Mở rộng, kết nối thị trường

Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội nếu biết hóa giải khó khăn, khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng

. Ông ĐÀO MINH TÚ, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước:

Ông ĐÀO MINH TÚ

Nỗ lực kích cầu tín dụng

Tôi đánh giá cao nội dung của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 - Phiên thứ 2 do Báo Người Lao Động tổ chức. Chủ đề "Gỡ khó về vốn và thị trường cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu" là chủ đề lớn, quan trọng và có tính thời sự.

Để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, ở góc độ Ngân hàng (NH) Nhà nước, cần làm sao duy trì lãi suất ở mức thấp như hiện nay và giữ tỉ giá ổn định. Đối với DN xuất khẩu, đây là 2 yếu tố cơ bản bên cạnh điều kiện tiếp cận tín dụng tốt và nguồn vốn đầy đủ.

Điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động NH trong gần 4 tháng đầu năm 2024 rất khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động lớn bởi tình hình quốc tế và những khó khăn nội tại. Hai tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng âm dù cơ chế, chính sách vẫn như vậy. Đến tháng 3, tăng trưởng tín dụng bắt đầu cải thiện và tính tới thời điểm này đã đạt khoảng 1,5%. Các bộ, ngành đang nỗ lực triển khai giải pháp thúc đẩy cầu tín dụng.

. TS VŨ TIẾN LỘC - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC):

TS VŨ TIẾN LỘC

Chủ động phòng ngừa rủi ro

Xuất khẩu hầu hết mặt hàng chủ lực sang các thị trường châu Âu, Mỹ, ASEAN, Nhật Bản... đều tăng trong thời gian qua, trong đó riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng đến 34%. Dù xuất khẩu nhìn chung vẫn rất khó khăn song chúng ta còn nhiều cơ hội khai thác các thị trường thông qua việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do. So sánh với những nền kinh tế có điều kiện tương tự như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh..., sức cạnh tranh của Việt Nam không hề kém. Tuy nhiên, nếu không nâng cao năng lực cạnh tranh thì chúng ta sẽ đối mặt với áp lực rất lớn.

Một điểm cần lưu ý là DN Việt Nam khá hời hợt khi ký hợp đồng xuất khẩu, thường chỉ quan tâm lời - lỗ, đến khi ký xong mới phát hiện mình bị hớ. Để xây dựng quan hệ làm ăn bền vững, DN phải bám sát các quy định của quốc tế, có biện pháp quản trị rủi ro, dự phòng giải pháp phòng ngừa và giải quyết tranh chấp...

. Ông ĐẶNG QUỐC HÙNG, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủ công Mỹ nghệ gỗ Liên Minh:

Ông ĐẶNG QUỐC HÙNG

Ngân hàng phải trở thành một nhà đầu tư

Từ trước tới nay, các DN tập trung vào thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu nên khi thị trường này gặp vấn đề thì lập tức bị ảnh hưởng. Do đó, cần định hướng DN mở rộng sang những thị trường không truyền thống.

Tháng 2 vừa rồi, chúng tôi tổ chức một hội chợ và thu hút được nhà mua hàng của hơn 70 thị trường, trong đó có nhiều thị trường mới, đặc biệt là Ấn Độ. Với tình hình hiện nay, dự báo kinh tế thế giới khó tăng trưởng trong thời gian ngắn. Trong bối cảnh cạnh tranh lớn, làm sao để DN Việt Nam có ưu thế? Một trong những giải pháp là NH phải trở thành nhà đầu tư chứ không chỉ là bên cho vay. Ngoài mở rộng vốn cho những DN có tiềm năng, NH cần đầu tư để giúp DN nâng cao trình độ sản xuất; đầu tư cho xúc tiến thương mại ở trong và ngoài nước; có chính sách hỗ trợ DN chuyển đổi xanh, đầu tư công nghệ xanh...

. Ông TRẦN TRỌNG KIM, Tham tán thương mại Việt Nam tại Ả Rập Saudi:

Ông TRẦN TRỌNG KIM

Tránh lừa đảo

Khi giao dịch với các DN ở khu vực Trung Đông, DN Việt Nam cần chú ý thanh toán an toàn bằng các hình thức như thư tín dụng (L/C), ký hợp đồng bảo đảm. Nếu có khách hàng thanh toán trước càng tốt. Đặc biệt, không trả trước bất kỳ khoản phí nào như: phí môi giới hợp đồng, phí hóa đơn vì đây là dấu hiệu lừa đảo.

Các DN Việt Nam cũng cần xác minh thông tin qua kênh đại sứ quán và thương vụ khi nhận được lời mời ký kết các đơn hàng lớn với giá tốt cho mục đích nhân đạo, cứu trợ để tránh gặp trường hợp lừa đảo. Các cơ quan trong nước tiếp tục thông tin tới các hiệp hội, DN để lường trước những khó khăn khi xuất khẩu hàng hóa sang Ả Rập Saudi, Yemen trong thời gian tới. Ngoài ra, các DN nên tăng cường thiết lập những đầu mối nhập khẩu không đi qua biển Đỏ vì hiện nay vẫn còn một số cảng trong khu vực không bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột.

Các khách mời trao đổi bên lề Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 - Phiên thứ 2: Gỡ khó về vốn và thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

.LÊ THỊ THANH MINH, Trưởng Phòng châu Âu, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương):

Bà LÊ THỊ THANH MINH

Tiềm năng từ thị trường châu Âu

Châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam. Trong thời gian tới, DN Việt Nam có thể đẩy mạnh tiếp cận, xúc tiến bán hàng vào những thị trường lớn như Hà Lan, Pháp, Đức, Ý... Các nước châu Âu nhập khẩu nhiều sản phẩm giày dép, dệt may, túi xách, ô dù, ví, vali... Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng như sắt thép, cà phê, bánh kẹo, cao su... sang các thị trường này trong quý I/2024 ghi nhận mức tăng cao.

Thị trường châu Âu rất tiềm năng nhưng cũng là thị trường có tiêu chuẩn rất khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và lao động. DN phải lưu ý đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật này để được hưởng thuế suất ưu đãi xuất khẩu.

. Ông CAO THANH PHONG, Phó Giám đốc phụ trách điều hành Trung tâm Phê duyệt tín dụng tại TP HCM - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank):

Ông CAO THANH PHONG

Gỡ vướng thủ tục tiếp cận vốn

Agribank gần đây đã rà soát toàn hệ thống nhằm tiếp tục tinh giản hồ sơ tín dụng nhưng vẫn bảo đảm đúng quy định. Về phía DN, để tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn vay, DN cần minh bạch trong báo cáo tài chính, trung thực trong cung cấp thông tin tối thiểu theo quy định.

Ngoài việc ngày càng đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, thời gian qua, Agribank cũng dành lượng lớn nguồn vốn tập trung vào sản xuất - kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng. Chúng tôi triển khai 13 chương trình tín dụng ưu đãi với quy mô 200.000 tỉ đồng; 8 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay; tích cực tham gia các hội nghị kết nối NH - DN để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn. Ngay đầu quý II/2024, chúng tôi bổ sung thêm 35.000 tỉ đồng vốn tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân, DN.

. Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam:

Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE

Tiềm ẩn nhiều thách thức

Thủy sản là hàng thực phẩm thiết yếu nên vẫn còn có cơ hội tăng trưởng dù hiện nay các thị trường đều "co lại" do người tiêu dùng giảm bớt chi tiêu. Quý I/2024, xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 2 tỉ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, DN đang đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao. Chúng ta vẫn phụ thuộc vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu nên tỉ giá biến động gây khó khăn cho DN.

Thời gian qua, Chính phủ đã tập trung hỗ trợ ngành sản xuất và đã phát huy tác dụng. Hy vọng thời gian tới, các chính sách hỗ trợ sẽ tiếp tục được duy trì.

Nhà báo - TS TÔ ĐÌNH TUÂN, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động:

Nhà báo - TS TÔ ĐÌNH TUÂN, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động

Chủ động thích ứng

Trước tình hình căng thẳng trên thế giới, chúng ta cần có sự chuẩn bị để thích ứng. Đó là phải tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường, tăng lượng hàng dự trữ để phòng thủ tốt hơn. Để làm được điều này, DN cần nguồn lực tài chính nên vai trò của các tổ chức tài chính - tiền tệ, đặc biệt là vai trò điều phối của NH Nhà nước, là rất lớn.

Nếu tình hình quốc tế tiếp tục biến động xấu, DN xuất khẩu rất cần sự hỗ trợ - có thể là gói tín dụng riêng dành cho từng lĩnh vực xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhiều DN cho hay chi phí xúc tiến thương mại đơn lẻ rất tốn kém trong khi các tham tán thương mại cho biết nhiều hội thảo ở nước ngoài không nhận được sự hưởng ứng của DN trong nước. Do đó, cần tiếp tục kết nối DN với tham tán thương mại để tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại quy mô lớn, hiệu quả và tiết kiệm chi phí.

Đáng chú ý, lãnh đạo NH Nhà nước cũng nêu ra chương trình tín dụng xanh. Cần triển khai ngay để Việt Nam hòa nhập với quy định chung của toàn thế giới.

HOÀI DƯƠNG - NGỌC ÁNH ghi

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mo-rong-ket-noi-thi-truong-196240425212031032.htm