, giúp kiểm soát và hạn chế tối đa các biến chứng.

Nhờ đó thúc đẩy quá trình hồi phục của não bộ, các hoạt động chức năng cải thiện nhanh hơn và tốt hơn, góp phần giảm tỷ lệ tàn tật của đột quỵ gây ra và giúp người bệnh tái hòa nhập cộng đồng sớm nhất và tốt nhất.

Qua đây các bác sĩ khuyến cáo, các phụ huynh khi thấy dấu hiệu bất thường của con, nên đưa ngay đến cơ sở y tế chuyên khoa để được cấp cứu và xử trí kịp thời.

Cấp cứu, điều trị kịp thời

Đột quỵ não đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế trên toàn thế giới, hơn 70% số người sau khi bị đột quỵ mất đi khả năng lao động. Tỷ lệ tử vong đối với bệnh nhân đột quỵ cao hơn so với các bệnh lý khác.

Được biết, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 - 225.000 ca đột quỵ. Bệnh nhân ngày càng trẻ hóa, tỷ lệ người bệnh vào cấp cứu muộn còn rất cao so với các quốc gia khác.

Tại Việt Nam hiện có 100 bệnh viện, trung tâm thực hiện cấp cứu, điều trị bệnh nhân đột quỵ, trong đó có các bệnh viện tuyến tỉnh nhằm đảm bảo can thiệp kịp thời cho người bệnh. Tuy nhiên, gánh nặng từ bệnh đột quỵ ở nước ta vẫn ở mức cao, người bệnh tới viện quá giờ vàng can thiệp (4 - 6 giờ) còn rất nhiều.

Theo chuyên gia, đột quỵ có thể xảy ra bất ngờ với bất kỳ ai, nếu không được cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng”, hậu quả do đột quỵ rất nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong khoảng 10 - 20%. Những người sống sót phải chịu cảnh tàn phế chiếm gần 30% và chỉ khoảng 30% người bị đột quỵ có thể trở về cuộc sống bình thường.

Ngoài sơ cứu không đúng cách, một vấn đề rất cần lưu ý là việc đưa nạn nhân đến cơ sở y tế quá chậm, dẫn đến mất cơ hội sống.

Các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai thông tin, tình trạng bệnh nhân đột quỵ nhập viện trễ vẫn còn rất phổ biến do nhiều nguyên nhân khách quan như giao thông không thuận lợi, ở xa trung tâm cấp cứu đột quỵ.

Ths Mai Hoàng Vũ cho hay, “thời gian vàng” để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ là trong tầm 3-4 giờ đầu sau khi phát hiện các dấu hiệu đầu tiên và được cấp cứu bằng các thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch;

Hoặc trong 24 giờ đầu với phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học (tùy thuộc vùng não tổn thương) đối với các bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu não.

Giới chuyên môn cảnh báo, sai lầm phổ biến trong sơ cứu đột quỵ là để người bệnh nằm ở nhà nghỉ ngơi, chờ đợi cơ thể tự hồi phục thay vì đưa ngay tới bệnh viện.

Nhiều trường hợp người nhà cho bệnh nhân uống nước đường, nước chanh hoặc thuốc Đông y... Đây là việc làm vô cùng nguy hiểm, bởi bệnh nhân đột quỵ thường bị khó thở, rối loạn nuốt. Ăn uống trong lúc này có thể gây sặc, nghẹn, suy hô hấp nặng hơn.

Thông thường, khi thấy ai lăn ra bất tỉnh, nhiều người cứ tưởng họ bị “trúng gió” và dùng những biện pháp dân gian thay vì tức tốc chuyển đến cơ sở y tế gần nhất. Các phương pháp dân gian chữa đột quỵ như chích máu 10 đầu ngón tay, nằm dốc ngược đầu, đứng một chân... đều không được khoa học chứng minh là có hiệu quả. Việc chần chừ đưa người bệnh đi viện sẽ làm mất thời gian cấp cứu tốt nhất.

Còn theo bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai, hiện vẫn còn những quan niệm sai lầm khi cấp cứu đột quỵ như cạo gió, cúng bái; uống thuốc theo truyền miệng; vận chuyển người bệnh bằng xe 2 bánh, chờ cho người bệnh khỏe lại…

"Đây là những nguyên nhân khiến người bệnh không được cấp cứu đúng cách và kịp thời, gây nhiều hậu quả đáng tiếc” đại diện Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo.

Trong khi đó, đột quỵ hoàn toàn có thể dự phòng sớm được, đặc biệt với những người có yếu tố nguy cơ như bị tiểu đường, rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch, các bệnh lý van tim, loạn nhịp, bệnh lý về máu, thận, phổi. Người dân chỉ cần thay đổi lối sống cũng có thể giảm khả năng bị đột quỵ.

GS.Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam nhấn mạnh, đột quỵ có thể sàng lọc và phòng ngừa được. Ông khuyến cáo những người có tiền sử đau đầu, gia đình có người bị đột quỵ, từ 40 tuổi trở lên bị tăng huyết áp, mỡ máu, tiểu đường, mắc bệnh tim mạch cần được sàng lọc, chụp mạch não để can thiệp kịp thời và dự phòng đột quỵ bằng tuân thủ điều trị.

Khi xuất hiện các triệu chứng tê hoặc yếu vùng mặt, tay chân, méo miệng, đột ngột không nói được hoặc khó nói, nhìn mờ, đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng... cần nhanh chóng tới cơ sở y tế để cấp cứu, không sử dụng các biện pháp dân gian cạo gió hay uống các thuốc quảng cáo chữa đột quỵ.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/moi-15-tuoi-cung-bi-dot-quy-d207928.html