Mộc Châu chủ động bảo vệ 'lá phổi xanh'

Thời tiết ở Mộc Châu từ tháng 2 đến tháng 5 thường có gió tây khô nóng, dẫn tới nguy cơ cháy rừng trên địa bàn huyện được dự báo ở cấp rất cao. Quyết tâm bảo vệ “lá phổi xanh”, huyện Mộc Châu triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, chủ động trong mọi tình huống, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi xảy ra cháy rừng.

Tổ bảo vệ rừng bản Sò Lườn, xã Mường Sang, trên đường đến khu vực làm đường băng cản lửa.

Tổ bảo vệ rừng bản Sò Lườn, xã Mường Sang, trên đường đến khu vực làm đường băng cản lửa.

Gần 7 giờ sáng, mặc dù đang bước vào vụ sản xuất, nhưng 25 thành viên của Tổ bảo vệ rừng bản Sò Lườn, xã Mường Sang, đã gác lại công việc gia đình, có mặt đầy đủ tại Nhà văn hóa bản để chuẩn bị cho buổi tuần tra bảo vệ rừng và làm đường băng cản lửa. Vượt qua những đoạn đường đất dốc đứng, lởm chởm đá tảng, mọi người phải để xe máy ở lại khu vực cửa rừng để tiếp tục đi bộ đến khu vực làm đường băng cản lửa đã định trước. Tất cả đều được trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ, mũ, đèn pin và dao phát. Anh Vì Văn Cúc, Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng bản Sò Lườn, chia sẻ: Cả bản hiện đang quản lý 1.397 ha rừng, đã thành thông lệ, mỗi năm, Tổ bảo vệ rừng của bản sẽ có 2 lần làm đường băng cản lửa tại các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao. Vào những tháng khô hanh là 25 thành viên trong tổ sẽ chia thành 4 nhóm để trực tiếp nhận thông tin tại Nhà văn hóa bản và tuần tra, bảo vệ rừng. Chúng tôi quyết tâm không để xảy ra cháy rừng trên địa bàn.

Tổ bảo vệ rừng bản Sò Lườn, xã Mường Sang, làm đường băng cản lửa.

Tổ bảo vệ rừng bản Sò Lườn, xã Mường Sang, làm đường băng cản lửa.

Sau gần 1 buổi tham gia làm đường băng cản lửa, lau những giọt mồ hôi trên gương mặt ửng đỏ, anh Lò Văn Trường, thành viên của Tổ bảo vệ rừng bản Sò Lườn, phấn khởi nói: Ngoài định kỳ tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng từ 1 đến 2 lần/tháng, chúng tôi còn cùng với cán bộ kiểm lâm địa bàn tuần tra rừng, giám sát hoạt động sản xuất nương rẫy, đề phòng cháy rừng. Đồng thời, tuyên truyền đến nhân dân trong bản trước khi đốt, dọn nương rẫy cũ phải làm đường cản lửa rộng trên 10m, gom gọn vật liệu cháy thành từng đống cách xa bìa rừng, thời gian đốt nương không được đốt vào giờ cao điểm nắng nóng, gió to (thời gian đốt nương từ 5 đến 8 giờ sáng và từ 17 đến 19 giờ chiều); trước khi đốt nương phải báo cho trưởng bản biết để cử người canh gác đề phòng có cháy lan, khi đốt xong phải kiểm tra dập tắt hết tàn lửa mới được ra về.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Mộc Châu và thành viên Tổ bảo vệ rừng bản Sò Lườn, xã Mường Sang, phối hợp tuần tra, bảo vệ rừng.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Mộc Châu và thành viên Tổ bảo vệ rừng bản Sò Lườn, xã Mường Sang, phối hợp tuần tra, bảo vệ rừng.

Sau khi cùng Tổ bảo vệ rừng bản Sò Lườn hoàn thành việc làm đường băng cản lửa, các cán bộ của kiểm lâm huyện Mộc Châu tiếp tục hướng dẫn nhân dân các biện pháp bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Anh Nguyễn Xuân Trường, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Mộc Châu, phụ trách địa bàn xã Mường Sang, chia sẻ: Lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng cho người dân, đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng. Hình thức tuyên truyền gồm tuyên truyền trực tiếp thông qua việc tổ chức các hội nghị tuyên truyền (trình chiếu lồng ghép những hình ảnh trực quan giúp người dân dễ dàng tiếp nhận thông tin); tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh, tờ rơi, sơn sửa các bảng tuyên truyền bảo vệ rừng.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Mộc Châu theo dõi phần mềm hệ thống cảnh báo cháy rừng.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Mộc Châu theo dõi phần mềm hệ thống cảnh báo cháy rừng.

Là cơ quan thường trực phòng cháy, chữa cháy rừng, Hạt Kiểm lâm huyện Mộc Châu chủ động tham mưu với UBND huyện, Ban Chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện phương án PCCCR mùa khô năm 2023-2024 trên địa bàn toàn huyện. Ông Lê Văn Dũng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mộc Châu, thông tin: Toàn huyện có trên 59.000 ha rừng, trong đó có 2.744 đất rừng đặc dụng, 24.605 ha đất rừng phòng hộ, trên 31.655 ha rừng sản xuất. Đảm bảo an toàn cho tất cả các khu vực rừng trên địa bàn, đặc biệt là các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, kiên quyết không để xảy ra cháy rừng, cháy lan gây thiệt hại về tài sản của Nhân dân và các công trình của Nhà nước. Trong thời gian cao điểm mùa khô hanh, lực lượng kiểm lâm thực hiện nghiêm túc trực 24/24 giờ, theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm để phối hợp, chỉ đạo và huy động lực lượng chữa cháy rừng trong trường hợp cần thiết.

Chủ động các phương án bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, ngày từ cuối năm 2023, huyện Mộc Châu đã ban hành chỉ thị, phương án tăng cường các biện pháp quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2023-2024. Với phương châm “Phòng là chính, chữa cháy kịp thời”, chủ động phát hiện và sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tham gia chữa cháy rừng, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng, địa phương và các chủ rừng nêu cao trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ (Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ).

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Mộc Châu tuyên truyền về bảo vệ rừng mùa khô hanh cho nhân dân.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Mộc Châu tuyên truyền về bảo vệ rừng mùa khô hanh cho nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, cho biết: Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn nằm trong vùng trọng điểm nguy cơ cháy rừng cao, gồm: Mường Sang, Đông Sang, Chiềng Sơn, Chiềng Hắc, Chiềng Khừa, Lóng Sập, thị trấn Mộc Châu, thị trấn Nông trường Mộc Châu tiếp tục thực hiện hiệu quả Quy chế quản lý bảo vệ rừng giáp ranh; huy động lực lượng, tổ chức phát dọn, thu gom, xử lý thực bì, cây bụi tạo thành đường băng trắng cản lửa để giảm thiểu nguy cơ cháy lan gây thiệt hại về tài nguyên rừng và tài sản, phương tiện của nhân dân do cháy rừng gây ra.

Cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác phối hợp chặt chẽ, chủ động của các lực lượng chức năng, mỗi chủ rừng và nhân dân cần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ rừng, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng để giữ màu xanh cho những cánh rừng.

Duy Tùng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/moc-chau-chu-dong-bao-ve-la-phoi-xanh-WiqgDR1Sg.html