Mở cửa du lịch: Doanh nghiệp lo thiếu hụt nguồn cung lao động

Cơ hội để ngành du lịch phục hồi đang được cộng đồng doanh nghiệp chờ đợi khi mốc thời điểm mở cửa toàn bộ hoạt động lĩnh vực này vào ngày 15/3 đang rất gần. Tuy vậy, thách thức phía trước không hề nhỏ, trong đó giới kinh doanh đang lo thiếu hụt nguồn cung lao động để vận hành lại bộ máy.

Ông Nguyễn Văn Tài - người sáng lập Trung tâm Đào tạo du lịch thực tế Prato (Practical Tourism), CEO VietSense Trave đã có cuộc chia sẻ về vấn đề này với Báo Công Thương.

Thiếu hụt lao động hiện đang là thách thức rất lớn cho du lịch Việt Nam trong giai đoạn phục hồi

Thiếu hụt lao động hiện đang là thách thức rất lớn cho du lịch Việt Nam trong giai đoạn phục hồi

Chính phủ đã đồng ý mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch vào 15/3 này, vậy ông có đánh giá nào về cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam?

Quyết định mở cửa du lịch từ ngày 15/3 của Chính phủ là một trong những quyết sách rất tốt bởi tại thời điểm này chưa nhiều quốc gia, điểm đến du lịch ở Đông Nam Á cũng như châu Á có động thái mở cửa, vì thế Việt Nam sẽ được chú ý nhiều hơn và được lựa chọn để du khách đến. Về năng lực cạnh tranh thì với tài nguyên biển và thiên nhiên đa dạng phong phú như Việt Nam, cùng với sự ra đời của nhiều cơ sở nghỉ dưỡng cao cấp, trung tâm vui chơi giải trí tầm cỡ châu lục của các tập đoàn lớn, nước ta đang có lợi thế rất lớn trong việc cạnh tranh. Ẩm thực phong phú và giá tiêu dùng rẻ cũng là lợi thế để khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch thế giới.

Tuy nhiên, cái thiếu và thua hiện nay của du lịch nước ta có lẽ về vấn về quảng bá xúc tiến quốc tế và làm thương hiệu quốc gia về điểm đến. Cho đến nay, chúng ta chưa có một chiến dịch quảng bá tầm cỡ để mang vẻ đẹp đang có của du lịch đến người dân các nước trên thế giời. Chưa có một tư liệu video, hình ảnh hay thông tin thực sự chất lượng về tài nguyên du lịch của Việt Nam đủ mạnh và hấp dẫn như Malaysia, Thái Lan hay Singapore đang làm. Nếu chúng ta đầu tư nhiều hơn về tài chính và nhân lực cho công tác này thì du lịch Việt Nam sẽ là một đối thủ lớn trên thị trường du lịch toàn cầu.

Để việc mở cửa ngành du lịch hiệu quả, theo ông chúng ta cần tạo điều kiện cho du khách như thế nào?

Hiện tại, các điều kiện đối với du khách quốc tế thì do Chính phủ, cơ quan quản lý y tế và du lịch có những quy định cụ thể, nhưng về cơ bản xoay quanh câu chuyện hộ chiếu vaccine, xét nghiệm. Theo đó, để thu hút và phục vụ khách quốc tế hài lòng, có 3 khâu chúng ta cần làm tốt. Trước hết là quảng bá rộng rãi và chi tiết về thông tin điểm đến hấp dẫn của Việt Nam và các thông tin về điều kiện vaccine và tình hình sức khỏe khi vào Việt Nam tới du khách. Ngoài ra, cần thực hiện nhất quán các chính sách với tinh thần thân thiện, phục vụ từ khâu nhập cảnh cho đến việc lưu thông thông thoáng, thuận tiện giữa các tỉnh, thành trong nội địa Việt Nam. Tiếp theo đó là công tác dịch vụ và tổ chức tour, cung ứng dịch vụ tại các cơ sở lưu trú, vận chuyển, ăn uống và hướng dẫn viên đều đạt chuẩn an toàn, chất lượng tốt nhất để du khách cảm thấy hài lòng trong suốt chuyến đi. Khi những lượt khách đầu tiên hài lòng, họ đánh giá tốt về chuyến du lịch đến Việt Nam thì sẽ lan tỏa rất nhanh trên các mạng xã hội và kênh thông tin điện tử, từ đó chúng ta có thể thu hút được thêm nhiều du khách đến Việt Nam hơn.

Ông Nguyễn Văn Tài - người sáng lập Trung tâm Đào tạo du lịch thực tế Prato (Practical Tourism), CEO VietSense Trave

Ông Nguyễn Văn Tài - người sáng lập Trung tâm Đào tạo du lịch thực tế Prato (Practical Tourism), CEO VietSense Trave

Hiện cộng đồng doanh nghiệp đang ngóng thời khắc quan trọng mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch, nhưng trước mắt sẽ có khó khăn trong việc đón khách quốc tế?

Thực tế, doanh nghiệp đang có rất nhiều khó khăn, trong đó việc kết nối lại hệ thống đối tác bên thị trường khách đi (các nước có nguồn khách đến Việt Nam) bởi một số đối tác truyền thống trước đây ở châu Âu và Úc cũng đã phải đóng cửa trong các đợt dịch vừa rồi. Các hội chợ du lịch quốc tế cũng chưa được mở lại để tìm kiếm đối tác mới vì thế nguồn khách từ đối tác là rất hạn chế.

Mặt khác, việc tiếp cận trực tiếp khách du lịch bằng phương thức quảng cáo trực tuyến qua các nền tảng công cụ tìm kiếm cũng như mạng xã hội rất tốn kém và bất định về mặt hiệu quả, trong khi nguồn lực tài chính của doanh nghiệp thì đã cạn kiệt sau hơn 2 năm dịch bệnh. Đặc biệt là đội ngũ nhân lực phụ trách công tác tiếp thị và kinh doanh các thị trường quốc tế đã nghỉ và chuyển sang các ngành nghề khác để mưu sinh nên giờ không có nhân sự để làm.

Như ông vừa nhắc tới, nhân lực hiện là một trong những lo ngại của doanh nghiệp cũng như ngành du lịch để có thể đưa du lịch phục hồi nhanh. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?

Như chúng ta thấy rất rõ, sau hơn hai năm với 4 đợt dịch bệnh Covid-19, về cơ bản số lượng doanh nghiệp du lịch đang còn cầm cự được là rất ít. Trong số ít ỏi các doanh nghiệp còn đang tồn tại này thì về nhân sự còn lại cũng là chính những ông, bà chủ doanh nghiệp và một vài lãnh đạo cốt cán của công ty chứ không còn nhân viên. Số lao động đã được cho nghỉ để cắt giảm gánh nặng chi phí vận hành doanh nghiệp đồng thời cũng tạo điều kiện để họ xoay sở mưu sinh ở những ngành nghề khác chứ không giữ được khi tình hình kinh doanh ngưng trệ.

Khi du lịch có dấu hiệu phục hồi nhưng cũng chỉ được mảng nội địa cùng với tình trạng du lịch tự túc của người dân nên lượng việc của các doanh nghiệp cũng chưa nhiều, vì thế các doanh nghiệp vẫn chỉ đang vận hành với đội ngũ nhân lực cốt cán là ban giám đốc và các trưởng phòng. Và theo như dự đoán của tôi, nếu du lịch phục hồi thành công sau việc mở cửa đường bay quốc tế từ 15/2 và du lịch thích ứng bình thường mới từ 15/3 thì cao điểm đầu tiên của thị trường du lịch sẽ là dịp nghỉ lễ 30/4 & 1/5 và đây chính là thời điểm nhu cầu tăng cao thì vấn đề thiếu hụt nhân lực phục vụ sẽ lộ rõ.

Với thực trạng hiện tại, cần có giải pháp nào đề phục hồi nhân lực cho ngành du lịch, theo ông?

Trong bối cảnh khó khăn tứ phía bao vây, việc có bù đắp thiếu nguồn nhân lực là không thể một sớm một chiều, bởi lực lượng lao động du lịch lành nghề trước đây đã chuyển nghề khác để mưu sinh như làm bảo hiểm, bất động sản, bán hàng online… Và sau một thời gian đã quen việc và có vị trí ở ngành nghề mới thì khó mà họ quay lại du lịch. Bên cạnh đó, lực lượng sinh viên tốt nghiệp các trường trong 2 năm vừa rồi do dịch Covid-19 cũng không có điều kiện thực tập thực tế tại doanh nghiệp, nên cũng chưa thể làm ngay được. Nói như vậy để thấy nguồn cung lao động du lịch gần như bằng 0, do đó doanh nghiệp cũng sẽ không thể tuyển được nhân lực lành nghề như mong muốn.

Trước mắt, để giải quyết bài toán thiếu hụt nhân sự khi nhu cầu du lịch tăng cao từ quý II đến cuối năm nay, từ thực tế hoạt động của VietSense Travel chúng tôi đang triển khai đó là kết nối liên hệ lại toàn bộ những cán bộ nhân viên cũ trước đây để nắm bắt tình hình công việc hiện tại của họ đồng thời đặt vấn đề mời trở lại làm việc; tăng cường liên hệ với các khoa du lịch của các trường trên địa bàn Hà Nội để gửi thông báo tiếp nhận thực tập và đào tạo thực tế ngắn hạn tại công ty cho các sinh viên mới tốt nghiệp; kết hợp với một số công ty lữ hành mở ra các lớp định hướng nghề lữ hành và các khóa đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng điều hành và sale du lịch bằng hình thức trực tuyến qua zoom online vào buổi tối.

Trải qua khủng hoảng bởi dịch bệnh đã cho thấy, doanh nghiệp cần quan tâm và có chính sách giữ chân người lao động. Với doanh nghiệp du lịch, vấn đề này đang gặp khó ra sao, thưa ông?

Thực tế thì, để mời lại được những người cũ và tuyển nhân lực mới có lẽ việc đầu tiên là phải thuyết phục họ bằng cơ chế lương và thu nhập tốt. Khi người lao động có thu nhập để duy trì cuộc sống thì họ mới làm việc được. Trong khi đó, đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chưa biết có khả thi không nhưng đã phải có sẵn khoản chi nhân công nên đây là vấn đề rất khó. Mặt khác, ngoài lương thưởng, doanh nghiệp phải có việc cho họ làm. Song để có việc cho nhân viên lại phải phụ thuộc vào thị trường, dịch bệnh có được kiểm soát, các điểm đến có mở cửa, người dân có nhu cầu hay không? Nếu các điều trên thỏa mãn và doanh nghiệp truyền thông, quảng cáo tốt để có khách hàng, mang việc về cho người lao động sẽ tháo gỡ được nút thắt lao động. Tựu chung lại, hai yếu tố quyết định tới tuyển được và giữ chân nhân sự đối với doanh nghiệp đó là tài chính cho quỹ lương và công việc có để họ làm.

Xin cảm ơn ông!

Hoa Quỳnh (thực hiện)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/mo-cua-du-lich-doanh-nghiep-lo-thieu-hut-nguon-cung-lao-dong-172787.html