Mở đường cho sản xuất công nghiệp bước vào 'đường băng' tăng trưởng 2024

Nhiều doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến thông qua khảo sát đã dự báo số lượng đơn đặt hàng mới và khối lượng sản xuất trong quý 1/2024 sẽ tăng so với quý 4/2023. Để mở đường cho sản xuất công nghiệp của Việt Nam bước vào 'đường băng' tăng trưởng trong năm 2024, điều mà các doanh nghiệp kỳ vọng là 'đầu có xuôi thì đuôi sẽ lọt'.

Ghi nhận tại một số doanh nghiệp (DN) nội địa trong ngành dệt may hiện tại cho thấy đang nỗ lực để thúc đẩy đơn hàng cho quý 1/2024. Đơn cử như CTCP Dệt May - Đầu Tư - Thương Mại Thành Công (TCG) đã đạt khoảng 90% kế hoạch về đơn hàng cho quý 1/2024. Hoặc như CTCP Sợi Phú Bài đã cố gắng có đủ đơn hàng tới hết tháng 1/2024 để chạy đủ công suất của 3 nhà máy.

Kỳ vọng “đầu xuôi đuôi lọt”

Theo tổng giám đốc của một công ty dệt may ở Tp.HCM, thị trường xuất khẩu (XK) dệt may năm 2024 sẽ còn có nhiều biến động, do đó bản thân công ty phải chủ động xây dựng các biện pháp thích ứng để giảm mức độ tác động khi thị trường xấu đi.

Kỳ vọng các DN thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp sẽ “bừng sáng” trong năm 2024.

Kỳ vọng các DN thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp sẽ “bừng sáng” trong năm 2024.

Vị tổng giám đốc này cũng cho rằng, công ty phải linh hoạt trong chuyển đổi mặt hàng theo năng lực tìm kiếm đơn hàng từ bộ phận phát triển thị trường. Song song đó, công ty còn đầu tư một cách nghiêm túc để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, có như vậy mới có cơ hội có đơn hàng, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cho năm 2024.

Còn ở ngành thép, ghi nhận từ CTCP tập đoàn Hòa Phát (HPG) dự kiến XK thép trong quý 1/2024 sẽ duy trì ở mức cao, đặc biệt là sang EU. Còn theo nhận định mới đây từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán ABS, cho rằng kênh XK của CTCP Thép Nam Kim sẽ tăng tốc trong những tháng tới. Nhu cầu thép năm 2024 tại các thị trường chủ lực của DN này, gồm EU, ASEAN và Australia, đều được Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel) dự báo ở mức cao hơn đáng kể so với mặt bằng chung toàn cầu

Bước sang quý đầu của năm 2024, điều mong mỏi không chỉ với lĩnh vực sản xuất dệt may, sản xuất thép mà với các DN trong sản xuất công nghiệp nói chung là thị trường XK sẽ cải thiện khả dĩ hơn, để đơn hàng đến với họ trở nên tích cực hơn so với tình hình khó khăn như năm 2023. Nhất là với ngành sản xuất, một khi các DN có khởi đầu suôn sẻ, trơn tru thì mọi thứ sẽ thuận lợi cho cả năm, như ví von “đầu có xuôi thì đuôi sẽ lọt”.

Kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh mới đưa ra của Tổng cục Thống kê với 6.500 DN ngành công nghiệp chế biến cũng cho thấy kỳ vọng này. Theo đó, dự báo số lượng đơn đặt hàng mới quý 1/2024 so với quý 4/2023 tăng, với 72,7% DN dự báo tăng và giữ nguyên (29,3% tăng, 43,4% giữ nguyên), 27,3% DN dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm.

Ngoài ra, khối lượng sản xuất quý I/2024 so với quý IV/2023 khả quan hơn với 72,9% DN dự báo tăng và giữ nguyên (30,5% tăng, 42,4% giữ nguyên), 27,1% DN dự báo khối lượng sản xuất giảm.

Kết quả điều tra cũng đưa ra dự báo sử dụng lao động quý I/2024 so với quý IV/2023 khả quan hơn với 83,6% số DN dự kiến số lao động tăng và giữ nguyên (13% tăng, 70,6% giữ nguyên), 16,4% DN dự kiến lao động giảm.

Ngành sản xuất có giá trị cao sẽ tăng trưởng

Trong khi đó, theo nhận định mới nhất từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán DSC, với triển vọng kinh tế tại các đối tác chính của Việt Nam là Mỹ, EU, Trung Quốc chưa quá sáng trong năm 2024, nên dự phóng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam sẽ phục hồi, nhưng chỉ ở mức độ nhẹ, trong năm 2024.

Ngoài ra, DSC cho rằng năm 2024, Việt Nam kỳ vọng tiếp tục đi đầu trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao, chuyển đổi số và phát triển công nghiệp xanh.

Theo DSC, Việt Nam hiện là một trong những lựa chọn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á về thu hút vốn nước ngoài. Và điều kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp diễn trong năm 2024 dựa trên một số lợi thế cạnh tranh của Việt Nam: Thứ nhất là tối ưu phí thuế Thu nhập DN cho doanh nghiệp FDI (chính sách thuế cạnh tranh nhất nhóm châu Á). Thứ hai là lợi thế nhân lực: chi phí rẻ, dân số vàng, năng lực lao động cao cấp. Thứ ba là vị trí địa lý thuận lợi. Thứ tư là định hướng sản xuất chuyển dịch dần sang sản phẩm công nghệ cao.

Còn theo Công ty nghiên cứu thị trường Cushman & Wakefield (C&W), Việt Nam là nước được hưởng lợi chính từ các chiến lược sản xuất của “Trung Quốc+” nhờ khoảng cách địa lý và khả năng kết nối khu vực/toàn cầu rộng hơn. Ngoài vị trí chiến lược, Việt Nam còn có lợi thế về chi phí lao động thấp hơn đáng kể so với Trung Quốc. Lợi ích còn đến từ sự kết hợp cân bằng giữa sản xuất có giá trị cao như điện tử và sản xuất có giá trị thấp như may mặc, giày dép và thực phẩm.

Phía C&W nhận định ngành sản xuất có giá trị cao ở Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng. Nhất là việc Chính phủ muốn tăng tỷ trọng sản xuất trong nền kinh tế từ 25% lên 30% vào năm 2030 bằng cách thu hút thêm đầu tư vào ngành này.

Theo đó, Việt Nam có dư địa để đáp ứng sự tăng trưởng đó nhờ sự tập trung mạnh mẽ vào sản xuất điện tử ở miền Bắc Việt Nam (Hà Nội, Hải Phòng), trong khi miền Nam Việt Nam (Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai) có sự kết hợp giữa thực phẩm, hàng tiêu dùng và điện tử.

Nói về triển vọng đi lên của sản xuất công nghiệp ở Việt Nam trong thời gian tới, ông John Campbell, Phó giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ công nghiệp của Savills Việt Nam, chỉ rõ Việt Nam hiện có khoảng 400 khu công nghiệp trên cả nước và đây là một con số “khá ấn tượng đối với một quốc gia có quy mô như Việt Nam”.

Ông Campbell đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam ngày càng chú trọng phát triển các khu công nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, cũng như ứng dụng công nghệ 4.0 và sản xuất thông minh, thể hiện ở những ví dụ thành công của các Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore và khu công nghiệp Deep C Hải Phòng.

“Đây là những dự án mà chúng ta nên thu hút vì chúng vừa nâng cao chất lượng đào tạo người lao động, vừa cải thiện vị thế của đất nước trong chuỗi giá trị”, ông Campbell chia sẻ.

Nhìn một cách tổng quan, để mở đường bước vào “đường băng” tăng trưởng trong năm 2024 thì lĩnh vực sản xuất công nghiệp Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để là “một phần công xưởng của thế giới”. Nhất là cần đa dạng hóa thị trường công nghiệp, đi sâu vào tính bền vững trong tương lai, cũng như cần nhanh chóng đầu tư vào cả việc xây dựng năng lực con người và tự động hóa.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/mo-duong-cho-san-xuat-cong-nghiep-buoc-vao-duong-bang-tang-truong-2024-1097609.html