Mở rộng giáo dục STEM cho học sinh

Những tiết dạy STEM thoải mái, chủ động, với nhiều hoạt động tăng tính tương tác, tạo hứng thú, kích thích sự tìm tòi, sáng tạo của học sinh đang được nhân rộng trên khắp các cơ sở giáo dục tỉnh ta.

Cô giáo Nguyễn Thị Huyền, Chủ nhiệm lớp 3A2, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Phìn Hồ thực hiện bài học STEM với phép nhân, chia.

Cô giáo Nguyễn Thị Huyền, Chủ nhiệm lớp 3A2, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Phìn Hồ thực hiện bài học STEM với phép nhân, chia.

Giáo dục STEM là phương thức giáo dục chủ yếu dựa trên dạy học tích hợp, tạo cơ hội cho học sinh huy động, tổng hợp kiến thức, kỹ năng thuộc các lĩnh vực khoa học (Science), công nghệ (Technology), kỹ thuật (Engineering) và toán học (Mathematics) để phát triển phẩm chất, năng lực và giải quyết hiệu quả các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống. Khi thực hiện giáo dục STEM, khuyến khích tích hợp thêm yếu tố nghệ thuật, nhân văn, thúc đẩy tính sáng tạo, thẩm mỹ, trí tò mò và sự thấu cảm của học sinh. Các hình thức tổ chức giáo dục STEM bao gồm: Bài học STEM, hoạt động trải nghiệm STEM và làm quen với nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.

Giờ học Toán, bài “Bảng nhân, bảng chia 9” của cô và trò lớp 3A2, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ diễn ra vui vẻ, sôi nổi. Trên bảng, giáo viên kẻ ô số, hướng dẫn học sinh dóng hàng dọc, hàng ngang, xác định tích là giao điểm giữa 2 hàng, và từ 1 phép tính nhân thành lập được 2 phép tính chia. Học sinh kẻ ô tương tự trong vở, dễ học và dễ nhớ, lại như một trò chơi thu hút các em. Cô giáo Nguyễn Thị Huyền, chủ nhiệm lớp 3A2 cho biết: “Ðây là tiết học STEM với bảng nhân chia theo phương pháp mới mà năm đầu tiên tôi thực hiện. Mỗi chủ đề, môn học có thể được truyền tải thông qua các mô mình, bài giảng khác nhau, gắn với thực tế. Dù thực hành giảng dạy chỉ từ đầu năm học, nhưng tôi thấy học sinh thoải mái, tích cực tương tác, độc lập và năng động hơn. Ðơn cử như bài nhân, chia này, các em nhìn vào bảng là thực hiện được ngay phép tính, tìm kết quả nhanh. Còn tự tay kẻ, vẽ, được thể hiện bản thân, nên các em tự tin hơn, tiếp thu nhanh hơn, tăng tính tự chủ, sáng tạo”.

Ðây là năm học đầu tiên Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Phìn Hồ triển khai giáo dục STEM. Ðể chuẩn bị cho điểm mới này, Trường đã sớm triển khai các văn bản chỉ đạo của ngành, tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên tìm hiểu, nghiên cứu về giáo dục STEM, tham gia các chương trình tập huấn giáo dục STEM do ngành tổ chức... Bước vào năm học mới, các lớp trong toàn trường đều được tiếp cận với STEM. Thầy Trần Ðăng Khoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thầy cô trong trường đã chủ động học hỏi, trau dồi, tham gia các nhóm giáo viên trao đổi, chia sẻ về STEM để chuẩn bị tốt cho việc triển khai nội dung giáo dục này. Nhờ đó công tác giáo dục STEM tại trường diễn ra tương đối thuận lợi. Mới thực hiện nhưng giáo dục STEM đã phát huy được giá trị tích cực, phù hợp với cả địa bàn vùng cao như Phìn Hồ, thiết thực mở rộng vốn hiểu biết cho học sinh, trang bị cho các em những kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng thực tiễn”.

Tại tỉnh ta, việc thực hiện giáo dục STEM trong trường trung học bắt đầu được triển khai từ năm học 2020 - 2021. Ðến năm học 2022 - 2023, đã có 295 trường áp dụng với 1.258 bài học STEM, 596 hoạt động trải nghiệm STEM, 1.150 dự án khoa học, kỹ thuật học sinh đã thực hiện... Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT): Bước đầu cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh đã nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục STEM. Các hoạt động ngoại khóa cũng ngày càng đa dạng, hiệu quả, như: Tìm hiểu thực tế các cơ sở sản xuất, làng nghề truyền thống, Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, Bào tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ; chăm sóc di tích lịch sử, nghĩa trang liệt sĩ; tham gia các dự án bảo tồn, giới thiệu sản phẩm truyền thống tại địa phương... Qua đó góp phần làm các em quan tâm hơn đến các vấn đề cuộc sống; khuyến khích nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, công nghệ; rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức tổng hợp đã học để giải quyết các vấn đề thực tiễn...

Năm học 2023 - 2024, ngành GD&ÐT tỉnh tiếp tục triển khai mở rộng hoạt động giáo dục STEM trong bậc tiểu học. Theo đó, các phòng GD&ÐT: TP. Ðiện Biên Phủ, các huyện: Ðiện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Chà và TX. Mường Lay chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai dạy học STEM ít nhất 5 cơ sở giáo dục tiểu học/địa bàn. Phòng GD&ÐT các huyện còn lại căn cứ điều kiện của địa phương chọn ít nhất 1 cơ sở giáo dục tiểu học để tổ chức triển khai thực hiện. Từ năm học 2024 - 2025, giáo dục STEM sẽ được triển khai thực hiện đến tất cả các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện chỉ đạo đó, các địa bàn đều tích cực triển khai. Ðặc biệt, với điều kiện thuận lợi và đã tiếp cận thời gian qua, TP. Ðiện Biên Phủ triển khai giáo dục STEM với tất cả các trường tiểu học. Mới đây, vào giữa tháng 10, cụm chuyên môn số 3 gồm các trường: Tiểu học (TH) Bế Văn Ðàn, TH Noong Bua; TH - THCS Thanh Trường, TH Tà Cáng, TH số 2 Nà Tấu, TH - THCS Hermann Gmeiner đã tổ chức sinh hoạt chuyên môn cụm trường về nâng cao chất lượng dạy học nội dung bài học STEM. Tại đây, các giáo viên thực hành bài học STEM đối với chủ đề “Thùng rác thân thiện”, môn Tự nhiên xã hội lớp 3; “Theo dòng thời gian”, môn Toán lớp 4. Qua đó tiến hành thảo luận về phương pháp, hình thức tổ chức và quy trình tổ chức bài học STEM, chia sẻ tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác chuyên môn dạy và học.

Dù đã triển khai đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng hoạt động giáo dục STEM tại tỉnh ta vẫn có một số hạn chế, như: Chưa “Chương trình hóa” giáo dục STEM nên gặp khó khăn trong việc tổ chức các nội dung, chủ đề sao cho vừa đảm bảo yêu cầu của khung chương trình, vừa phát huy sức sáng tạo của học sinh; phần lớn giáo viên chỉ được đào tạo chuyên sâu một môn, khó triển khai dạy học theo hướng liên ngành, liên môn như giáo dục STEM; điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu phòng học STEM hoặc phòng thực hành để học sinh có nơi làm việc nhóm, nghiên cứu, thí nghiệm...

Ðể nâng cao chất lượng giáo dục STEM, ông Cù Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở GD&ÐT cho biết: Ngành tiếp tục tăng cường truyền thông, tổ chức tập huấn cho giáo viên về phương pháp dạy học theo STEM và cách thức định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Tổ chức trang bị một số phòng dạy học “Robotics” theo mô hình giáo dục STEM từ nguồn ngân sách được huy động hợp pháp. Thực hiện đánh giá học sinh vào các tình huống thực của cuộc sống, yêu cầu giải quyết vấn đề gắn với bối cảnh thực, bằng kiến thức liên môn cộng với sự hiểu biết xã hội. Xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các trường đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo trong nhà trường. Thúc đẩy phong trào giáo dục STEM bằng các hoạt động như: Câu lạc bộ, ngày hội STEM, ngày tham quan các phòng thí nghiệm, nhà máy… đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu công nghệ, phương tiện dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học STEM và kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục STEM...

Nguyễn Hiền

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/giao-duc/210474/mo-rong-giao-duc-stem-cho-hoc-sinh