Mô hình phát triển cây chanh leo ở Quang Huy

Trước đây, kinh tế của người dân xã Quang Huy (Phù Yên) chủ yếu canh tác lúa ruộng 2 vụ, trồng cây trên nương và chăn nuôi, nhưng hơn một năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở bản Nà Xá đã chuyển đổi sang trồng cây chanh leo trên diện tích trồng các loại cây lâu năm kém hiệu quả, bước đầu đem lại nguồn thu nhập khá, mở ra hướng phát triển kinh tế mới.

Người dân bản Nà Xá, xã Quang Huy (Phù Yên) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây chanh leo.

Người dân bản Nà Xá, xã Quang Huy (Phù Yên) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây chanh leo.

Đến bản Nà Xá mùa này, khi vườn chanh leo của các gia đình đang độ ra hoa, hầu như nhà nào cũng tập trung bón phân, làm cỏ cho cây. Trò chuyện với anh Đinh Văn Thiết, người đầu tiên đưa cây chanh leo về trồng tại bản, anh cho chúng tôi hay: Thấy ở Mường Do người dân trồng loại cây này đem lại hiệu quả kinh tế cao, tôi liền đến tận nơi học hỏi kinh nghiệm, về bản vận động 6 hộ khác chung vốn, góp sức trồng 600 gốc chanh leo trên 7.000m2 đất. Ban đầu, cũng chưa có kết quả ngay đâu, vì ít kinh nghiệm, thời tiết lại mưa nắng thất thường, nên chanh leo nhà nào cũng bị thối cuống, khô thân, rụng hoa... Chúng tôi đã phải nhờ cậy sự hỗ trợ tích cực của cán bộ khuyến nông xã, huyện và nhân viên kỹ thuật Công ty Nafood Tây Bắc mới vượt qua được. Đến nay, chanh leo đã thu hoạch được 2 lứa, sản lượng 8 tấn quả, bán được 125 triệu đồng. Cũng diện tích này, trước đây trồng cây keo chỉ thu trên 9 triệu đồng thôi. Chúng tôi dự tính từ giờ đến đầu năm sau thu hoạch 3-4 lứa nữa, mỗi lứa chừng 4-5 tấn quả. Thấy mô hình đem lại hiệu quả, nhiều bà con trong bản, trong xã đã đến học hỏi kinh nghiệm để mở rộng sản xuất.

Tham quan vườn chanh leo của các hộ gia đình, chúng tôi thấy hầu hết được thiết kế trồng khá khoa học. Giàn được dựng chắc chắn, nhằm hạn chế đổ khi chanh leo sai quả và lúc mưa to gió lớn; bà con không làm rào tạm mà xây dựng tường bao quanh vườn và làm cổng để chống gia súc phá hoại. Để giảm công lao động, các hộ lắp đặt hệ thống tưới phun mưa trên giàn và tưới nhỏ giọt dưới gốc cây... tổng vốn đầu tư cả vườn gần 200 triệu đồng. Để chanh leo phát triển tốt, hằng ngày, các hộ gia đình phân công nhau thường xuyên thăm vườn, kịp thời phát hiện và phòng trừ sâu bệnh hại; tập trung nhân lực vào mùa thu hoạch và cắt tỉa lá...

Đưa cho chúng tôi xem những quả chanh leo mới hái, ông Đinh Công Vinh, một trong những thành viên tham gia mô hình chanh leo ở bản, nói: Chanh leo hợp đất đai, khí hậu ở đây, lại được chăm sóc tốt nên quả to, vỏ màu đỏ thẫm, có mùi thơm đậm đà và ngọt hơn các vùng khác. Năng suất cao, mẫu mã đẹp, chất lượng đảm bảo nên được khách hàng ưa chuộng. Các hộ gia đình cũng đã mang sản phẩm chanh leo tham gia các hội chợ thương mại nông sản tổ chức trên địa bàn huyện, Mộc Châu và tỉnh. Vào vụ thu hoạch, do chưa ký hợp đồng với Công ty Nafood Tây Bắc nên các hộ gia đình bán trực tiếp cho thương lái, giá có cao hơn nhưng theo tôi như thế không ổn định.

Là loại cây dễ trồng, cho thu hoạch nhiều lứa trong năm, không tốn quá nhiều công chăm sóc, lại thu hồi vốn nhanh... cây chanh leo đã và đang mang lại hy vọng cho người dân bản Nà Xá tăng nguồn thu nhập, cải thiện đời sống.

Huyền Trăng (CTV)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/mo-hinh-phat-trien-cay-chanh-leo-o-quang-huy-24793