Mở cổng nhà đón Tết

Giữa vô vàn những ngôi nhà kín cổng cao tường, đâu đó vẫn còn những chiếc cổng giản đơn xưa cũ, chỉ gồm hai chiếc cọc gỗ nghiêm ngắn đỡ cánh cổng mỏng manh bằng gỗ liễu thấp tè. Mỗi sáng mở cổng, tiếng kẽo kẹt thân thương lại cất lên. Tết đến, cổng nhà lại được thay mới, rộng mở đón khách.

Mời bạn cùng Hường nghe Xuân Chinh kể chuyện về chiếc cổng nhà mình ở nơi xóm núi.

Nhà tôi ở chân đồi cuối xóm. Cả ngày ngồi ở cổng nhà ngó dài cổ mà đếm cũng chỉ lác đác dăm bảy người đi qua. Đó là những người đi lấy củi, lấy cây thuốc trong rừng. Họ vội vã qua cổng nhà tôi. Sáng thì vội đi nhanh kẻo mặt trời đứng bóng. Tối thì vội về nhanh kẻo không thấy mặt người. Cổng nhà tôi quanh năm yên tĩnh, chậm rãi đếm người lại qua.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cây nhãn bố trồng cạnh cổng lớn dần. Người làng trong, làng ngoài được giao đất trồng rừng. Người ta đi làm rừng nhiều hơn. Ngày ngày họ tấp nập vào nhà tôi xếp xe đầy gốc nhãn ở cổng. Ngoài đi học, chị em tôi phân công nhau đứa đi chăn trâu, đứa ở nhà trông xe cho các bác các cô. Dĩ nhiên, việc trông xe luôn hấp dẫn vì nhàn nhã. Hàng mấy chục cái xe đạp, xe nào cũng quen xe nhớ mặt chủ hết nên không phải ghi vé. Các cô bác lại quý trẻ con, hay cho chúng tôi khi gói kẹo lạc, khi xâu bánh đa … Có đồ ăn, chị em tôi vắt vẻo ngồi bên cánh cổng trông xe cả ngày không chán.

Cánh cổng liễu, mỗi năm thay mới một lần đón Tết. Những thanh gỗ làm cổng phơi nắng mưa cả năm trời, già nua, nứt nẻ được bố xếp gọn ghẽ vào góc bếp, làm củi đun vừa vặn nồi bánh chưng. Ngày Tết, cổng nhà vui vẻ đón khách với màu áo liễu mới sáng vàng dưới nắng. Khi nghe tiếng xe đạp lọc cọc từ giữa xóm là bố mẹ tôi đã vội ra cổng đón khách. Cánh cổng mở sẵn, thanh thoát và thân thiện. Nó chứng kiến cái ôm ấm nồng, cái bắt tay thật chặt, cái cúi người chào hỏi kính cẩn từ những người hằng ngày nó quen mặt. Tết, những người nông dân chân chất, hồn hậu vẫn thân thiết với nhau, nhưng tế nhị và ý tứ chứ không suồng sã, vô tư như ngày thường.

Tết, bố nhắc chúng tôi mở cổng cả ngày. Cánh cổng mở là dấu hiệu của sự mến khách, là ngụ ý bánh chưng, dưa hành, hạt dưa… nhà tôi luôn sẵn sàng nghênh đón khách. Tối, cổng vẫn mở, bố mắc thêm chiếc đèn ra cành nhãn để cổng sáng trưng. Với mọi người, Tết đặc biệt. Với chiếc cổng, nó cũng có sự đặc biệt so với ngày thường. Dần dần xóm tôi có nhiều nhà chuyển tới. Nhà mái bằng, cao tầng mọc như nấm. Mà nhà đã cao tầng thì cái cổng cũng không thể ọp ẹp gỗ nứa như xưa, phải trụ bê tông, cánh cổng sắt. Mà nhà nào cũng đóng cửa im ỉm suốt ngày.

Lại một Tết nữa sắp đến. Bố gọi điện nhắc chúng tôi về làm cổng với bố. Vẫn mảnh sân cũ bày ra đủ gỗ liễu, vẫn tay cưa tay thước, vẫn là bố, là chị em chúng tôi. Nhưng giờ đây lưng bố còng hơn, tóc bố đã đổi màu. “Tết đến mà nhà nào cũng kín cổng cao tường thì xóm này buồn cả năm ư?”, bố nói trong khi thuần thục dựng hai cánh cổng vào hai cái cọc liễu mới. Tết này, kiểu cổng nhà tôi vẫn thế, nguyên si từ đời ông sang đời bố tôi./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/mo-cong-nha-don-tet-218956.htm