Mở cao điểm chống khai thác IUU

Với quyết tâm gỡ bằng được 'thẻ vàng' của Ủy ban châu Âu (EC), ngày 13/12/2023, Chính phủ đã chỉ đạo mở đợt cao điểm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) đến ngày 30/4/2024.

Cán bộ BĐBP Phú Yên theo dõi tàu cá qua hệ thống giám sát hành trình. Ảnh: Xuân Điền

Sau đợt thanh tra thứ 4, EC khuyến nghị Việt Nam tăng cường các biện pháp để phát hiện, ngăn chặn và truy tố các hành vi vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, đặc biệt là các trường hợp ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình(VMS) sát biên giới vùng đặc quyền kinh tế. Cùng với đó, tất cả các tàu phải được đánh dấu, kẻ số đăng ký đúng quy định, kể cả tàu đang sửa chữa hoặc ngừng hoạt động khai thác; bảo đảm tính chính xác thông tin dữ liệu tàu cá cập nhật trong VNFishbase. Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc truy xuất nguồn gốc thủy sản; yêu cầu các cảng cá phải cập nhật hằng ngày dữ liệu sản lượng thủy sản; áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Theo Cục Thủy sản, cả nước hiện có 72.217/83.427 tàu cá với chiều dài từ 6m trở lên đã được đăng ký và cập nhật trên cơ sở dữ liệu VNFisbase, trong đó trên 98% tàu cá có chiều dài hơn 15m (trong tổng số 29.341 chiếc) được lắp VMS. Số tàu chưa đăng ký, cập nhật trên VNFisbase do hư hỏng, không còn tồn tại trên thực tế. Tuy nhiên, EC chưa gỡ “thẻ vàng” đối với hải sản của Việt Nam là do một số địa phương thiếu sự quyết liệt trong thực hiện các khuyến nghị, còn để xảy ra tình trạng tàu cá xâm phạm ngư trường nước ngoài. Ngoài ra, chúng ta cũng chưa kiểm soát chặt chẽ, xử lý không nghiêm tàu cá “3 không” (không đăng ký; không giấy phép khai thác; không đăng kiểm) tham gia hoạt động khai thác trên biển.

Việc gỡ “thẻ vàng” trở thành nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết vì Liên minh châu Âu (EU) là một thị trường xuất khẩu lớn của thủy sản Việt Nam. Việc chậm thực hiện khuyến nghị của EC có thể khiến hải sản khai thác của Việt Nam bị phạt “thẻ đỏ”, bị cấm xuất khẩu sang EU với tổng giá trị hơn 500 triệu USD/năm. Ngoài EU, một số quốc gia khác như Mỹ cũng có thể áp dụng những biện pháp tương tự đối với mặt hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam.

Mặt khác, trước nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi hải sản, việc thực hiện tốt các khuyến nghị của EC là giải pháp hữu hiệu góp phần phục hồi, tái tạo, bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi để khai thác bền vững nguồn lợi và bảo đảm sinh kế lâu dài cho ngư dân.

Qua 4 đợt thanh tra, EC đánh giá cao nỗ lực và quyết tâm chính trị của Việt Nam trong công tác chống khai thác IUU. Do vậy, đợt cao điểm chống khai thác IUU lần này, Chính phủ đề ra danh mục nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương thực hiện để công tác chống IUU có chuyển biến thực chất. Trong đó, tập trung vào các nhóm nhiệm vụ mấu chốt: Ngăn chặn, chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; khắc phục tình trạng tàu cá mất kết nối VMS khi đang hoạt động trên biển.

Cùng với việc khẩn trương sửa đổi, bổ sung các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều, biện pháp thi hành Luật Thủy sản và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, Chính phủ yêu cầu các lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp mạnh không để tàu cá vượt ranh giới, vi phạm vùng biển nước ngoài, kiên quyết không cho tàu cá xuất bến nếu không tuân thủ quy định về VMS, xử phạt dứt điểm 100% các trường hợp vi phạm IUU. Đồng thời, xem xét xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu buông lỏng quản lý để tàu cá vi phạm IUU tại địa phương.

Thiết nghĩ, chấm dứt khai thác IUU, không chỉ để xuất khẩu sang EU mà còn hướng tới ngành nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững tại Việt Nam. Do vậy, các cấp, các ngành, địa phương và người dân ven biển cần tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm với nỗ lực cao nhất để phát triển thủy sản Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mo-cao-diem-chong-khai-thac-iuu-post470522.html