MiG-25 và cuộc đào tẩu thế kỷ (phần 5): Liên Xô nhận lại chiếc MiG-25 không còn nguyên vẹn

Phía Liên Xô đã yêu cầu Nhật Bản trao trả chiếc máy bay MiG-25, tuy vậy khi nhận lại, Moscow đã phát hiện ra một số thành phần máy bay đã bị lấy mất.

Sau khi hạ cánh và ra khỏi buồng lái của chiếc tiêm kích MiG-25, phi công Belenko thấy tên sân bay dân sự Hoktado.

Belenko thở phào vì đặt chân được tới Nhật Bản là đã hoàn thành được mục tiêu của mình. Ngay sau khi bước chân ra khỏi buồng lái, phi công liền bắn cảnh báo người khác không được đến gần MiG-25.

Thời điểm đó chiến đấu cơ này có hệ thống tự hủy bằng chất nổ, đây là cách mà Liên Xô áp dụng để đảm bảo cho máy bay MiG-25 không rơi vào tay phương Tây.

Phi công Belenko cũng yêu cầu các nhân viên mặt đất che chắn các dấu hiệu của không quân Xô Viết. Sau đó anh ta yêu cầu được tiếp xúc với đại diện của không quân Mỹ.

Sân bay liền bị đóng cửa trong 5 giờ liền. Phi công Belenko cũng yêu cầu được tị nạn chính trị.

Thời gian giữa chiều thứ 6 và ngày thứ 7 trở nên sôi động, các phương tiện truyền thông của phương Tây dành sự quan tâm lớn cho sự kiện này. Aeroflot liền gửi một phái đoàn, nhưng họ đã không được phép đến gần chiếc MiG-25.

Ngoại giao cũng là vấn đề cam go lớn trong thời điểm đó. Để biện minh cho việc giữ phi công và máy bay MiG-25 trên lãnh thổ của mình, các nhà chức trách Nhật Bản liền nghĩ ra kế sách để cáo buộc Beleko và máy bay của ông tội danh xâm phạm biên giới bất hợp pháp.

Chiếc máy bay đã được chuyển đến một nhà chứa máy bay tại căn cứ không quân Hyakuri, nằm cách Tokyo 80 km về phía bắc.

Ngày 19/9/1976 một chiếc máy bay vận tải khổng lồ C-5 Galaxy cùng với 11 chuyên gia hàng không đến từ Mỹ đã tới Nhật Bản để kiểm tra thực tế chiếc MiG-25.

Tham gia khảo sát và kiểm tra còn có 64 chuyên gia hàng đẩu của Nhật Bản. Chiếc MiG-25 được tháo dỡ một phần và vận chuyển đi dưới sự hộ tống của máy bay chiến đấu F-4J và F-104J.

Việc kiểm tra toàn bộ chiếc MiG-25 được tiến hành nhanh chóng. Đoàn kỹ sư kiểm tra kỹ hệ thống động cơ để biết quang phổ nhiệt của loại máy bay này, đây là yếu tố cần thiết để phương Tây thiết kế các thông số dành cho tên lửa không đối không, giúp chúng có thể bắt bám động cơ MiG-25, và tiêu diệt loại máy bay này.

Trong lúc đó cuộc đấu tranh ngoại giao bắt đầu gay cấn. Nhật Bản ra các tuyên bố chính thức rằng, Liên Xô sẽ được trả lại chiếc máy bay này, nhưng sẽ không sớm hơn thời điểm vào ngày 5/10/1976.

Sau đó chiếc máy bay lại bị tháo dỡ ra một lần nữa và chất trong 13 chiếc container, đem lên tàu chở hàng để chuẩn bị về Liên Xô.

Người Nhật Bản đã niêm phong các container, mục đích của họ là không cho phía nhân viên Liên Xô có thể kiểm tra các thùng hàng chứa bộ phận máy bay trước khi chúng được chuyển tới tận nước này.

Tuy nhiên Liên Xô đã không màng đến điều này, họ quyết định bật mở các thùng hàng để kiểm tra và nhanh chóng phát hiện ra rằng, một số thiết bị quan trọng của chiếc MiG-25 vẫn đang còn nằm trong tay của phương Tây.

Liên Xô yêu cầu phương Tây phải trả tiền đền bù cho một số bộ phận máy bay và thiết bị điện tử bị mất này.

Trong khi đó người Nhật lại yêu cầu Liên Xô phải thanh toán chi phí vận chuyển các thùng hàng chứa bộ phận máy bay này về nước.

Tại Liên Xô, gia đình Belenko đã bị cách ly và cơ quan tình báo KGB bắt đầu mở một cuộc điều tra toàn diện, qua đó họ tìm thấy trong căn hộ của phi công này một cuốn nhật ký cá nhân, trong đó Belenko đã có những ghi chép về việc tính toán nhiên liệu hoạt động của MiG-25 khi bay tới Nhật.

Về phần Belenko, ông ta đã đến nước thứ ba, sau khi nhận quy chế tị nạn chính trị chính thức tại Mỹ, ở đây ông bắt đầu làm việc cho một công ty hàng không. Belenko nhập quốc tịch Mỹ, tự mở một công ty riêng, kết hôn với một phụ nữ Mỹ và có với cô này 3 đứa con.

Tuy nhiên theo cuốn sách của Barron, thì chính cuộc sống hôn nhân tại Liên Xô của Belenko thất bại dẫn tới kết cục cay đắng là ly hôn - đó mới là nguyên nhân chính khiến phi công này chán nản và bỏ trốn cùng chiếc MiG-25 (Hết)

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/mig-25-va-cuoc-dao-tau-the-ky-phan-5-lien-xo-nhan-lai-chiec-mig-25-khong-con-nguyen-ven-post527078.antd