Mô hình bệnh viện chị - em: Đưa bệnh viện hạng II lên hạng I trong 1 năm

Sở Y tế Hà Nội đang rất quyết tâm thực hiện mô hình bệnh viện chị - em, trong đó BVĐK Xanh Pôn là bệnh viện hạng I, giúp đỡ, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho BVĐK Ba Vì và TTYT huyện Ba Vì.

Huyện Ba Vì là huyện xa nhất của Hà Nội, có 267.300 dân, bao gồm 3 dân tộc Kinh, Mường, Dao. Từ trung tâm huyện Ba Vì về đến Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Xanh Pôn (trung tâm TP), 60 km.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, TS Trần Thị Nhị Hà luôn trăn trở với y tế vùng xa nhất của Hà Nội. Tuy đã được đầu tư nhiều mặt về cơ sở vật chất, trang thiết bị nhưng người dân Ba Vì, "vẫn phải ra tỉnh khác để điều trị"!

Từ thực tế đó, lãnh đạo ngành y tế Hà Nội trăn trở tìm phương thức "vực dậy" y tế huyện Ba Vì, bao gồm cả bệnh viện và TTYT huyện.

Đại diện BVĐK Xanh Pôn giới thiệu về hệ thống hỗ trợ khám bệnh từ xa của mô hình bệnh viện chị - em.

Kế thừa kinh nghiệm thực hiện Đề án 1816, Đề án Bệnh viện vệ tinh, Đề án Khám chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế, Sở Y tế giao trách nhiệm và nhiệm vụ cho BVĐK Xanh Pôn thí điểm triển khai mô hình bệnh viện chị - em giữa BVĐK Xanh Pôn với BVĐK Ba Vì và TTYT huyện.

Theo lãnh đạo BVĐK Xanh Pôn, mục tiêu của mô hình này: Nâng cao năng lực quản lý, chất lượng chuyên môn toàn BVĐK Ba Vì, phấn đấu thành BV hạng I vào cuối năm 2024.

Đối với TTYT Ba Vì, hỗ trợ toàn diện các hoạt động của TTYT. Nâng cao năng lực quản lý bệnh không lây nhiễm, cấp cứu và xét nghiệm.

Tuy mới bắt tay vào triển khai được hơn 2 tháng, đánh giá ban đầu cho thấy y tế Hà Nội đã chọn hướng đi đúng.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội TS Trần Thị Nhị Hà, cho biết, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện tốt Đề án 1816 của Bộ Y tế về Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

"Chúng tôi đã nghiên cứu, sáng tạo mô hình "Bệnh viện Chị - Em" giữa BVĐK Xanh Pôn, BVĐK huyện Ba Vì, TTYT huyện Ba Vì với mục tiêu BVĐK Xanh Pôn hỗ trợ toàn diện, trách nhiệm, hiệu quả, bền vững để nâng cao năng lực cho hệ thống y tế cơ sở.

Với mô hình này, điều vô cùng quan trọng, không thể thiếu quyết định sự thành công và tính bền vững của mô hình đó là cần ứng dụng tối đa CNTT giữa các cơ sở: như khám bệnh từ xa, hội chẩn từ xa, đào tạo từ xa, đi buồng ảo, chuyển tuyến điện tử", TS Hà quả quyết.

Thông qua ứng dụng CNTT, BVĐK Xanh Pôn có thể hỗ trợ chuyên môn toàn diện, hàng ngày cùng lúc cho nhiều đơn vị y tế tuyến xã.

Phương pháp đào tạo đa dạng, hiệu quả, phù hợp thực tiễn, tổ chức nhiều hình thức và thời gian đào tạo linh hoạt, phù hợp, quản lý khoa học và toàn diện toàn bộ quy trình đào tạo.

Với sự hỗ trợ của BVĐK Xanh Pôn, TTYT huyện Ba Vì đã tổ chức ngày hội y tế cơ sở, phòng chống bệnh không lây nhiễm - Đái tháo đường, tăng huyết áp.

Qua thí điểm thời gian ngắn, đã thu được những kết quả rất đáng ghi nhận, cụ thể đó là tại BVĐK huyện Ba Vì đã triển khai quy trình khám bệnh 1 chiều không giữ thẻ BHYT, khai trương Đơn nguyên Cấp cứu và Đơn nguyên Sơ sinh, chuyển giao kỹ thuật tiêu sợi huyết và đã cấp cứu thành công 1 ca nhồi máu não giờ thứ 2,5, v.v…

TTYT Ba Vì đã xây dựng được mô hình quản lý sức khỏe thực sự hiệu quả cho người dân ngay tại cộng đồng.

Giám đốc BVĐK huyện Ba Vì Phạm Bá Hiền cho biết, mỗi ngày BV đang thực hiện khám cho khoảng 1.400 lượt bệnh nhân, điều trị gần 500 người bệnh nội trú.

Được sự hỗ trợ của BVĐK Xanh Pôn với mô hình "Bệnh viện chị em", BV đã đưa Đơn nguyên cấp cứu và Đơn nguyên sơ sinh vào hoạt động. Đây là một bước tiến quan trọng, làm tiền đề tiến tới thành lập khoa cấp cứu và khoa sơ sinh tại đơn vị.

Hàng ngày, bác sĩ của BVĐK Xanh Pôn sẽ thông qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa trao đổi chuyên môn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật và trực tiếp điều trị đối với những ca bệnh nặng, phức tạp.

Với TTYT Ba Vì, là đơn vị được xếp hạng III có 3 PKĐK khu vực, 31 trạm Y tế xã, thị trấn, địa bàn trải rộng, BVĐK Xanh Pôn xác định 5 mục tiêu hỗ trợ đó là nâng cao năng lực quản lý bệnh không lây nhiễm tại 3 PKĐK, củng cố năng lực cấp cứu tại Phòng khám Minh Quang, vận hành hệ thống xét nghiệm tại Phòng khám Tản Lĩnh.

Trong thời gian chưa dài, BVĐK Xanh Pôn đã đào tạo nâng cao năng lực cấp cứu ban đầu cho 8 bác sĩ, điều dưỡng của TTYT Ba Vì tại BV; nâng cao năng lực xét nghiệm, 5 kỹ thuật viên xét nghiệm được đào tạo nâng cao, BVĐK Xanh Pôn thường xuyên hội chẩn chuyên môn từ xa với bác sĩ của TTYT Ba Vì. Một bác sĩ của PKĐK Minh Quang nói: Tôi yên tâm và tự tin cấp cứu bệnh nhân khi được các BS BV Xanh Pôn hỗ trợ liên tục 24/7.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, y tế cơ sở ngày càng có vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, các chương trình mục tiêu về y tế, nhất là việc khám, chữa bệnh cho người dân sinh sống tại các khu vực điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Vì vậy, y tế Hà Nội triển khai thí điểm mô hình bệnh viện chị - em với quyết tâm cao nhất, nhằm thay đổi chất lượng khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân Ba Vì với mục tiêu người dân Ba Vì không phải sang tỉnh bạn, không phải đi xa để điều trị.

Mời các bạn theo dõi bài quan tâm về mô hình bệnh viện chị - em:

Tạ Duy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mo-hinh-benh-vien-chi-em-dua-benh-vien-hang-ii-len-hang-i-trong-1-nam-16923111916424385.htm