Mô hình hay góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục tại Hà Nam

Để góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số ngành giáo dục, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) đã đi đầu trong triển khai thực hiện mô hình 'Hệ thống quản lý trường học; xác thực thông tin giáo viên và học sinh' tới 100% các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn huyện.

Quản lý toàn diện nhà trường trên môi trường số

Huyện Thanh Liêm (Hà Nam) hiện có 51 trường học, với gần 27 ngàn học sinh ở cả 3 cấp: mầm non, tiểu học và trung học cơ sở (THCS). Với mục tiêu xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý trường học, xác thực thông tin học sinh, giáo viên trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục và các ngành liên quan nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và chuyển đổi số ngành giáo dục, nâng cao chất lượng công tác quản lý học sinh, phục vụ và bảo vệ quyền lợi của học sinh và giáo viên.

Phát huy vai trò Cơ quan thường trực Tổ công tác Đề án 06/Chính phủ huyện Thanh Liêm, thời gian qua, Công an huyện Thanh Liêm đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành và đơn vị chức năng tham mưu Huyện ủy, UBND huyện, Tổ công tác Đề án 06 huyện Thanh Liêm chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06, trong đó có triển khai ứng dụng mô hình “Hệ thống quản lý trường học; xác thực thông tin giáo viên và học sinh” tại tất cả các trường trên địa bàn toàn huyện.

Đại diện lãnh đạo trường THCS Thanh Thủy trao đổi về những tiện ích của mô hình quản lý trường học từ triển khai Đề án 06.

Ghi nhận thực tế tại Trường THCS Thanh Hương (huyện Thanh Liêm), qua thực tiễn triển khai mô hình, Ban lãnh đạo nhà trường và toàn thể giáo viên, học sinh đều phấn khởi và có chung đánh giá rất tích cực về tính năng, tác dụng, sự hiện đại và những tiện ích thiết thực của mô hình. Ông Lương Văn Luật, Hiệu trưởng trường THCS Thanh Hương cho biết, bên cạnh triển khai mô hình, hiện nay nhà trường còn lắp đặt thử nghiệm hệ thống Camera AI tự động điểm danh học sinh, kiểm soát và quản lý an ninh ra, vào trường.

Hệ thống đảm bảo đáp ứng tốt công tác nghiệp vụ quản lý như: tra cứu, cập nhật bổ sung thông tin học sinh, giáo viên nhanh chóng trên nền tảng trực tuyến; đồng thời, cũng rất hữu ích đối với công tác quản lý học tập, học sinh được tiếp cận công nghệ số và được cung cấp những trải nghiệm học tập tốt hơn. Đặc biệt, từ mô hình này, nhà trường đã xây dựng một Dự án tham dự Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Hà Nam năm 2023-2024 với đề tài “Phát triển văn hóa đọc cho học sinh trường tiểu học và THCS gắn với chuyển đổi số” đoạt giải Nhất cấp tỉnh và được lựa chọn tham dự cuộc thi cấp quốc gia.

Còn tại trường THCS Thanh Thủy (huyện Thanh Liêm), việc triển khai thực hiện mô hình cũng nhận được sự đánh giá hài lòng của nhà trường qua việc thu thập, quản lý dữ liệu về trường học, lớp học, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên, nhân viên, người học, chương trình giáo dục, cơ sở vật chất trường học và các dữ liệu liên quan nguồn thu, chi. Đặc biệt, nhà trường đã thực hiện thu, nộp học phí và các khoản thu qua tài khoản, không dùng tiền mặt; yêu cầu giáo viên tích cực sử dụng các phần mềm trên môi trường số... góp phần nâng cao chất lượng quản lý và giáo dục.

Quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi số ngành giáo dục

Mô hình “Hệ thống quản lý trường học, xác thực thông tin giáo viên và học sinh” là một trong những mô hình triển khai Đề án 06 của Chính phủ của tỉnh Hà Nam. Mô hình được triển khai với mục tiêu hướng tới xây dựng một môi trường kỹ thuật số an toàn, bảo mật thông tin liên quan đến việc học tập, giảng dạy và quản lý học sinh.

Với thao tác đơn giản, giáo viên nhà trường chỉ cần đăng nhập ứng dụng quản lý trường học bằng tài khoản VNeID (SSO) kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ứng dụng này có các tính năng như: thu thập, quản lý dữ liệu về trường học, lớp học, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên, nhân viên, người học, chương trình giáo dục, cơ sở vật chất trường học và các dữ liệu liên quan khác như quản lý nguồn thu, kết nối hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt... của nhà trường. Giải pháp của mô hình này nhằm thay thế việc ghi chép hồ sơ, sổ, sách, chương trình học một cách thủ công trước đây.

Tất cả các dữ liệu về trường học, lớp học, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên, nhân viên, người học, chương trình giáo dục, cơ sở vật chất và các dữ liệu liên quan khác của nhà trường được cập nhật trên hệ thống phần mềm, giúp nhà trường quản lý khoa học, đồng thời thuận tiện cho việc khai thác thông tin; học sinh cũng được tiếp cận công nghệ số và được cung cấp những trải nghiệm học tập tốt hơn. Việc triển khai mô hình là một bước đột phá mới trong chuyển đổi số ngành giáo dục, đảm bảo “tiện lợi, an toàn, bảo mật”, giúp các nhà trường, cơ sở giáo dục thuận tiện trong việc thu thập, quản lý dữ liệu về trường học, lớp học... trên môi trường điện tử; bên cạnh đó giúp giảm áp lực trong công tác quản lý hồ sơ, sổ, sách, chương trình học tập của nhà trường, đồng thời tiết kiệm thời gian, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý và giảng dạy.

Bà Trần Thị Phương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Liêm cho biết, quá trình triển khai, ngành giáo dục huyện Thanh Liêm xác định đây là nhiệm vụ quan trọng và là nhiệm vụ chính trị chung, do vậy Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Liêm đã tổ chức họp ban lãnh đạo các trường trong toàn huyện để tập trung tuyên truyền về tính năng, lợi ích của mô hình đến tất cả các cơ sở giáo dục cũng như phụ huynh, học sinh. Để mô hình đạt hiệu quả, các trường đã khẩn trương trang bị đầy đủ máy tính, máy in phục vụ hoạt động chỉ đạo, quản lý, điều hành; đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng như: kết nối mạng internet, phát wife, có phòng họp và thiết bị họp trực tuyến; thiết bị trình chiếu phục vụ công tác giảng dạy, học tập.

Với những giá trị, tiện ích mô hình mang lại, đến nay tất cả 51/51 trường học trên địa bàn huyện Thanh Liêm đã đồng bộ triển khai mô hình “Hệ thống quản lý trường học; xác thực thông tin giáo viên và học sinh”. Sau 5 tháng triển khai thực hiện mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, được nhiều trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện đánh giá cao, giúp nâng cao chất lượng quản lý, giáo dục, cung cấp những trải nghiệm học tập tốt hơn, từ đó góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh Hà Nam.

P. Tâm - L. Phượng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-duc/mo-hinh-hay-gop-phan-day-manh-chuyen-doi-so-trong-giao-duc-tai-ha-nam-i726345/