Mô hình Bác sĩ gia đình góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Với mục tiêu xây dựng và phát triển mô hình Bác sĩ gia đình (BSGĐ) trong hệ thống y tế tỉnh, nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và giảm quá tải tại các bệnh viện; phấn đấu đến năm 2020: 100% Trung tâm y tế huyện triển khai mô hình Phòng khám BSGĐ; 50% trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực trở lên hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình (YHGĐ); 10 Phòng khám BSGĐ tư nhân trở lên hoạt động tại thành phố/thị trấn... Hiện nay, ngành Y tế tỉnh đang triển khai có hiệu quả Đề án 'Bác sĩ gia đình và Phòng khám bác sĩ gia đình (BSGĐ và PKBSGĐ) trên địa bàn.

Người dân làm thủ tục khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Người dân làm thủ tục khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Thực hiện đề án, Sở Y tế đã phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức đào tạo giảng viên tuyến tỉnh cho 35 bác sĩ; cử 10 cán bộ tham gia học lớp giảng viên tuyến tỉnh về YHGĐ cho đối tượng dược tại trường Đại học Y Dược Thái Nguyên; phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đào tạo nguyên lý YHGĐ cho 30 cán bộ trạm y tế xã biên giới; 13 cán bộ tham gia học lớp giảng viên tuyến tỉnh về YHGĐ cho đối tượng điều dưỡng tại Trường Đại học Y Hà Nội; 18 cán bộ tham gia học lớp giảng viên tuyến tỉnh về YHGĐ cho đối tượng hộ sinh tại Trường Đại học Y Hà Nội; 7 cán bộ tham gia học lớp giảng viên tuyến tỉnh về quản lý trạm y tế xã theo nguyên lý YHGĐ tại Trường Đại Học Y tế công cộng và nhiều hoạt động tham quan, học tập khác…

Trong hoạt động khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân, đến tháng 6.2019, 11/11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã triển khai mô hình PKBSGĐ tại 33 xã; có 238 cán bộ y tế xã được tập huấn trước khi tổ chức thực hiện mô hình; tỷ lệ khám và lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân đạt 85,7%, tỷ lệ nhập số liệu lên hệ thống phần mềm đạt 44,8%. Đã có 195/195 xã, phường, thị trấn có cán bộ y tế được đào tạo quản lý bệnh tăng huyết áp; 33/33 xã thực hiện quản lý bệnh mãn tính với 7.809 bệnh nhân, trong đó tăng huyết áp 6.859, đái tháo đường 950 bệnh nhân…

Để góp phần vào thành công trong triển khai thực hiện Đề án BSGĐ và PKBSGĐ, trong những năm qua, Sở Y tế đã đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, lãnh đạo, chuyên môn nghiệp vụ của ngành, như phần mềm quản lý văn bản M-OFFICE, VNPTiOffice liên thông đến trạm y tế xã, khoa, phòng thuộc các đơn vị; triển khai đến 100% các trạm y tế xã, phường, thị trấn và phòng khám đa khoa khu vực phần mềm quản lý y tế xã, phường liên thông; phần mềm quản lý nhân lực; phần mềm quản lý bệnh viện cũng được triển khai tại tất cả các bệnh viện trên địa bàn tỉnh và các phần mềm khác được ứng dụng rộng rãi phục vụ công tác chuyên môn của ngành…

Đồng chí Lương Viết Thuần, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Khi mô hình BSGĐ và PKBSGĐ phát triển sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu, người dân được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục và phòng bệnh chủ động, tích cực; giúp sàng lọc giải quyết được phần lớn các bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến, góp phần giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện. Đồng thời giảm bớt gánh nặng về thời gian, công việc cho các bác sĩ từng chuyên khoa; tiết kiệm chi phí nằm viện cho bệnh nhân, quỹ bảo hiểm y tế, mang lại hiệu quả kinh tế cho người bệnh, gia đình và xã hội...

Tuy nhiên, để triển khai mô hình BSGĐ và PKBSGĐ tại tỉnh ta cũng gặp không ít khó khăn do địa bàn rộng, đi lại khó khăn, dân cư sống không tập trung, ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức khám và lập hồ sơ quản lý sức khỏe hộ gia đình. Cán bộ y tế tại các xã vùng cao rất hạn chế trong việc tiếp cận, khai thác tiền sử của mỗi người dân do bất đồng ngôn ngữ; thời gian đào tạo về nguyên lý YHGĐ còn ngắn hạn, nên gặp khó khăn trong việc cấp chứng chỉ hành nghề…

“Để triển khai hiệu quả Đề án BSGĐ và PKBSGĐ dựa trên nền tảng hoạt động của y tế các xã, thị trấn, thời gian tới ngành Y tế tiếp tục chú trọng công tác đào tạo nhân lực theo nguyên lý YHGĐ; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các xã; tăng cường các hoạt động chuyên môn, đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe để nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe và nhận thức của người dân về mô hình chăm sóc sức khỏe của trạm y tế hoạt động theo nguyên lý YHGĐ. Tổ chức khám sức khỏe, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân cho người dân, triển khai quản lý bệnh mãn tính tại các xã, phường...” - đồng chí Lương Viết Thuần, Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm.

Bài, ảnh: VĂN NGHỊ

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/201908/mo-hinh-bac-si-gia-dinh-gop-phan-nang-cao-chat-luong-kham-chua-benh-749288/