Mở rộng thương mại Việt Nam và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)

Thương mại giữa tỉnh Vân Nam và Việt Nam trong năm ngoái mới đạt 2,65 tỷ USD, lãnh đạo Bộ Công thương đề đề nghị hai bên phối hợp triển khai giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến thực chất, mở rộng quy mô thương mại

Thứ trưởng Phan Thị Thắng làm việc với Chính quyền tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng và đoàn công tác gồm đại diện một số đơn vị của Bộ và địa phương quan trọng tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng (Lào Cai và Hà Nội) vừa kết thúc chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Vân Nam – Trung Quốc.

Chuyến công tác nhằm thúc đẩy các cơ quan chức năng của tỉnh Vân Nam phối hợp triển khai nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về mở rộng quy mô thương mại song phương, tăng cường hợp tác với các địa phương Trung Quốc và thực hiện Kế hoạch hành động giai đoạn 2023-2026 triển khai Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa Bộ Công thương và Chính quyền tỉnh Vân Nam.

Kim ngạch thương mại giữa tỉnh Vân Nam và Việt Nam mới đạt 2,65 tỷ USD trong năm ngoái, chiếm chưa đến 1% tỷ trọng thương mại Việt - Trung.

Lãnh đạo Bộ Công thương đề nghị hai bên cùng phối hợp triển khai các biện pháp tạo ra sự chuyển biến thực chất nhằm mở rộng quy mô thương mại song phương, qua đó nâng cao tỷ trọng thương mại giữa Việt Nam và Vân Nam trong tổng thể thương mại Việt – Trung.

"Tỉnh Vân Nam nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng để cửa khẩu đường sắt Hà Khẩu, cửa khẩu Thiên Bảo, cửa khẩu Kim Thủy Hà, sớm được phê duyệt là địa điểm quản lý giám sát nhập khẩu trái cây, lương thực chỉ định và nghiên cứu thí điểm nhập khẩu, hoặc nhập khẩu gia công tại cửa khẩu các loại nông sản, trái cây có tiềm năng như bưởi da xanh, dừa tươi, vú sữa… của Việt Nam", Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị.

Để thực mở rộng quy mô thương mại, hai bên tiếp tục nâng cấp hạ tầng cửa khẩu, tăng cường mức độ thuận lợi hóa thông quan bao gồm: Phát huy vai trò và tăng cường khai thác cặp cửa khẩu quốc tế ga đường sắt Lào Cai – Hà Khẩu trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới Việt - Trung, nâng cao năng lực và hiệu quả vận tải đường sắt xuyên biên giới Trung Quốc - Việt Nam;

Đẩy nhanh tiến độ ký Hiệp định (Nghị định thư) xây dựng cầu đường bộ Bản Vược (Lào Cai) – Bá Sái (Vân Nam, Trung Quốc).

Sớm hoàn thành các thủ tục nội bộ và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để nâng cấp cặp cửa khẩu Ma Lù Thàng (Việt Nam) - Kim Thủy Hà (Trung Quốc) thành cửa khẩu quốc tế; nâng cấp lối mở A Pa Chải (Trung Quốc là lối mở Long Phú) thành cửa khẩu song phương; mở lối mở Lũng Làn – Lộng Bình và cửa khẩu song phương Săm Pun – Điền Bồng.

Thứ trưởng Bộ Công thương đề nghị Chính quyền tỉnh Vân Nam trước mắt tập trung triển khai các giải pháp mở rộng nhập khẩu thủy, hải sản từ Việt Nam, đưa các sản phẩm này trở thành “điểm tăng trưởng” trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc qua địa bàn tỉnh Vân Nam.

Việt Nam có lợi thế rất lớn trong lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy hải sản trong khi Vân Nam tiếp giáp với Việt Nam, có nhu cầu cao với thủy hải sản nhưng nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam còn khiêm tốn.

Do đó, Bộ Công thương đề nghị phía Vân Nam phối hợp, tạo thuận lợi và có giải pháp hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu thủy, hải sản của Việt Nam trong giai đoạn đầu thâm nhập, tìm kiếm thị trường Vân Nam và thông qua Vân Nam hướng tới các thị trường khu vực Tây Nam, Tây Bắc, Trung Quốc.

Phó tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam, Lưu Dũng khẳng định đồng thuận cao với đề nghị của Bộ Công thương và cho biết sẽ phối hợp triển khai các biện pháp cụ thể để đưa kim ngạch thương mại Việt Nam – Vân Nam bằng 60-70% kim ngạch thương mại Việt Nam – Quảng Tây.

Về việc tạo thuận lợi hóa thông quan, lãnh đạo tỉnh Vân Nam nhấn mạnh sẽ phối hợp để thúc đẩy các thủ tục sớm mở nâng cấp các cửa khẩu.

Phía Vân Nam cũng đề nghị thúc đẩy xây dựng cửa khẩu gương mẫu tại cửa khẩu Lào Cai – Hà Khẩu, triển khai hợp tác xây dựng cửa khẩu thông minh tại cửa khẩu Lào Cai; Tăng cường xây dựng hạ tầng giao thông vận tải kết nối các cửa khẩu biên giới với giao thông nội địa trong đó thúc đẩy tỉnh Hà Giang xây dựng hạ tầng đến cửa khẩu Thanh Thủy để phát triển logistics và quy mô thương mại.

"Tỉnh Vân Nam sẵn sàng phối hợp để mở rộng nhập khẩu nông sản chất lượng cao của Việt Nam, nhất là dược liệu đông y, mở rộng số lượng doanh nghiệp yến sào Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc và thúc đẩy thương mại mặt hàng cá tầm của Trung Quốc vào Việt Nam", Phó tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam, Lưu Dũng nói.

Thế Hoàng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/mo-rong-thuong-mai-viet-nam-va-tinh-van-nam-trung-quoc-d214102.html