Mở ra một giai đoạn mới cho sự hợp tác giáo dục giữa Việt Nam- Australia

Diễn đàn Giáo dục Việt Nam-Australia là cơ hội quý để kết nối các cơ sở giáo dục, nhà đầu tư hai bên cùng thảo luận, tìm hiểu và chia sẻ cơ hội hợp tác và đầu tư, qua đó góp phần thúc đẩy, làm sâu sắc hơn nữa hợp tác giáo dục Việt Nam - Australia.

Trong chương trình thăm chính thức Australia, sáng 8/3, (giờ địa phương), tại Canberra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm Đại học Quốc gia Australia và dự Diễn đàn Giáo dục Việt Nam-Australia. Diễn đàn do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục Australia, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Australia tổ chức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn Giáo dục Việt Nam – Australia

Tham dự sự kiện có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Giáo dục Australia Anthony Chisholm, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam và hơn 30 cơ sở giáo dục đại học Auastralia và Việt Nam.

Góp phần đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa giáo dục đại học Việt Nam

Diễn đàn Hợp tác giáo dục Việt Nam - Australia nhằm tăng cường hợp tác nghiên cứu giữa các trường đại học hai nước với sự tham gia của doanh nghiệp; thu hút, thúc đẩy các trường đại học Australia thành lập phân hiệu tại Việt Nam; thúc đẩy hợp tác đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học Australia và các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Diễn đàn cũng hướng tới đẩy mạnh hợp tác chính sách, đặc biệt là chính sách thu hút thêm phân hiệu của những trường đại học hàng đầu trên thế giới đến hoạt động và cung cấp cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao ngay tại Việt Nam cho sinh viên Việt Nam và các nước trong khu vực. Qua đó, góp phần đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa giáo dục đại học Việt Nam, đa dạng chương trình đào tạo chất lượng cao, tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam du học tại chỗ, thu hút sinh viên quốc tế, hướng tới Việt Nam trở thành một trong những trung tâm giáo dục quốc tế của khu vực Đông Nam Á.

Australia là một trong những nước cấp nhiều học bổng Chính phủ cho Việt Nam với khoảng 70 học bổng/năm cho các chương trình đào tạo dài hạn (thạc sĩ, tiến sĩ) và ngắn hạn (sau tiến sĩ, phát triển chuyên môn) theo các chương trình học bổng: Australia Award Scholarship thuộc Chương trình phát triển nguồn nhân lực và Chương trình học bổng Endeavour Scholarships and Fellowships.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Giáo dục Việt Nam – Australia

Các trường đại học của Australia là địa chỉ thu hút nhiều sinh viên quốc tế, trong đó có sinh viên Việt Nam. Hiện nay, trong số hơn 400 chương trình liên kết đào tạo giữa các trường đại học Việt Nam và nước ngoài, có 37 chương trình giữa 21 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và 17 đối tác Australia.

Ở cấp Chính phủ, Việt Nam và Australia đã ký Thỏa thuận hợp tác về giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2023 (dự kiến ký văn bản mới vào tháng 3/2024); thỏa thuận bổ sung giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Australia liên quan đến Chương trình phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Australia giai đoạn 2021-2025.

Trước đó, hai bên đã hợp tác tổ chức Diễn đàn giáo dục đại học Việt Nam - Australia nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giáo dục nhân chuyến thăm cấp cao của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vào cuối năm 2022. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Diễn đàn hợp tác đầu tư trong lĩnh vực giáo dục cuối năm 2022 với sự tham gia và hỗ trợ của gần 20 trường đại học phía Australia.

Ngay trong chuyến thăm Australia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam lần này, thúc đẩy hơn nữa hợp tác giáo dục là một trong những nội dung quan trọng. Trong đó, có các hoạt đông như Thủ tướng làm việc với Hiệu trưởng Đại học RMIT, dự lễ khánh thành Viện Chính sách Việt Nam - Australia tại Đại học RMIT, tổ chức Diễn đàn hợp tác giáo dục và đào tạo Việt Nam - Australia; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam làm việc, trao đổi với những người cùng cấp nhằm chia sẻ, thống nhất các nội dung hợp tác cụ thể trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo

Ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo

Phát biểu tại diễn đàn, nhân dịp Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng chúc mừng các đại biểu nữ tham gia diễn đàn. Thủ tướng chia sẻ, ông rất thích tác phẩm “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” của tác giả người Australia Colleen McCullough - tác phẩm thể hiện khát khao đấu tranh cho tình cảm của trái tim người phụ nữ, từ đó ông ví von cũng như tình cảm, mối quan hệ Việt Nam-Australia “xuất phát từ trái tim đến trái tim thì không gì có thể ngăn cản được”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh cùng đại diện các trường đại học Việt Nam và Australia tại diễn đàn

Thủ tướng Chính phủ cho biết, sự kiện này rất có ý nghĩa khi diễn ra tại Australia, là quốc gia có nền giáo dục hiện đại và chất lượng bậc nhất ở khu vực, và tại Đại học Quốc gia Australia (ANU) - một trường đại học hàng đầu thế giới với 6 cựu sinh viên và giảng viên từng đoạt giải Nobel.

Diễn đàn cũng là cơ hội quý để kết nối các cơ sở giáo dục, nhà đầu tư hai bên cùng thảo luận, tìm hiểu và chia sẻ cơ hội hợp tác và đầu tư, qua đó góp phần thúc đẩy, làm sâu sắc hơn nữa hợp tác giáo dục Việt Nam - Australia.

Thủ tướng cho biết, tại buổi hội đàm giữa Thủ tướng Australia và Việt Nam hôm qua (7/3), hai bên đã công bố Việt Nam và Australia chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Trong đó, thống nhất khẳng định, hợp tác giáo dục Việt - Australia luôn là điểm sáng với nhiều thành tựu quan trọng, góp phần tạo dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh, các trường của Australia là một trong những lựa chọn phổ biến hàng đầu của du học sinh Việt Nam.Đến nay, gần 80 nghìn du học sinh Việt Nam đã từng học tập tại Australia. Số du học sinh đang học tập hiện tại là hơn 32 nghìn người, trong số đó chủ yếu là du học sinh theo diện tự túc kinh phí, và một phần nhỏ đi theo các chương trình học bổng. Việt Nam là nước cung cấp du học sinh nước ngoài lớn thứ 6 của Australia.

Nhiều du học sinh từng học tập tại Australia đã trở về nước và rất thành công, có nhiều đóng góp tích cực cho phát triển và thúc đẩy quan hệ song phương. Một số lãnh đạo giữ vị trí cao trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay từng là du học sinh Australia.Thủ tướng cũng hoan nghênh những người ở lại cống hiến cho Australia, cống hiến cho sự phát triển hợp tác của hai nước và đóng góp về cho Việt Nam, cao hơn là cho hòa bình và phát triển của thế giới. “Dù về Việt Nam hay ở lại Australia nhưng các em luôn nhớ về nơi mình sinh ra và được đào tạo, cống hiến và đóng góp, tri ân những nơi tạo lên sự phát triển của mình đều quý giá cả”- Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, ông chia sẻ, hiện nay, Việt Nam đang thực hiện đường lối đổi mới dựa trên 3 yếu tố nền tảng: Xây dựng nền dân chủ XHCN; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong đó, mọi chính sách phải hướng đến người dân, nguyên tắc xuyên suốt là: Lấy con người làm trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển. Không hy sinh công bằng tiến bộ xã hội, không hy sinh an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

Các đại biểu tham gia diễn đàn

Khẳng định Việt Nam coi giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu và phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 đột phá chiến lược, Thủ tướng cũng cho biết giáo dục đào tạo phải luôn gắn với văn hóa. Con người muốn được đào tạo toàn diện phải có văn hóa. Phải xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất. Văn hóa phải gắn với khoa học, dân tộc, đại chúng, đó là những nguyên tắc rất cơ bản.

“Một đất nước muốn xây dựng văn hóa thì phải đầu tư cho văn hóa. Muốn đầu tư cho văn hóa thì phải đầu tư cho giáo dục. Phải phát triển con người hướng đến chân -thiện- mĩ, giáo dục đào tạo con người toàn diện theo đức - trí - thể - mĩ”- Thủ tướng nhấn mạnh

Theo đó, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đặc biệt chú trọng, ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Đây là lĩnh vực hợp tác quan trọng và còn nhiều dư địa cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới, tuy nhiên, thu hút đầu tư nước ngoài vào giáo dục đào tạo tại Việt Nam còn khiêm tốn, nhất là bậc đại học.

Về quan điểm, định hướng hợp tác trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng đề nghị hai bên cần tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn, đẩy mạnh hợp tác giáo dục đào tạo thiết thực, hiệu quả, toàn diện, để tiếp tục phát huy vai trò là một trụ cột quan trọng, tạo đột phá và góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Chính phủ Việt Nam luôn cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các cơ sở giáo dục nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài, bảo đảm “các bên cùng có lợi, cùng thắng.”

Thủ tướng đề nghị hai bên cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, với mục tiêu đề ra là tạo thuận lợi tối đa cho các cơ sở giáo dục đào tạo, nhất là các đại học uy tín tiếp tục mở rộng hợp tác, đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Hoan nghênh việc Bộ Giáo dục và Đào tạo hai nước đã thành lập Nhóm công tác chung nhằm hỗ trợ các đại học của Australia thành lập phân hiệu ở Việt Nam, Thủ tướng tin rằng Nhóm sẽ tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy hiệu quả nỗ lực tăng số lượng các trường đại học thành lập phân hiệu tại Việt Nam.

“Các cơ sở giáo dục phải thực hiện tốt phương châm: nhà trường là nền tảng, sinh viên là trung tâm, thầy cô phải là động lực,” Thủ tướng yêu cầu.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị tăng số lượng và nâng cao chất lượng các chương trình hợp tác, liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đào tạo, đại học của hai nước, trong đó chú trọng hơn đến nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ những ngành mà Việt Nam còn thiếu, phía Australia có thế mạnh như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, năng lượng xanh, sạch, công nghệ sinh học… và trình độ đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ.

Cùng với đó, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tập trung đầu tư các dự án trọng điểm, phù hợp với thế mạnh và quan tâm của Australia và nhu cầu đào tạo của Việt Nam; tăng cường trao đổi sinh viên, giảng viên và đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học của hai nước, đặc biệt là tạo điều kiện để các giáo sư sang Việt Nam hỗ trợ giảng dạy những ngành nghề mới mà Việt Nam có nhu cầu; tạo mọi điều kiện thuận lợi về chính sách visa, bảo đảm điều kiện sống, sinh hoạt, an ninh an toàn, nhất là cung cấp học bổng cho người Việt Nam sang học tập tại Australia; thúc đẩy việc học tiếng Việt tại Australia.

Thủ tướng đề nghị các cơ sở giáo dục đào tạo, các đại học của hai nước, nhất là đại diện các đại học uy tín của Australia dự diễn đàn tích cực thảo luận, tìm kiếm cơ hội hợp tác, ký kết các biên bản ghi nhớ và sớm cùng nhau triển khai thực hiện hiệu quả các dự án hợp tác, đầu tư cụ thể tại Việt Nam.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng Diễn đàn Hợp tác Giáo dục đại học Việt Nam-Australia sẽ mở ra một giai đoạn mới cho sự hợp tác giáo dục giữa hai bên tiếp tục phát triển khởi sắc, bền vững, lâu dài, tiếp tục là điểm sáng của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vừa được thiết lập giữa Việt Nam và Australia.

Tại diễn đàn, lãnh đạo các trường đại học thảo luận, trao đổi, chia sẻ và đề xuất các kiến tạo kiến thức; khả năng thích ứng; chính sách, giải pháp và định hướng phát triển giáo dục đại học.

Các đại biểu đề cập nhiều nội dung liên quan công tác quản trị, quản lý đại học, phát triển đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, các phương pháp giáo dục mới. Đặc biệt, lãnh đạo các trường đại học đề xuất các chương trình, dự án hợp tác giáo dục giữa Việt Nam-Australia.

*Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm và trao đổi với lãnh đạo, sinh viên Trường Đại học Quốc gia Australia (ANU).

Thu Hòa (từ Canberra, Australia)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/mo-ra-mot-giai-doan-moi-cho-su-hop-tac-giao-duc-giua-viet-nam-australia-i724704/