'Mở cửa' đón người trẻ yêu văn chương

Sáng qua (20-7), Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Gia Lai khai mạc lớp bồi dưỡng sáng tác 'Văn học trẻ-Văn học dân tộc thiểu số' với sự tham gia của 25 học sinh có năng khiếu văn chương trong tỉnh. Khá lâu rồi, một sân chơi hữu ích mới được mở ra để chào đón lớp trẻ yêu văn chương, chữ nghĩa.

“Văn chương không phân biệt ai”

Một nửa học viên lớp bồi dưỡng là học sinh đến từ Trường THPT chuyên Hùng Vương, trong đó có em Lê Hà Thanh Nhã, lớp 12C1. Nhã từng đạt giải nhì kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn năm học 2021-2022; nhiều lần đọc clip giới thiệu sách cộng tác với Thư viện tỉnh. Mới đây, em tham gia cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” cấp tỉnh năm 2023. Nhã cho hay, em yêu thích văn học trong và ngoài nước, nhất là những tác phẩm về đề tài chiến tranh như: “Nỗi buồn chiến tranh”, “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ”…

Nhã bày tỏ: “Văn chương mang đến cho em nhiều kỹ năng và vốn sống cần thiết. Từ các tác phẩm văn học được tiếp cận, em có cái nhìn đa dạng hơn về cuộc sống, trải nghiệm, dễ cảm thông và không quá phiến diện, một chiều trong suy nghĩ. Em xác định văn chương là một phần không thể thiếu trong cuộc sống sau này và may mắn được gia đình ủng hộ”. Đến với lớp bồi dưỡng sáng tác lần này, Nhã có câu hỏi khá hay muốn đặt ra với những nhà văn, nhà thơ đứng lớp, đó là: Hành trình sáng tác của họ có những trăn trở, khó khăn gì? Làm cách nào để vượt qua những khó khăn ấy, nhất là rào cản xã hội để đưa tác phẩm đến với công chúng?

Em Nguyễn Đức Toàn và Lê Hà Thanh Nhã (học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương) góp mặt tại lớp bồi dưỡng sáng tác “Văn học trẻ-Văn học dân tộc thiểu số”. Ảnh: P.D

Em Nguyễn Đức Toàn và Lê Hà Thanh Nhã (học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương) góp mặt tại lớp bồi dưỡng sáng tác “Văn học trẻ-Văn học dân tộc thiểu số”. Ảnh: P.D

Em Nguyễn Đức Toàn-học sinh lớp 12C3B Trường THPT chuyên Hùng Vương có thể xem là trường hợp “cá biệt” tại lớp bồi dưỡng sáng tác lần này, bởi em là học sinh… chuyên Toán. Toàn lý giải sự lạ trên bằng nghĩ suy rất sâu sắc: “Văn chương không phân biệt mình là ai, đang ở đâu. Mới đây, em rất vui khi được gặp Giáo sư Ngô Bảo Châu tại chương trình “Trường hè Toán học” tổ chức ở TP. Pleiku. Ông là nhà toán học nhưng cũng mang trong mình niềm đam mê lớn đối với văn chương”. Toàn cho hay, trước đó, thấy một số anh chị chuyên Toán nhưng giỏi Văn nên em cũng muốn thử sức. Từ chút năng khiếu về viết lách, Toàn chính thức “nhảy dù” vào môn này từ học kỳ II năm lớp 10 rồi được chọn luôn vào đội tuyển của trường. Được sự bổ trợ từ tư duy toán học chặt chẽ, logic trong các thức thể hiện, Toàn đã đạt một số thành tích nhất định, nổi bật nhất là huy chương bạc môn Ngữ văn tại Kỳ thi Olymic truyền thống 30-4 lần thứ 27 năm 2023.

“Em không dạo chơi mà muốn tiến sâu hơn vào con đường văn chương, giúp mình bày tỏ nhu cầu cảm xúc từ bên trong. Lớp bồi dưỡng sáng tác là cơ hội giúp em phát huy khả năng viết, học hỏi kinh nghiệm từ những người trực tiếp cầm bút mà lâu nay mình biết đến qua trang sách. Em nghĩ sẽ rất thú vị”-Toàn nói.

Kỳ vọng vào một thế hệ văn trẻ

Trao đổi với P.V, nhà thơ Ngô Thanh Vân-Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh-cho biết: Chị và các nhà văn, nhà thơ: Phạm Đức Long, Thu Loan, Hoàng Thanh Hương (đều là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) cùng tham gia truyền cảm hứng tại lớp bồi dưỡng sáng tác “Văn học trẻ-Văn học dân tộc thiểu số” năm nay. Đặc biệt, Hội VHNT tỉnh còn mời 2 tác giả có tiếng trong nước, đã xuất bản nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi là nhà văn Hồ Huy Sơn (Báo Sài Gòn Giải phóng) và nhà văn Văn Thành Lê (Nhà xuất bản Kim Đồng).

Theo kế hoạch, ngoài 6 buổi trò chuyện trực tiếp với các tác giả, học viên được đi thực tế tại Nhà lao Pleiku và Bảo tàng tỉnh. “Chúng tôi mong muốn khơi gợi, hướng dẫn các em chạm vào cảm xúc của chính mình khi được tiếp cận và nghe thuyết trình các giai đoạn lịch sử của vùng đất Gia Lai, về việc cha ông ta đã sống và chiến đấu như thế nào. Những cảm xúc chưa được gọi tên hoặc những điều muốn viết ra nhưng chưa có động lực sẽ được khơi gợi ở sân chơi này”-nhà thơ Ngô Thanh Vân chia sẻ. Ngoài ra, các em cũng được trao đổi về đề tài văn học dân tộc thiểu số, hiểu thêm cách thức tô đậm mảng màu này trong bức tranh văn học Gia Lai. Theo Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, những bài viết chất lượng từ lớp bồi dưỡng sẽ được chọn gửi cộng tác các báo, tạp chí; những bài còn lại có thể đăng tải trên website của Hội. Đây là cách thiết thực để gầy dựng và bồi dưỡng đội ngũ sáng tác kế cận trong điều kiện văn trẻ Gia Lai đang có một khoảng hẫng nhất định; người trẻ nhất trong Chi hội Văn học hiện cũng đã ngoài 30 tuổi.

Khá hào hứng khi nhận lời tham gia truyền đạt kinh nghiệm tại lớp bồi dưỡng sáng tác ở Pleiku, nhà văn Văn Thành Lê cho hay: “Có một thực tế, văn chương là điều chẳng ai có thể “cầm tay chỉ việc” được, đây là chuyện sáng tạo của mỗi cá nhân. Nhưng trại viết, lớp bồi dưỡng hay câu lạc bộ sáng tác là môi trường để những người cùng đam mê chữ nghĩa có thể trao đổi, tương tác, kích hoạt bầu khí quyển văn chương của mình. Vậy nên, tôi sẽ mang câu chuyện mình đến với văn chương ra sao, những nghĩ suy về văn chương của mình để chia sẻ cùng các bạn trẻ ở Gia Lai”.

Tác giả từng có một số đầu sách về văn học thiếu nhi được chú ý như “Ông mặt trời và mùi hương của mẹ”, “Nam, Nhi, Đại, Trượng, Phu”, “Trên đồi, mở mắt, và mơ”… chia sẻ thêm: “Được gặp gỡ và trò chuyện với các cây bút trẻ là cơ hội để tôi gặp lại chính mình của... ngày hôm qua, thuở lẫm chẫm, dò dẫm bước những bước đầu tiên đến với thế giới đầy trí tưởng tượng của văn chương. Tôi tự thấy lòng mình còn đủ trẻ để có thể trò chuyện cởi mở và bắt được tần số, bước sóng của các em trong những câu chuyện mà chúng tôi sẽ chia sẻ. Cuốn sách đầu tay của tôi được in ở Nhà xuất bản Kim Đồng và hiện tôi đang công tác tại đây. Tôi hy vọng tới đây sẽ có các cây bút trẻ ở Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung có bản thảo in ở đây, có bản thảo tham dự Giải thưởng Văn học Kim Đồng, xa hơn nữa là hình ảnh Tây Nguyên sẽ ngày càng hiện lên rõ nét hơn trong sáng tác của các bạn, định hình được trong lòng độc giả cả nước”.

PHƯƠNG DUYÊN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/mo-cua-don-nguoi-tre-yeu-van-chuong-post243538.html