Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

Trong khi làn sóng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đang gia tăng trong thời gian gần đây và có xu hướng ngày càng tăng lên thì việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc chính là yếu tố quan trọng để mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.

Hiện dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang được chỉnh lý, tiếp thu và hoàn chỉnh. Luật này được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, và dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ 7 tới. Khi mà các giải pháp để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần đang được cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra quan tâm, đưa ra 2 phương án song vẫn chưa ngã ngũ về phương án nào thì vấn đề mở rộng đối tượng tham gia BHXH đang được nghiên cứu, thiết kế các điều, khoản để làm sao có thể mở rộng được đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Bà Ma Thị Thúy - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cho rằng, về BHXH bắt buộc tại khoản 6 Điều 3 của dự thảo Luật có quy định: “Việc tham gia BHXH bắt buộc đối với các đối tượng khác thu nhập ổn định, thường xuyên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng thời kỳ”.

Theo bà Thúy, nếu quy định do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định là không phù hợp. Vì đây là thẩm quyền quản lý nhà nước của Chính phủ. “Trên thực tế tôi thấy các đối tượng có thu nhập ổn định ở ngoài xã hội ví dụ như các nhóm lao động công nghệ như tài xế xe công nghệ, shipper; hoặc các đối tượng bán hàng online. Các đối tượng này rất đông, phải vài trăm nghìn lao động trẻ và đa số công việc này tương đối ổn định. Thu nhập thậm chí còn cao hơn cả nhóm lao động phổ thông làm việc trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay Chính phủ vẫn chưa có giải pháp kịp thời để đưa đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc” - bà Thúy nói và đề nghị quy định ngay trong dự thảo Luật. Theo đó cần ghi rõ là giao cho Chính phủ có lộ trình cụ thể, năm 2026 áp dụng BHXH bắt buộc đối với một số nhóm lao động công nghệ như grab, shipper.

Đề xuất trên của bà Thúy cũng nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu. Bà Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM cũng đề xuất đưa đối tượng tài xế xe công nghệ vào nhóm bổ sung tham gia BHXH bắt buộc bởi nền kinh tế việc làm tự do đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

Bà Thúy đưa ra phân tích rằng, tài xế xe công nghệ, và giao hàng công nghệ shipper là lực lượng lao động không ngừng tăng nhanh về số lượng. Tài xế xe công nghệ có thỏa thuận làm việc cho doanh nghiệp vận tải xe công nghệ, có trả lương. Cho nên đề nghị Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, xem xét bổ sung vào nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc để có giải pháp đảm bảo an sinh xã hội cho họ.

Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế) cho rằng, nếu là nghề nghiệp ổn định thì phải tham gia BHXH bắt buộc. Còn không phải là nghề ổn định thì không nhất thiết phải tham gia BHXH bắt buộc mà có thể tham gia BHXH tự nguyện, tùy thuộc vào điều kiện sống và thu nhập của mỗi người lao động. Bà Sửu phân tích: Việc đóng BHXH dù là bắt buộc hay tự nguyện thì đều có lợi cho người lao động. Vì về lâu dài chính người lao động là người hưởng, mà muốn hưởng thì phải đóng BHXH, đóng thế nào thì hưởng như thế. Tài xế xe công nghệ hay shipper thì nên xem xét xác định tiêu chí, nếu xem là nghề ổn định thì phải tham gia BHXH bắt buộc như những nghề ổn định khác.

Bên cạnh đó, theo bà Sửu, tài xế xe công nghệ hay shipper có độ mở khá lớn, nhiều lao động đang làm việc trong lĩnh vực trên. Trong vấn đề an sinh xã hội có câu chuyện của BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Trong xu thế mới chúng ta sống bằng công nghệ, bằng chuyển đổi số, công dân số, kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số, chính quyền số, và thế giới số. Do đó những nghề như tài xế xe công nghệ hay shipper cần tham gia BHXH trong bối cảnh mỗi quốc gia đang tăng tốc trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tiến bộ xã hội thì sẽ ổn định quốc gia, dân tộc.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mo-rong-doi-tuong-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi-bat-buoc-10278002.html