Mở rộng hợp tác, trao đổi nghiên cứu mới trong điều trị dịch bệnh

Ngày 15/12, các chuyên gia Viện Vi sinh và Chống dịch Stanford (Mỹ) trao đổi nghiên cứu mới trong điều trị bệnh, công nghệ y khoa với Viện nghiên cứu Tâm Anh.

Hội thảo diễn ra tại Đà Nẵng, nằm trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của chuyên gia Mỹ, diễn ra trong ba ngày từ 13-16/12. Sự kiện hướng tới mở rộng hợp tác giữa hai viện về khoa học y tế chuyên sâu, triển khai các nghiên cứu, phát minh mới về y tế và chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam.

Tại hội thảo, GS.TS.BS Jeffrey Glenn, Viện trưởng Viện vi sinh và chống dịch Stanford, trình bày báo cáo "Phương pháp mới điều trị bệnh viêm gan siêu vi D", thu hút giới chuyên môn do hiện Việt Nam chưa có kỹ thuật xét nghiệm và vaccine phòng bệnh này.

Toàn cảnh hội thảo.

Ở lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học, các loại thuốc mới, người đứng đầu Viện Vi sinh và Chống dịch Stanford cho biết, hai bên sẽ định hướng mô hình khả thi để phát triển cộng đồng bác sĩ nghiên cứu lâm sàng tại Việt Nam.

Chuyên gia cho rằng Việt Nam cần thúc đẩy hơn nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc công nghệ cao, thuốc công nghệ sinh học, thuốc mới. Việc này nhằm đáp ứng nhu cầu trong trường hợp cấp bách như xảy ra dịch bệnh, bệnh truyền nhiễm mới.

Đại diện Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh giới thiệu kinh nghiệm thực tiễn về ứng dụng robot AI trong mổ u não, đột quỵ xuất huyết não; Công nghệ nuôi phôi AI, cải thiện tỷ lệ thành công trong thụ tinh ống nghiệm; Ứng dụng siêu "thuật toán" AI trong dựng hình, đo đạc cấu trúc tim thai, phát hiện bất thường nhỏ nhất.

Tâm Anh còn ứng dụng công nghệ thực tế ảo "Mắt thần" Knee+ trong phẫu thuật tạo hình khớp gối nhân tạo; can thiệp phì đại lành tính tuyến tiền liệt không phẫu thuật với sự trợ giúp của AI, "siêu chọn lọc" đúng các mạch máu cần can thiệp.

Ở lĩnh vực y tế dự phòng, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Tiêm chủng VNVC, trình bày về các bệnh truyền nhiễm cơ bản tại Việt Nam và vaccine phòng bệnh, từ đó bàn luận và tìm cách ứng phó tốt hơn.

GS.BS Harry B. Greenberg, Cố vấn Viện vi sinh & chống dịch Stanford cho biết, sự thay đổi trong nhân khẩu học, các bệnh truyền nhiễm diễn biến nhanh. Nhu cầu về thuốc, chăm sóc, thăm khám sức khỏe và dự phòng bệnh ngày càng tăng. Trong khi đó, tốc độ ra thuốc, vaccine mới không kịp tốc độ phát sinh bệnh.

Ông đánh giá cao năng lực y tế dự phòng tại VNVC, cho rằng mô hình VNVC là duy nhất trên thế giới, có thể công bố trên các tạp chí quốc tế về hình mẫu triển khai tiêm chủng với những dự án truyền thông, giáo dục cộng đồng hiệu quả.

Ngoài ra, các chuyên gia Việt - Mỹ trao đổi nhiều chủ đề lớn như khả năng lập trình các loại thuốc kháng virus, tương lai ngành công nghệ sinh học mới, chuyển tải các nghiên cứu y sinh học cơ bản thành các ứng dụng liệu pháp chữa trị mới.

GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tâm Anh cho biết, sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong triển khai chiến lược về y tế và chăm sóc sức khỏe, đã được Viện nghiên cứu Tâm Anh và Viện Vi sinh và Chống dịch Stanford ký kết hợp tác vào tháng 9/2023. Sự kiện cũng tiếp tục khẳng định nỗ lực đưa Việt Nam tiếp cận khoa học thế giới, thông qua vai trò của các giáo sư, nhà khoa học.

AN BÌNH

Nguồn VTC: https://vtc.vn/mo-rong-hop-tac-trao-doi-nghien-cuu-moi-trong-dieu-tri-dich-benh-ar841557.html