Mở rộng đường Láng: Cách nào chấm dứt bỗng thành mặt phố, Nhà nước thu được tiền

Các chuyên gia đưa ra nhiều căn cứ pháp lý giúp Hà Nội tiết kiệm khi thực hiện đấu giá đất để mở rộng đường Láng.

Đấu giá đất để tiết kiệm chi phí

Vấn đề hiện được nhiều chuyên gia quan tâm là cần làm gì để những chi phí mở rộng đường Láng có thể co bớt lại mà đoạn đường vẫn được mở rộng, đẹp hơn và thông thoáng hơn, đúng như hy vọng của người dân Thủ đô.

Một trong những ý tưởng được nhắc đến để Hà Nội không phải bỏ ngân sách quá lớn cho công tác giải phóng mặt bằng, trước khi xây dựng dự án, đó là đấu giá những mặt tiền có được do giải phóng mặt bằng, thay vì phải đền bù cho người dân sở hữu mặt tiền "tự dưng mà có" đó.

Theo TS. Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, việc thu hồi đất mặt đường Láng sau khi giải tỏa làm đường để đấu giá, lấy ngân sách cho thành phố là chủ trương đúng đắn, bởi điều này sẽ đem lại rất nhiều lợi ích, thuận lợi cho cả người dân và Nhà nước.

Người dân có thể được tái định cư tại chỗ hoặc được bồi thường với giá tốt hơn (từ nguồn kinh phí đấu giá quỹ đất dôi dư). Còn Nhà nước thu được chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phân tích, việc mở rộng đường Láng là hết sức cần thiết để giải quyết vấn đề giao thông nội đô - vốn là áp lực lớn bấy lâu nay của Hà Nội.

Tuy nhiên, cần kết hợp việc này với đấu giá đất để góp phần tạo nên diện mạo đô thị mới, chứ không chỉ là mở rộng đường. Thu hồi đất hai bên đường mới sẽ tạo nguồn lực lớn, góp phần tiết kiệm ngân sách cho thành phố và tạo được công bằng cho cả người dân.

Nhiều người dân Hà Nội đang kỳ vọng đường Láng sớm được mở rộng. (Ảnh: Minh Đức)

Nhiều người dân Hà Nội đang kỳ vọng đường Láng sớm được mở rộng. (Ảnh: Minh Đức)

Ông Nghiêm cũng nhấn mạnh, để thực hiện được việc mở đường, đi kèm với thu hồi, đấu giá đất, cơ quan chức năng cần phải xác định rõ ranh giới đường được mở.

Ranh giới phải căn cứ vào quy hoạch, nếu khác so với quy hoạch thì phải thông qua HĐND lấy ý kiến và cho phương án, sau đó phải lấy ý kiến nhân dân để có phương án đền bù, giải phóng mặt bằng thỏa đáng. Trên cơ sở đó sẽ đấu giá diện tích đất hai bên đường để lấy kinh phí đầu tư.

Mấu chốt là việc triển khai các dự án làm đường phải đồng thời ngăn chặn được nhà "siêu mỏng, siêu méo", không để mặt tiền trống phát sinh thành loại hình khác rồi lại phải chạy theo xử lý từng trường hợp”, ông Nghiêm nói.

Ngoài ra, theo ông Nghiêm, phải công khai đấu giá thì mới tạo sự đồng thuận của người dân một cách nhanh nhất. Đồng thời, nên cân đối đấu giá đất cao hơn dựa trên cơ sở Luật Đất đai có hiệu lực từ tháng 7.

Cũng phân tích về việc thu hồi, đấu giá đất hai bên đường mới để lấy nguồn lực mở rộng đường Láng, một chuyên gia cầu đường cho rằng, phương thức này đã được áp dụng trên thế giới và rất thành công.

Hiện nay tại Việt Nam, mỗi khi giải phóng mặt bằng, nguồn tiền thực hiện chính là ngân sách Nhà nước nên rất tốn kém.

Trong khi đó, việc thu hồi, đấu giá đất hai bên đường mới là cách làm hay, hiệu quả, có thể tiết kiệm được hàng vạn tỷ đồng cho việc đền bù, giải phóng mặt bằng cũng như chi phí xây dựng đường mới.

Chuyên gia này cũng chỉ ra thực tế, số tiền đầu tư làm đường là ngân sách Nhà nước, trong khi người được hưởng lợi lại là những hộ dân kề bên dự án, không phải các hộ dân bị giải phóng mặt bằng. Ví dụ, lúc mặt tiền lúc chưa làm đường chỉ là đất làng, giá trị nhỏ, nhưng khi ra mặt đường lại có giá trị cao hơn rất nhiều.

"Người hưởng lợi là những người ở hai bên đường, còn Nhà nước lại mất số tiền lớn, đó chưa phải là cách hay. Nếu đấu giá đất thì người dân trong diện bị giải tỏa cũng vui mà Nhà nước lại bớt gánh nặng về tài chính”, vị chuyên gia phân tích.

Trong khi đó, có chuyên gia nêu ý kiến, Nhà nước cũng có thể lấy nốt phần đáng lẽ là mặt tiền tự dưng mà có đó để đấu giá.

Ví dụ, thay vì lấy vào 15m thì lấy vào hẳn 50m, sau đó làm đường gom để tạo ra thêm mặt tiền nữa cho nhà ở phía sau, tăng thêm giá trị cho khu đất đấu giá”, vị này đề xuất phương án.

Không phải việc làm mới

Nói về vấn đề pháp lý của chủ trương này, các chuyên gia cho rằng đã được đề cập trong Luật Xây dựng 2004, Luật Quy hoạch đô thị 2009 rồi Luật Đất đai 2013. Tuy vậy, cơ quan chức năng cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để giải quyết các bất cập, vướng mắc.

Cụ thể, Điều 62, Luật Quy hoạch đô thị, tại Khoản 4 quy định: Khi triển khai dự án phát triển các tuyến đường giao thông theo quy hoạch đã được phê duyệt, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải đồng thời tổ chức thu hồi đất hai bên đường theo quy hoạch, tổ chức đấu giá hoặc đấu thầu để lựa chọn chủ đầu tư theo quy định của pháp luật.

Trong Luật Đất đai, Điều 62 quy định Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các công trình vì lợi ích quốc gia, công cộng, phục vụ cho tái định cư và chỉnh trang đô thị;

Điều 118 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công khi nói về khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng cũng đã ghi rõ: Khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng là việc Nhà nước áp dụng cơ chế thu hồi đất vùng phụ cận của đất phục vụ dự án đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng theo quy định của pháp luật về đất đai nhằm tạo quỹ đất để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng.

Sau khi cải tạo, đường Láng có thể rộng 53,5m, vận tốc thiết kế 80km/h và là trục chính đô thị.

Sau khi cải tạo, đường Láng có thể rộng 53,5m, vận tốc thiết kế 80km/h và là trục chính đô thị.

Bình luận về tính pháp lý, luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng văn phòng Luật sư Toàn Cầu, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng nêu quan điểm đây không phải là việc làm mới. Trước đó nhiều năm, cả Đà Nẵng và TP.HCM cũng đã có đề án về vấn đề này.

Việc thu hồi đất hai bên tuyến đường không phải hoàn toàn đem đi đấu giá mà dùng một phần quỹ đất này để thực hiện tái định cư tại chỗ cho người dân liên quan.

Tuy nhiên, luật sư Thiệp nhấn mạnh, để thu hồi đất sau giải tỏa, quan trọng nhất là phải tìm được sự đồng thuận từ người dân, bởi đây là nơi người dân ở lâu đời và gắn với những yếu tố khó giải thích như đất cha ông để lại.

Khi người dân đồng thuận thì tất yếu dẫn đến tiến độ thực hiện dự án nhanh hơn, không gây lãng phí tài sản xã hội và đáp ứng được nguyên tắc công bằng”, Luật sư Thiệp nhấn mạnh.

Mới đây, Sở GTVT TP Hà Nội có báo cáo trình UBND TP Hà Nội xem xét 11 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có dự án Vành đai 2 đoạn từ Ngã Tư Sở - Cầu Giấy, bao gồm cả mở rộng đường Láng hiện tại.

Theo đó, ý tưởng ban đầu là dự án sẽ cải tạo, mở rộng tuyến đường Vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn từ Ngã Tư Sở - Cầu Giấy, dự kiến có tổng vốn đầu tư trên 21.000 tỷ đồng (đoạn dưới thấp hơn 17.241 tỷ đồng; đoạn trên cao gần 3.900 tỷ đồng).

Khi cải tạo xong, đường Láng sẽ rộng 53,5m, vận tốc thiết kế 80km/h và là trục chính đô thị.

Theo tính toán, với 17.241 tỷ đồng để mở rộng 3,8 km đường Láng thì mỗi km đường ngốn khoảng 4.540 tỷ đồng và mỗi mét đường có giá gần 4,54 tỷ đồng. Đoạn đường này được nhiều người gọi là “đường đắt nhất hành tinh” ở Hà Nội.

PHẠM DUY

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/mo-rong-duong-lang-cach-nao-cham-dut-bong-thanh-mat-pho-nha-nuoc-thu-duoc-tien-ar871101.html