Mở cửa lại nền kinh tế châu Á - lửa thử vàng

Dịch COVID-19 đã tàn phá một cách khủng khiếp các nền kinh tế ở châu Á. Nhiều nước bước vào giai đoạn bình thường mới, giai đoạn 'thử lửa' đối với các nhà lãnh đạo các nước ở châu lục nhằm phục hồi nền kinh tế.

Châu Á - động lực thúc đẩy kinh tế toàn cầu

Ngay cả khi đại dịch còn chưa bị đẩy lùi, kinh tế thế giới đã “ngấm đòn” của COVID-19. Suy thoái kinh tế ngày càng lộ diện, rõ ràng hơn bao giờ hết. Tại khu vực châu Á, nhiều quốc gia đang dần mở cửa trở lại một cách thận trọng, các nước xác định bước vào một giai đoạn mới của khủng hoảng, đòi hỏi sự thay đổi trong chính sách đáp ứng với tình hình mới.

Theo báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), triển vọng kinh tế thế giới tồi tệ hơn so với dự đoán, tăng trưởng toàn cầu sụt giảm 4,9% trong năm nay, nghiêm trọng hơn nhiều so với mức dự đoán 3% hồi tháng 4 và là mức sụt giảm nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2. So với các lục địa khác, châu Á được cho là châu lục vượt qua khủng hoảng dịch bệnh sớm hơn, đang trên đà phục hồi. Châu Á được kỳ vọng có thể đóng vai trò trung tâm, đưa thế giới ra khỏi đại dịch và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế toàn cầu phục hồi. Tuy nhiên, làn sóng dịch bệnh thứ hai có thể “cuốn phăng” đi những hy vọng “leo lét” về sự phục hồi của nền kinh tế châu lục.

TS. Chang Yong Rhee, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IMF cho rằng, trong năm nay, kinh tế châu Á tăng trưởng âm 1,6%. Nếu làn sóng dịch thứ hai không đổ bộ vào châu Á, cộng thêm việc các nước áp dụng những chính sách chưa từng có để hỗ trợ kinh tế, dự báo kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng mạnh trở lại, tới 6,6% vào năm 2021. Theo TS. Rhee, châu Á phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu và châu lục này không thể phát triển khi cả thế giới đang hứng chịu những ảnh hưởng của đại dịch. Thương mại sẽ giảm đáng kể do nhu cầu bên ngoài giảm thấp, dự kiến sẽ giảm khoảng 20% vào năm 2020 ở các quốc gia như: Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines.

Du lịch Nhật Bản sụt giảm 99%, Chính phủ tìm cách kích cầu du lịch nội địa trong bối cảnh dịch bệnh.

Trong “cái khó ló cái khôn”

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia vẫn dần lấy lại “năng lượng” để phục hồi. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc bất ngờ thông báo tăng trưởng 3,2% trong quý II, sau thời gian sụt giảm kỷ lục trước đó. Điều này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang được khởi động trở lại dù cho trước đó nền kinh tế của quốc gia này bị “đóng băng” hoàn toàn. Kể từ tháng 3, Trung Quốc bắt đầu khôi phục sản xuất, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng một loạt các biện pháp để thúc đẩy nền kinh tế như giảm thuế, tạo công ăn việc làm, tăng chi tiêu tài khóa, cắt giảm lãi suất ngân hàng... Mặc dù vậy, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2020 chỉ đạt 1%.

Trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều quốc gia phải “đi trên 2 chân” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. “Cái khó ló cái khôn”- tùy thuộc vào điều kiện và mô hình của mình, nhiều quốc gia đã có những cách thức “chưa từng có” để đạt được mục tiêu vượt qua cuộc khủng hoảng này. Giám đốc điều hành của Cơ quan tiền tệ Singapore Menon cho rằng Singapore đang trải qua thời kỳ suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ khi độc lập. Nhận thức được tình hình Cơ quan phát triển doanh nghiệp Singapore mới đây tung ra gói tăng cường thương mại điện tử, biến bất lợi thành ưu tiên trong việc phục hồi. Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi sang kinh doanh bán hàng trực tuyến, kinh tế số... Thái Lan đã “điểm huyệt” ngành kinh tế mũi nhọn của mình là du lịch, tung gói kích thích hàng trăm triệu đô thúc đẩy du lịch trong nước trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa qua. Tại Nhật Bản, Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ ngành du lịch chưa từng có, đó là từ ngày 22/7, Nhật Bản sẽ hỗ trợ 50% chi phí lưu trú, di chuyển cho khách du lịch nhằm kích cầu du lịch nội địa... Bằng nhiều cách thức khác nhau, trong khó khăn, thử thách, châu Á mới lại chứng tỏ mình chính là động lực của “con tàu” kinh tế thế giới.

Trần Hải

((theo IMF, BBC, Japantimes))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mo-cua-lai-nen-kinh-te-chau-a-lua-thu-vang-n177349.html