'Mổ xẻ gốc rễ' tình trạng vốn ngân hàng đến doanh nghiệp vẫn ách tắc

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đưa ra nhiều giải pháp để khơi thông vốn tín dụng, nhưng dòng vốn đến với doanh nghiệp vẫn ách tắc. Theo đó, tại hội thảo 'Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm', các chuyên gia tiếp tục mổ xẻ nguyên nhân nội tại và đề xuất các giải pháp cần hướng tới việc tháo gỡ khó khăn từ môi trường kinh doanh.

Hiện vẫn còn tình trạng ngân hàng không thiếu tiền nhưng doanh nghiệp khó tiếp cận. Ảnh: TL

Hiện vẫn còn tình trạng ngân hàng không thiếu tiền nhưng doanh nghiệp khó tiếp cận. Ảnh: TL

Ngân hàng cũng “tồn kho”

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nền kinh tế đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn, bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều trở ngại, thách thức, gây áp lực lớn đối với hoạt động của các doanh nghiệp.

Diễn biến cụ thể cho thấy, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ở mức thấp trong vòng từ năm 2011 đến nay (ngoại trừ năm 2020), khu vực sản xuất liên tục bị thu hẹp trong nhiều tháng, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm cả về số lượng và quy mô vốn trong khi số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể tiếp tục tăng.

Trước tình hình hiện nay, việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì và khôi phục sức khỏe của khu vực doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu, trong đó sự suy giảm khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn là vấn đề được đặc biệt quan tâm, cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp, chính sách hiệu quả để tháo gỡ. Chính vì vậy, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt đối với các bộ, ngành trong việc triển khai đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ khá toàn diện, tác động lên cả về phía cung và cầu để hỗ trợ doanh nghiệp.

Ở góc độ chính sách tiền tệ, NHNN đã thực hiện giảm mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí thanh toán… đã góp phần hỗ trợ khu vực doanh nghiệp vượt qua các khó khăn, thách thức, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh để từng bước phục hồi. Thực tế cho thấy tín dụng chỉ mới có tín hiệu tăng trở lại từ tháng 6, nhưng tốc độ chung 7 tháng của năm 2023 vẫn khá chậm.

Đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,6%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%). Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho biết, điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất hạn chế - giải quyết vấn đề này sao cho có hiệu quả là một thách thức lớn của ngành Ngân hàng.

Lãnh đạo NHNN cho biết, các ngân hàng thương mại sống chủ yếu bằng tín dụng. Vốn huy động vào cũng rất muốn cho vay ra, chứ không muốn để tiền mãi đó, hiểu nôm na là chính ngân hàng cũng đối diện với tình trạng “ứ đọng hàng tồn kho”. Tuy nhiên, doanh nghiệp nếu tồn kho nhiều thì có thể bán tháo để xả hàng, kể cả chấp nhận thua lỗ để giảm tồn kho thì sự ảnh hưởng cũng không lớn. Tuy nhiên, ngân hàng thì không thể “xả hàng” tùy tiện, vì còn liên quan đến an toàn hoạt động của chính ngân hàng và của cả hệ thống.

"Mổ xẻ" các nguyên nhân nội tại

Chúng ta có thể sử dụng các giải pháp kích thích tổng cầu. Các nguyên tắc cần quan tâm khi thực hiện các giải pháp kích cầu là phải kịp thời và đúng đối tượng. Các giải pháp có thể chỉ thực hiện tạm thời nhưng không bị phân tán quá mức nguồn lực, dư địa của chính sách.

Ông Phạm Thế Anh - Trưởng Khoa Kinh tế học thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân.

Đưa ra quan điểm mới về các nguyên nhân khiến tình trạng ách tắc vốn hiện nay, các chuyên gia cho rằng, khó khăn nằm ở nội tại hoạt động của các doanh nghiệp và giải pháp cần hướng tới tháo gỡ các khó khăn này.

Ông Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, khi nền kinh tế khó khăn thì yếu tố cần phải nghĩ đến là làm sao cải cách môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp. Do đó, theo ông Cung, chúng ta nên nhấn mạnh đến các giải pháp cải cách môi trường và hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo chia sẻ từ bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động/số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng năm 2023 cao hơn trung bình các năm. Điều này thể hiện mức độ khó khăn khiến doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động.

Theo khảo sát năm 2022 của Vietnam Report: 96,1% doanh nghiệp đang chịu áp lực tăng giá của các yếu tố đầu vào sản xuất; 61,5% gặp khó khăn bởi gián đoạn do “di chứng” của đại dịch Covid-19 gây ra; 53,9% chịu tác động từ đứt gãy chuỗi cung ứng; 48,1% cho rằng sức mua của người tiêu dùng giảm sút, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp và 40,4% khó khăn về thiếu nhân lực sản xuất.

Ở góc độ các yếu tố bên trong, theo bà Thảo, rào cản thể chế môi trường kinh doanh vẫn còn nặng nề. Trong khi đó, tâm lý sợ sai trong thực thi làm xói mòn những nỗ lực và niềm tin của doanh nghiệp; trong khi doanh nghiệp còn phải đối phó với gánh nặng chi phí lớn; cầu trong nước suy giảm… Các yếu tố trên đều cản trở khả năng phục hồi của doanh nghiệp.

Theo đó, ông Phạm Thế Anh - Trưởng Khoa Kinh tế học thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, chúng ta có thể sử dụng các giải pháp kích thích tổng cầu. Các nguyên tắc cần quan tâm khi thực hiện các giải pháp kích cầu là phải kịp thời và đúng đối tượng. Ngoài ra, các giải pháp có thể chỉ thực hiện tạm thời để vẫn kích thích được phản ứng của doanh nghiệp và người tiêu dùng nhưng không bị phân tán quá mức nguồn lực, dư địa của chính sách.

Chính sách tháo gỡ đã được thực thi hiệu quả

Các chính sách đã được thực thi có hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế thời gian qua có thể kể đến các chính sách về miễn, giảm thuế, phí và lệ phí; hỗ trợ về tài chính và tín dụng; thúc đẩy xuất khẩu, bảo vệ chuỗi cung ứng... Và đến nay, sự sát sao quyết liệt này của Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời của các bộ, ngành đã từng bước tháo gỡ khó khăn, thách thức, khôi phục niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/mo-xe-goc-re-tinh-trang-von-ngan-hang-den-doanh-nghiep-van-ach-tac-134491-134491.html