Mô hình Israel là phương án 'thay thế NATO' cho Ukraine?

Mỹ cung cấp cho Kiev một bảo đảm an ninh theo 'mô hình Israel' về hợp tác quân sự, có thể thay thế tư cách thành viên NATO cho Ukraine.

Mô hình bảo đảm an ninh cho Israel

Theo tờ báo Mỹ The New York Times dẫn lời trợ lý Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết, chính quyền Washington đang xem xét cung cấp cho Kiev một bảo đảm an ninh theo “mô hình Israel” về hợp tác quân sự mà không cần quốc gia láng giềng của Nga phải ngay lập tức gia nhập NATO hoặc thậm chí là không cần phải gia nhập khối liên minh quân sự này.

Còn tờ Wall Street Journal (WSJ) cũng cho biết, khi Ukraine bước vào giai đoạn then chốt trong cuộc xung đột với Nga, các nhà lãnh đạo Mỹ và NATO đang thống nhất với nhau về một tầm nhìn củng cố hệ thống phòng thủ của Ukraine và tìm cách đảm bảo tương lai có chủ quyền của nước này.

Đó là mô hình an ninh mà các nhà lãnh đạo phương Tây, bao gồm cả Tổng thống Joe Biden đánh giá là tương tự như những gì Israel hiện có và các điều khoản của thỏa thuận quốc phòng với Ukraine vẫn đảm bảo linh hoạt, chứ không hoàn toàn rập khuôn theo mô hình Israel.

Theo đó, Washington muốn cung cấp cho Kiev một mô hình hợp tác an ninh như đối với đồng minh thân thiết ở Trung Đông là Tel Avip, bao gồm “các cam kết dài hạn trong 10 năm về lĩnh vực an ninh” và sau đó sẽ tiếp tục được gia hạn hoặc đàm phán lại tùy theo tình hình.

Điều này cũng tương tự như sự hỗ trợ của Mỹ cho Israel hiện được hoạch định trong các thỏa thuận có thời hạn 10 năm và trong thỏa thuận gần đây nhất, Washington cam kết cung cấp 38 tỷ USD viện trợ quân sự từ năm 2019 đến 2028.

Được biết, hồi tháng 4 vừa qua, Israel và Mỹ đã ký Thỏa thuận Triển khai Cung cấp An ninh (Security of Supply Arrangement - SOSA) nhằm bảo đảm cả hai nước đều có quyền ưu tiên đặc biệt mua sắm thiết bị an ninh khẩn cấp trong tình huống có chiến tranh.

Thỏa thuận là một phần trong cơ chế Ðối thoại an ninh mở rộng song phương, giúp Israel tiếp tục duy trì ưu thế quân sự vượt trội so với các đối thủ tại khu vực, không chỉ trước “đối thủ truyền kiếp” là Iran, mà còn đối với cả những đồng minh Ả rập của Mỹ trong khu vực là Saudi Arabia hay UAE.

Israel không phải là thành viên của NATO và do đó, Mỹ không chịu bất kỳ ràng buộc nào về việc phải hỗ trợ an ninh cho nước này. Nhưng trong thực tế, Israel đã nhận được cái ô bảo đảm an ninh của Mỹ trong vài chục năm qua.

Trong nửa thế kỷ qua, Israel đã có mối quan hệ đặc biệt với Mỹ với tư cách là đối tác tin cậy nhất của Washington ở Trung Đông, cũng là nước nhận viện trợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ kể từ Thế chiến II.

Bảo đảm an ninh Ukraine theo mô hình Israel

Khái niệm về một mô hình Israel cho Ukraine lần đầu tiên được soạn thảo vào tháng 9/2022. Tác giả là ông Andriy Yermak, một trợ lý hàng đầu của Tổng thống Ukraine và cựu Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen, cùng với trợ lý của ông là Fabrice Pothier, cũng là cựu Giám đốc chính sách của NATO.

Theo những quan chức này, chính quyền Kiev cần những đảm bảo an ninh chắc chắn và lâu dài, hoặc chí ít cũng phải được duy trì cho đến khi Ukraine được kết nạp vào khối NATO.

Trong thỏa thuận này, Mỹ sẽ đóng vai trò là người bảo đảm chính cho các thỏa thuận an ninh với sự tham gia của các thành viên NATO ở châu Âu. Tuy nhiên, nhiều khả năng là các nghĩa vụ mà Mỹ cam kết đối với Ukraine sẽ ít hơn và mang tính chất ngắn hạn hơn so với Israel.

Theo mô hình này, Nhà Trắng sẽ chấp thuận cho Lầu Năm Góc ưu tiên chuyển giao những vũ khí quan trọng và công nghệ tiên tiến cho chính quyền Kiev nhằm đảm bảo cho quân đội nước này có thể đối phó được với sức mạnh quân sự khổng lồ của Nga và đồng minh Belarus.

Trước đó, cựu Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho biết, vào tháng 3 năm 2022, sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, ông Zelensky dường như đã đồng ý với “mô hình Israel” cho đất nước mình, trong đó có việc từ chối gia nhập NATO.

Theo chính trị gia người Israel, Kiev đã được đề nghị như sau: Không tham gia bất cứ khối quân sự nào và không có bất kỳ sự đảm bảo nào từ bên thứ ba, được giúp để xây dựng một đội quân hùng mạnh và chỉ dựa vào lực lượng của chính mình để phòng thủ.

Tờ báo Mỹ lưu ý rằng, lựa chọn này không phải là phương án yêu thích của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, vì ông này cho rằng, chỉ tư cách thành viên chính thức trong NATO mới có thể đảm bảo an ninh đất nước mình.

Nhưng nếu cuộc phản công mà chính quyền Kiev đang tiến hành ở miền Đông và miền nam Ukraine thất bại, thì chắc chắn là ông Zelensky sẽ buộc phải chấp thuận phương án này.

Vấn đề quan trọng là điều này cũng phù hợp với hoàn cảnh của Ukraine hiện nay, khi Kiev không thể gia nhập NATO trong tương lai gần, trong khi khối này cũng không thể khoanh tay đứng nhìn Ukraine bị đánh bại dưới tay Nga, nhưng cũng không muốn bị lôi kéo vào một cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Moscow.

Tờ báo Mỹ tiết lộ rằng, thỏa thuận này có thể được gọi là “Hiệp ước An ninh Kiev” và dự kiến sẽ được ký kết sau khi các nhà lãnh đạo NATO thống nhất được các điều khoản của nó tại hội nghị thượng đỉnh khối này được tổ chức ở Vilnius - Litva, vào ngày 11-12/7 năm nay.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, thỏa thuận này sẽ khó đạt được thành công giống như ở Israel, bởi khác với quốc gia Trung Đông, Ukraine có nền kinh tế kém phát triển, trình độ khoa học công nghệ thấp hơn nhiều, khả năng quân sự cũng yếu kém hơn so với Israel; hơn nữa, điều kiện địa-chính trị của hai khu vực cũng khác xa nhau.

Điều này chúng ta sẽ xem xét kỹ trong bài viết sau.

Nguyễn Ngọc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/mo-hinh-israel-la-phuong-an-thay-the-nato-cho-ukraine-post643457.html