MỞ RỘNG DIỆN BAO PHỦ BẢO HIỂM XÃ HỘI, GIỮ CHÂN NGƯỜI LAO ĐỘNG, ĐẶC BIỆT LÀ LAO ĐỘNG NỮ

Đưa ra một số giải pháp chính sách để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực lao động, việc làm, các đại biểu Quốc hội và chuyên gia đề nghị cần mở rộng diện bao phủ BHXH, giữ chân người lao động, đặc biệt là lao động nữ.

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm đã chỉ ra một số nguyên nhân chính tác động đến việc hưởng chế độ hưu trí BHXH từ góc độ bình đẳng giới.

Thứ nhất, định kiến giới làm tăng thêm trách nhiệm của phụ nữ đối với công việc gia đình, tạo ra rào cản đối với lao động nữ trong việc tích lũy đủ điều kiện về thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí. Phụ nữ trung bình dành số giờ gấp đôi nam giới để làm việc nhà. Trong số những người tham gia làm việc nhà, phụ nữ dành trung bình 20,2 giờ một tuần, trong khi đó nam giới dành 10,7 giờ. Việc thực hiện các trách nhiệm gia đình của phụ nữ đã hạn chế cơ hội tiếp cận thị trường lao động cũng như cơ hội học tập và đào tạo của phụ nữ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội

Kết quả phỏng vấn lao động nữ thanh niên, trung niên đã từng tham gia BHXH bắt buộc dù nhiều hay ít năm, làm việc trong các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau ở 2 tỉnh Bắc Giang và Bình Dương đều cho rằng quá trình làm việc có hưởng lương của lao động nữ thường không liên tục, bị gián đoạn bởi lý do như lấy chồng và sinh con, chăm sóc con ốm đau hoặc khi còn nhỏ (Hội LHPN Việt Nam, 2020).

Vì vậy, lao động nữ thường có thời gian đóng BHXH ngắn hơn nam giới. Bên cạnh đó, thời gian tối thiểu đóng BHXH để được hưởng lương hưu của lao động nữ bằng với lao động nam, trong khi độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ thấp hơn nam giới cũng ảnh hưởng đến việc tích lũy thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến điều kiện người lao động được hưởng lương hưu và mức lương hưu được hưởng.

Thứ hai, điều kiện về thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí là một trong những trở ngại cho việc thu hút người lao động tham gia BHXH. Theo quy định của Luật BHXH hiện hành, để được hưởng lương hưu, người lao động cần đáp ứng được đồng thời hai điều kiện là có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định về lộ trình tính tuổi nghỉ hưu tại Bộ luật Lao động. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ. Để tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH là một thách thức lớn đối với người lao động nói chung, phụ nữ nói riêng, đặc biệt khi họ phải đối mặt và giải quyết những khó khăn, nhu cầu cấp bách của gia đình và con cái. Đây cũng được cho là một lý do mà người lao động rút BHXH một lần thay vì tiếp tục tham gia BHXH để được hưởng lương hưu.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH cần được thực hiện thường xuyên hơn nữa

Thứ ba, BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn để thu hút người lao động khu vực phi chính thức tham gia. Chính sách đóng BHXH tự nguyện hiện nay đã mở ra cơ hội cho mọi đối tượng kể cả lao động tự do, lao động nông nghiệp được tham gia vào hệ thống BHXH... Hiện nay, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015.

Thứ tư, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH chưa được thường xuyên, chưa đáp ứng các nhu cầu của từng nhóm đối tượng. Thực tế cho thấy một bộ phận lao động ở khu vực nông thôn, lao động tự do dường như có rất ít thông tin cụ thể, thậm chí là không hề biết về BHXH tự nguyện, không biết đóng ở đâu, đóng bao nhiêu, thời gian đóng và quan trọng là họ được hưởng như thế nào... Một số người lao động cũng không hiểu hết ý nghĩa, tầm quan trọng của BHXH. Mặt khác, đối với cơ quan BHXH, việc tư vấn cho những lao động nữ đến rút BHXH tuy đã có nhưng chưa được thực hiện một cách thấu đáo, chưa tìm hiểu rõ hoàn cảnh của lao động nữ đến làm thủ tục rút BHXH để từ đó có các tư vấn cụ thể, kịp thời.

Cũng quan tâm về vấn đề này, ThS. Đàm Thị Vân Thoa, Ban Chính sách - Luật pháp, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chỉ rõ, Nghị quyết 28-NQ/TW năm 2018 của BCH TW Đảng về “Cải cách chính sách BHXH” với mục tiêu tổng quát “Đe BHXH thực sự là một trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng bao phủ BHXH, hướng tới BHXH toàn dân” và Chương trình hành động của Chính phủ đã ra mục tiêu đến năm 2030 là “Phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng xã hội trong độ tuổi tham gia BHXH; có khoảng 60% số người trong độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội”, do đó, trong thời gian tới một số giải pháp cần tập trung thực hiện, đó là:

Một là, nhóm giải pháp về chính sách, pháp luật nhằm mở rộng diện bao phủ BHXH, giữ chân người lao động, đặc biệt là lao động nữ trong hệ thống BHXH, góp phần đảm bảo an sinh xã hội khi người lao động hết tuổi lao động, bao gồm: Nghiên cứu giảm thời gian đóng BHXH làm căn cứ để hưởng lương hưu theo Nghị quyết số 28-NQ/TW (Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, 2018). Theo đó, thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí rút ngắn, không phải là 20 năm mà nên giảm xuống còn 10 hoặc 15 năm với mức hưởng lương hưu thấp hơn, nhưng vẫn được đảm bảo một khoản thu nhập mà người lao động được hưởng khi về già. Với việc rút ngắn điều kiện về thời gian được hưởng chế độ hưu trí có thể sẽ khiến người lao động yên tâm ở lại hệ thống hơn là hưởng BHXH một lần. Tuy nhiên, cần có sự tính toán kỹ về mức hưởng hưu trí tối thiểu để đảm bảo an toàn thu nhập cho người cao tuổi.

Nghiên cứu để ghi nhận một khoảng thời gian chăm sóc con được tính là thời gian tham gia BHXH của người lao động. Việc thiết kế chính sách này phải cụ thể theo đối tượng, hoàn cảnh và phù hợp với đặc thù về giới trong việc chăm sóc con nhỏ. Hiện nay, pháp luật cũng đã quy định chế độ thai sản, chế độ ốm đau khi phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau của người lao động (kể cả lao động nam và lao động nữ) trong BHXH bắt buộc.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngoài việc nghỉ thai sản và nghỉ chăm sóc khi con ốm thì người lao động, mà thông thường là lao động nữ hay phải nghỉ việc để chăm con nhỏ, đặc biệt là đối với các gia đình không có ông bà hỗ trợ chăm con hoặc không có nơi gửi trẻ nhỏ phù hợp. Do đó, quy định khoảng thời gian chăm sóc con là thời gian tham gia BHXH của người lao động sẽ tạo điều kiện cho người lao động đáp ứng điều kiện về thời gian tham gia BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, mặt khác sẽ gián tiếp thu hút lực lượng lao động tham gia BHXH với các quyền lợi khá toàn diện.

Cần đánh giá hiệu quả các chính sách hỗ trợ của nhà nước cho các đối tượng tham gia đóng BHXH tự nguyện

Cần đánh giá hiệu quả các chính sách hỗ trợ của nhà nước cho các đối tượng tham gia đóng BHXH tự nguyện, đồng thời nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ một phần kinh phí đóng BHXH tự nguyện cho nhóm lao động với các đặc thù như thu nhập thấp, bấp bênh (lao động di cư)... để họ có thể tham gia BHXH tự nguyện. Nghiên cứu mở rộng chế độ BHXH tự nguyện, xây dựng các gói BHXH theo hướng ngắn hạn, linh hoạt, hướng tới bình đẳng về quyền lợi với những người tham gia BHXH bắt buộc, ngoài 2 chế độ hưu trí và tử tuất đang thực hiện, cần tăng thêm các chế độ khác để hấp dẫn hơn nữa các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Tiếp tục có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp, lao động di cư để họ có chỗ gửi con an toàn, phù hợp về chi phí và thời gian lao động sản xuất. Chính phủ cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng các nhóm trẻ độc lập tư thục; doanh nghiệp hỗ trợ chi phí gửi con cho người lao động qua đó giúp người lao động yên tâm làm việc, không bị gián đoạn trong tham gia BHXH, bảo đảm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và an sinh xã hội.

Hai là, nhóm giải pháp về truyền thông nâng cao nhận thức xã hội về bình đẳng giới, bảo hiểm xã hội. Tập trung nguồn lực để thực hiện có hiệu quả “Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 21/11/2019 tại Quyết định số 1676/QĐ-TTg (2019). về nội dung truyền thông, cần tập trung vào tầm quan trọng của BHXH đối với cuộc sống khi hết tuổi lao động, những chính sách ưu đãi cho các đối tượng được nhà nước hỗ trợ khi tham gia BHXH tự nguyện, những quyền lợi mà người lao động được hưởng, nhất là những quyền lợi khi người lao động hết tuổi lao động và hưởng lương hưu (ví dụ có bảo hiểm y tế).

Bên cạnh đó, tập trung nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ trong kinh tế, lao động, việc làm. cần ưu tiên tuyên truyền về quyền lợi người lao động được hưởng, hay nói cách khác, “văn hóa hưởng” bảo hiểm xã hội cần đến trước “văn hóa đóng”. Tóm lại, nhìn ở góc độ giới, pháp luật về BHXH đã tính đến các đặc thù về giới nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới bởi chế độ hưu trí là một yếu tố đảm bảo an sinh xã hội, là nền tảng thúc đẩy bình đẳng giới và sự phát triển của đất nước.

Hồ Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=83512