Mở rộng và nâng cao các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS

Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 có chủ đề 'Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030'. Tại Ninh Bình, chủ đề này đang được ngành Y tế triển khai thực hiện, có sự phối hợp hiệu quả với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương nhằm giảm số người nhiễm mới, giảm tử vong liên quan đến HIV/AIDS.

Bác sỹ tại Phòng khám đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS.

Bác sỹ tại Phòng khám đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS.

Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cơ sở 2, ngay từ đầu buổi sáng hàng ngày đã có đông người bệnh đến khám, điều trị. Bế trên tay con nhỏ mới gần 1 năm tuổi, anh Nguyễn Văn A cho biết: Cả hai vợ chồng tôi đều là những người nhiễm HIV. Tuy nhiên, hai con của chúng tôi lại không nhiễm bởi quá trình điều trị tại Trung tâm, vợ chồng tôi đã được các bác sỹ tư vấn, hướng dẫn, điều trị theo đúng phác đồ nên con sinh ra không bị lây nhiễm từ mẹ. Đây là điều phấn khởi, niềm hạnh phúc của gia đình bởi con cái sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, là động lực để cả hai vợ chồng nỗ lực sống khỏe mạnh, tích cực lao động, xây dựng gia đình hạnh phúc...

Chia sẻ về các trường hợp nhiễm HIV đến khám và điều trị tại Trung tâm, bác sỹ Trịnh Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng khám đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết thêm: Cùng với những tiến bộ khoa học trong phòng, chống HIV/AIDS được phát minh, đã có nhiều sáng kiến và mô hình về phòng, chống HIV/AIDS được triển khai và nhân rộng, giúp nhiều người tránh khỏi lây nhiễm, tử vong do HIV/AIDS.

Tại Ninh Bình, từ trường hợp nhiễm HIV/AIDS đầu tiên vào năm 1995, đến nay tích lũy số nhiễm HIV/AIDS là 2.822 người, đã có 1.361 người tử vong, số người nhiễm HIV/AIDS còn sống là 1.461 người.

28 năm qua, tỉnh Ninh Bình đã nỗ lực triển khai toàn diện, hiệu quả các giải pháp về xã hội, về chuyên môn kỹ thuật y tế trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV được triển khai rộng rãi như: truyền thông thay đổi hành vi, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với HIV/AIDS; mở rộng và đa dạng hóa các loại hình xét nghiệm phát hiện HIV tại các cơ sở y tế và cộng đồng; điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV; điều trị thuốc kháng vi rút HIV (ARV); triển khai khám, điều trị HIV/AIDS qua bảo hiểm y tế..., qua đó đã góp phần từng bước kiểm soát tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 9 cơ sở điều trị ARV, cơ sở điều trị Methadone tại tuyến huyện, tuyến xã. Số người đang điều trị ARV là 1.434 người, trong đó có 1.309 người đang điều trị tại Ninh Bình, 125 người có hộ khẩu tại Ninh Bình nhưng điều trị tại tỉnh ngoài. Có 1.330 người đang điều trị ARV có bảo hiểm y tế...

Bệnh nhân đến uống thuốc Methadone vào buổi sáng hàng ngày tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Chứng kiến một buổi khám bệnh của các bác sỹ tại Phòng khám đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh mới thấy giữa bác sỹ và bệnh nhân đã có sự gắn kết, nhiều trường hợp thân tình như người nhà khi cùng trò chuyện, hỏi han về công việc, sức khỏe. Để có sự thay đổi về nhận thức, hành vi đối với người nhiễm HIV/AIDS là cả quá trình dài và hiện nay, sự kỳ thị, phân biệt đối xử với nhiễm người HIV đã giảm mạnh. Người nhiễm HIV đã tự tin hơn trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, nhiều trường hợp tích cực tham gia lao động sản xuất. Theo thống kê, hiện nay tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư là 0,14%; tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con giảm xuống 0,2% trong giai đoạn 5 năm (2018-2023).

Kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của Ninh Bình là ba mục tiêu 95-95-95 vào năm 2030 đó là: 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV và 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế, Ninh Bình đã đạt mục tiêu thứ nhất là 81,2%; mục tiêu thứ hai đạt 98,2% và mục tiêu thứ ba đạt 98,8%.

Năm 2023, chủ đề của Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS là "Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030". Đây là chủ đề mang ý nghĩa thời sự, nhắc nhở sự cần thiết tham gia của cả hệ thống chính trị cùng chung tay và có những cách làm sáng tạo, hiệu quả, thiết thực để phòng, chống HIV/AIDS.

Trước những khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống HIV/AIDS khi dịch vẫn diễn biến phức tạp, dịch có xu hướng chuyển dần từ nhóm nghiện chích ma túy sang nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới nam ở độ tuổi rất trẻ, đặc biệt là trong nhóm học sinh, sinh viên; độ tuổi nhiễm HIV từ 15-49... đòi hỏi việc tiếp cận và tư vấn, cung cấp kiến thức phòng, chống HIV/AIDS cần phải được đổi mới, sát với tình hình thực tế.

Từ năm 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án đảm bảo tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, ngành Y tế tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS, đẩy mạnh các sáng kiến, cải tiến mới trong việc tiếp cận đối tượng có hành vi nguy cơ cao, đa dạng hóa các hình thức tư vấn, xét nghiệm, điều trị dự phòng... để hoàn thành mục tiêu 95-95-95 và hướng tới kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Bài, ảnh: Bùi Diệu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/mo-rong-va-nang-cao-cac-dich-vu-ve-phong-chong-hiv-aids/d20231205204728782.htm