Mở rộng chương trình xóa nợ cho các nước có thu nhập trung bình: Thúc đẩy phục hồi toàn cầu

Tại cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong tuần qua, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi mở rộng chương trình xóa nợ cho các nước có thu nhập trung bình. Đây là nỗ lực góp phần giảm sức ép đối với hơn một nửa số thành viên của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới và thúc đẩy đà phục hồi kinh tế toàn cầu sau đợt suy thoái chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ do 'cú sốc' từ đại dịch Covid-19.

Nhiều quốc gia có thu nhập trung bình đang chịu gánh nặng từ các khoản nợ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, hơn 62% số người nghèo trên thế giới sống ở các quốc gia có thu nhập trung bình. Đại dịch đã bộc lộ và làm trầm trọng thêm tính dễ bị tổn thương về kinh tế, xã hội và môi trường của nhiều quốc gia có thu nhập trung bình. Trong nhiều trường hợp, tác động của cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai cũng làm gia tăng các thách thức mang tính cơ cấu như sự yếu kém về năng lực chăm sóc sức khỏe, hệ thống giáo dục không toàn diện và những hạn chế trong quản lý hành chính nhà nước. Các nước này cũng có sự khác biệt lớn trong quy mô dân số, hoạt động kinh tế, địa lý và mức thu nhập bình quân đầu người dao động từ 1.000 đến 12.000 USD/năm, tức là thường cao hơn ngưỡng thu nhập bình quân đầu người để được xóa nợ.

Các nước có thu nhập trung bình chiếm hơn 100 quốc gia thành viên Liên hợp quốc và là nơi sinh sống của khoảng 70% dân số toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với việc thế giới chỉ có thể thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế toàn cầu, chống biến đổi khí hậu và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) nếu các nước thu nhập trung bình hoàn toàn tham gia vào công cuộc này. Do đó, Liên hợp quốc từ lâu đã dành sự quan tâm đặc biệt và đóng vai trò then chốt trong việc xác định các công cụ mới để hỗ trợ quá trình tăng trưởng của các quốc gia có thu nhập trung bình. Theo các chuyên gia, công cụ mới cho phép cơ cấu lại nợ và giảm nợ có ý nghĩa quan trọng giúp các nước thu nhập trung bình mở rộng không gian tài khóa, từ đó thúc đẩy đầu tư và phục hồi bền vững, linh hoạt sau khủng hoảng.

Trong bài phát biểu tại cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc về các nước có thu nhập trung bình hôm 17-6, Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Guterres cho rằng, Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) cần được gia hạn đến năm 2022 và đặc biệt cần mở rộng cho các nước có thu nhập trung bình để ứng phó với tác động kinh tế - xã hội do đại dịch Covid-19. Từ trước khi dịch bệnh bùng phát, nhiều quốc gia trong số này đã phải “vật lộn” với khối nợ tăng cao. Ngay cả khi các nước này tránh được nguy cơ vỡ nợ, họ vẫn phải đối mặt với những hạn chế lâu dài về khả năng chi tiêu của chính phủ cho các mục tiêu phát triển và khí hậu trong những năm tới. Quan chức Liên hợp quốc cũng kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế để giúp các nước có thu nhập trung bình nâng khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn và giải quyết gánh nặng nợ chồng chất.

Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, vấn đề tái cấu trúc nợ quốc tế từng được nhiều lần đề cập tại các diễn đàn đa phương, đáng chú ý là được đưa ra tại hội nghị trực tuyến nhằm bàn các kế sách về thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu diễn ra hồi tháng 3-2021 với sự tham dự của lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới và các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế. Điều này cho thấy nhận thức ngày càng tăng về tình trạng bất ổn kinh tế do đại dịch gây ra. Một phản ứng mang tính toàn cầu với cuộc khủng hoảng nợ là nỗ lực cần thiết để không quốc gia nào trên thế giới bị chệch hướng tăng trưởng và bị bỏ lại phía sau.

Minh Hiếu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/1003249/mo-rong-chuong-trinh-xoa-no-cho-cac-nuoc-co-thu-nhap-trung-binh-thuc-day-phuc-hoi-toan-cau