Mở lối từ lòng bao dung

Con người làm việc ở bất cứ ngành nghề nào cũng đặt đạo đức lên đầu, nhất lại là nghề giáo. Đạo đức của người thầy như một nguồn năng lượng diệu kỳ

Ảnh minh họa: ITN

Con người làm việc ở bất cứ ngành nghề nào cũng đặt đạo đức lên đầu, nhất lại là nghề giáo. Đạo đức của người thầy như một nguồn năng lượng diệu kỳ để cảm hóa, giáo dục học trò.

“…trẻ ơi ghi lòng!”

Người thầy mẫu mực, giàu lòng yêu thương, yêu nghề thể tất sẽ uốn nắn, bồi dưỡng, giáo dục học trò nên người. Người thầy xói mòn về đạo đức thì dù có giỏi chuyên môn như thế nào đi nữa cũng chẳng thể được trò kính trò yêu. Đạo đức của người thầy phải là cái gốc của giáo dục.

Từ xưa đến nay, nhân dân ta luôn luôn tôn vinh người thầy và quý trọng nghề dạy học. Không phải ai cũng có thể làm được công việc đó bởi nó yêu cầu cao không chỉ về tri thức mà còn cả đạo đức, phẩm hạnh. Thầy không chỉ dạy chữ mà còn dạy “đạo” - Đạo làm người; thông qua dạy kiến thức để giáo dục đạo đức cho con người. Và một điều nữa rất quan trọng, đạo đức của người thầy cũng là một phương diện giáo dục đạo đức, nhân cách cho học trò.

Chính vì vậy, nhà giáo được dành cho chỗ ngồi danh dự, được quý trọng hơn cả cha mẹ chỉ đứng sau nhà vua (Quân, Sư, Phụ). Sở dĩ người thầy chiếm một địa vị như vậy là vì chẳng có ai nên người mà không nhờ đến sự dạy dỗ, dìu dắt của thầy. Tục ngữ ta có câu: “Không thầy đố mày làm nên”. Ca dao cũng cùng một ý: “Muốn khôn thì phải có thầy/ Không thầy dạy dỗ, đố mày làm nên”. Người thầy quan trọng là thế nên học trò phải kính nể: “Vua, Thầy, Cha ấy ba ngôi/ Kính thờ như một, trẻ ơi ghi lòng”. Và khi thành tài rồi học trò không quên: “Mười năm rèn luyện sách đèn/ Công danh gặp bước chớ quên ơn thầy”.

Đạo của người thầy tốt đẹp hay không thể hiện ở nhiều mối quan hệ như với phụ huynh, với đồng nghiệp, với người thân nhưng rõ nhất là với học trò. Tình thầy trò sở dĩ cao đẹp vì đó là thứ tình không vụ lợi, họ đến với nhau bằng những tâm hồn trong sáng, không gợn một chút riêng tư, mỗi người cảm thấy vui khi làm vui lòng người khác. Trò đến với thầy vì lòng hiếu học, muốn tìm hiểu những tri thức mênh mông của loài người mà chỉ thầy mới có thể truyền thụ cho mình được. Thầy gần gũi trò, ngày ngày đem cái sở học của mình ra truyền lại cho đám môn sinh lĩnh hội đến đâu thì thầy vui đến đó. Năm qua tháng lại, tình thầy trò ngày càng khắng khít như keo sơn. Vẻ đẹp của tình thầy trò được toát ra từ chính đạo đức của người thầy.

Một giờ học trao đổi về vấn đề khởi nghiệp tại Trường Cao đẳng Du lịch và Thương mại Nghệ An. Ảnh: NTCC

Cách đây hơn 200 năm, ở thế kỉ XVIII, nhà giáo Võ Trường Toản, người thầy đầu tiên của đất Nam Bộ, nổi tiếng “học rộng, có tài thao lược và đức hạnh hơn người” đã nói đến trách nhiệm và vai trò của người làm nghề giáo, đó là: “Lương sư, hưng quốc”. “Lương sư” hiểu đơn giản là làm thầy phải là người vừa có nhân cách, phẩm chất đạo đức tốt lại vừa có năng lực chuyên môn. Chính những vị “Lương sư” mang đủ những phẩm chất ấy mới có thể “trồng người” và tạo ra những thế hệ “hiền tài” - mà “hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, đi lên; nguyên khí suy thì thế nước yếu, đi xuống” (Thân Nhân Trung). Họ chính là người giúp cho nền giáo dục đất nước phát triển.

Tuy nhiên, một thực tế năm vừa qua, ngành giáo dục đã xảy ra một số sự vụ đau lòng như phụ huynh hành hung giáo viên, thậm chí một tập thể học sinh tấn công giáo viên. Trên nhiều trang mạng, phụ huynh nói xấu giáo viên, học sinh cũng buông lời không tốt đối với giáo viên. Đó là những sự vụ cho thấy người giáo viên đang bị tấn công cả tinh thần lẫn thể xác. Đó là những biểu hiện về hình ảnh người thầy đã không còn được tôn kính như xưa.

Vì sao hình ảnh người thầy không còn được tôn kinh như xưa? Vì sao người thầy lại bị chính học trò của mình tấn công? Đó có lẽ là những câu hỏi chúng ta phải thẳng thắn đặt ra và đi tìm lời giải đáp. Với một người trong nghề, tôi nghĩ ngoài nguyên nhân trực tiếp đến từ phụ huynh, học sinh thì vấn đề đạo đức nhà giáo đang bị lung lay xuống cấp cũng là một nguyên nhân. Phải nhìn nhận thực tế rằng, vẫn còn những trường hợp “thầy chưa ra thầy” – thầy giáo bị chi phối bởi sức nặng, mặt trái của nền kinh tế thị trường, của công cuộc mưu sinh. Thầy cô phải bươn trải với nhiều nghề cùng một lúc dẫn đến không thể đầu tư cho chuyên môn, không còn thời gian đồng hành với mọi khó khăn của học trò. Hình như, thầy cô đang mải miết kiếm thật nhiều tiền. Hình như, thầy cô đang mải miết xây dựng hình ảnh và danh vọng, hình như thầy cô đang chịu quá nhiều áp lực từ muôn phía của cuộc sống, và thầy cô không còn nhiều thời gian để chia sẻ, dạy dỗ học trò bằng lòng yêu thương, và dạy dỗ chúng về lòng yêu thương. Hình như thầy cô chúng ta, trong những bữa cơm và trước giấc ngủ, sau mỗi sáng thức dậy đã quên chuyện trò với con về các giá trị, trong đó có giá trị của yêu thương, giá trị của tính kỉ luật và trên hết là giá trị của đạo làm người.

Thầy cô Trường THPT Nghi Lộc 2 tham gia sinh hoạt với các câu lạc bộ. Ảnh: NTCC

Nhớ sự thứ lỗi, bao dung…

Đạo đức của người thầy không chỉ thể hiện đơn thuần ở việc giáo dục qua môn học mình đảm nhận mà còn thể hiện qua việc thể hiện tình yêu thương, sự công tâm với học trò. Nghĩa là, đạo đức ấy không chỉ thể hiện qua chuyên môn giỏi mà còn ở tấm lòng, ở đạo làm thầy. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục thì nói gì đến kinh tế, văn hóa”. Người xem việc dạy học là một nghề đào luyện những thế hệ con người xây dựng xã hội. Tuy sự cống hiến của thầy giáo là rất thầm lặng nhưng nếu trở thành một người thầy giáo tốt là điều vô cùng hữu ích và rất mực vẻ vang.

Thực tế gần hai mươi năm đi dạy, tôi nhận thấy rằng, nhiều học trò nên người, sống tử tế và thành công lại không phải chỉ giản đơn đến từ những bài học được thầy cô truyền dạy từ sách giáo khoa, từ những trang giáo án mà nó còn đến từ chính tấm lòng bao dung, yêu thương của thầy cô. Những học trò sau mười năm trở lại gặp tôi, phần lớn chúng đều quên đi những tác phẩm văn thơ mà tôi từng dạy nhưng lại nhớ đến một lần tôi thứ lỗi, bao dung. Một đồng nghiệp của tôi kể, hồi còn trẻ có lần thầy vô tình đọc được những dòng chữ bất nhã của một học trò viết về thầy trước sự chứng kiến của em đó. Rồi thì, thầy không trách phạt gì cậu ấy, thầy chỉ im lặng còn em ấy thì xấu hổ. Sau nhiều ngày suy nghĩ, thầy quyết định vẫn tiếp tục cư xử bình thường với học sinh này. Thầy cố gắng hết sức mình trong thầm lặng để đánh giá công bằng, khách quan thậm chí chấm điểm cao cho những bài viết xuất sắc của em. Em ấy ngạc nhiên, khó hiểu nên đã tìm gặp riêng thầy và hỏi: “Em đã nói những điều không hay về thầy, tại sao thầy vẫn cho em điểm cao?”. Thầy trả lời rằng “Bài đáng được điểm cao thì tôi chấm điểm cao. Chất lượng bài làm của em không liên quan gì đến việc em hiểu sai và nhận xét không hay về tôi”. Và thật diệu kỳ, kể từ lần đối thoại đó, cậu học trò của thầy đã tiến bộ không ngừng. Sau khi tốt nghiệp đại học và đi làm, mỗi lần về thăm thầy, cậu đều rơm rớm nước mắt khi nhắc đến kỉ niệm ấy… Câu chuyện ấy thật để chúng ta, nhất là những thầy cô giáo suy ngẫm về việc giáo dục học trò khi chúng mắc lỗi. Chuyện nhỏ mà không nhỏ, vì không phải giáo viên nào cũng có thể vượt qua được chính mình, không để những tổn thương cá nhân làm ảnh hưởng đến tư cách làm nghề.

Có một thực tế tôi biết rõ rằng, hiện nay, phần lớn giáo viên chỉ làm trong bổn phận “dạy chữ”, còn “dạy nên người” thì họ ít quan tâm, hay nói đúng hơn, họ không dám quan tâm. Họ sợ dư luận công kích. Họ sợ mạng xã hội phán xét. Tâm lý sợ học trò phản ánh khi mình dùng biện pháp cứng rắn để giáo dục trò hư hỏng đang xảy ra phổ biến. Thành thử, giáo viên nào cũng trở nên “hiền quá mức cho phép”. Một đồng nghiệp của tôi đã chia sẻ: Từ lâu cô đã tự rèn cho mình cái tính nhẹ nhàng với cả học sinh lì lợm cá biệt nhất. Học sinh mà chửi bậy hoặc chống đối cô thì cứ giả vờ điếc. Quan điểm là không đối đầu ăn thua với học sinh. Ví dụ phạt học sinh đứng dậy, mà em đó không chịu đứng, thì thôi, bỏ qua. Các em học sinh khác vẫn thấy việc cô nhịn, và tự các em đó phân biệt ai đúng ai sai, không đối đầu để chứng tỏ uy lực người làm thầy trước học trò. Học sinh nhận xét cô hiền. Các em bảo: “kể cả khi cô nạt, bọn em cũng thấy cô nạt kiểu hiền hiền”.

Cứ thể, cái vô lối, cái sai của học trò cứ tự khắc nhân lên gấp bội. Điều đó thực sự nguy hại.

Một hành động nhỏ, một lời nói giản dị, nhưng chân thành, có thể xóa đi mọi khoảng cách và hóa giải mọi mâu thuẫn, nhất là đối với những người nhỏ tuổi hay trẻ tuổi. Đấy là giá trị của yêu thương. Ngoài ra, nếu thầy cô nào không thực sự có tình yêu nghề và nhất là tình yêu đối với những đứa trẻ mà mình đang được giao dạy dỗ, người đó nên tìm một nghề khác. Người thầy phải có tâm huyết với nghề mới có hứng thú, say mê chăm chút từng bài giảng, từng nội dung tiết giảng; mới thường xuyên tìm tòi, nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung nội dung và phương pháp giảng dạy để đem lại hiệu quả cao nhất cho người học. L.N.Tolstoy đã nói: “Để đạt được thành tích trong công tác, người thầy giáo phải có một phẩm chất - đó là tình yêu. Người thầy giáo có tình yêu trong công việc là đủ cho họ trở thành người giáo viên tốt”.

Đầu Xuân, lẽ thường, chúng ta luôn nghĩ về những điều tốt đẹp như những bông hoa đang klhoe hương sắc nhưng chúng ta cũng không nên quên nghĩ đến những điều còn chưa tốt như những con sâu đang ẩn mình trong những cánh hoa. Mùa Xuân, chúng ta cùng hi vọng về một sự chuyển biến tích cực với nền giáo dục, trong đó có sự chấn hưng về “đạo làm thầy”. Dù cuộc sống có vần xoay thế nào đi nữa, thì xã hội vẫn luôn trân trọng, đề cao địa vị nhà giáo, đồng thời cũng luôn đặt ra những yêu cầu rất cao đối với nghề dạy học, nhất là về mặt đạo đức. Bởi vậy, đạo đức của người thầy phải được chính đội ngũ thầy cô giáo xem như là kim chỉ nam của mọi hoạt động giáo dục của mình.

Nguyễn Đình Ánh (Giáo viên Trường THPT Nghi Lộc 2, Nghi Mỹ, Nghi Lộc, Nghệ An)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/mo-loi-tu-long-bao-dung-post675658.html