Miếu Thành Hoàng phường Phú Thạnh và việc gìn giữ nghi lễ cổ truyền

Miếu Thành Hoàng, phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa. Ảnh: NHẬT KIM

Nằm giữa cụm dân cư khu phố 3, phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa, miếu Thành Hoàng từ lâu là cơ sở tín ngưỡng có vị trí quan trọng của cộng đồng cư dân nơi đây.

Hàng năm vào dịp xuân kỳ thu tế, đông đảo bà con nhân dân trong vùng về dự lễ tế thần Thành Hoàng, thần Bạch Mã. Đây cũng là dịp bà con tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân đã dày công khai phá xây dựng phường Phú Thạnh ngày nay và tìm hiểu lịch sử vùng đất đang sinh sống.

Theo lời kể lại của các bậc cao niên trong vùng, miếu thờ Thành Hoàng được xây dựng từ khá sớm, khi các xóm ấp của làng Thạnh Lâm được hình thành vào nửa đầu thế kỷ XIX. Đến năm 1924, miếu được xây dựng khá bề thế tại vị trí nay là sân bay Đông Tác. Năm 1965, miếu bị giải tỏa để làm sân bay, nên được dời về khu dân cư gần chợ Thạnh Lâm. Năm 1968, miếu được chuyển về vị trí như ngày nay.

Năm 2003, từ nguồn đóng góp của nhân dân, miếu Thành Hoàng được trùng tu khá khang trang, gồm khu chánh điện, nhà đông, nhà tây và khu thần trù (nhà bếp). Trên mái khu chánh điện có đắp đôi rồng theo thế lưỡng long chầu nguyệt, trước mặt là án phong và 2 trụ biểu đắp đôi nghê đá có từ lúc miếu mới lập. Trong chánh điện, bên cạnh bàn thờ thần ở giữa và 2 bên thờ tả ban và hữu ban là các vị tiền, hậu hiền được thờ phụng một cách nghiêm cẩn.

Lễ tế thần tại miếu Thành Hoàng. Ảnh: NHẬT KIM

Lễ tế thần tại miếu Thành Hoàng. Ảnh: NHẬT KIM

Hiện vật quý giá nhất của miếu Thành Hoàng là các đạo sắc phong của các vua triều Nguyễn phong cho các thần Thành Hoàng, Bạch Mã của làng được nhân dân gìn giữ qua bao đời được thờ phụng tại đây. Trải qua thời gian và chiến tranh, các sắc thần không còn nguyên vẹn như lúc mới ban phong, nhưng các thông tin về nội dung của sắc phong vẫn còn đọc được, phần nào phản ánh về tín ngưỡng của cộng đồng dân cư địa phương từ khi lập làng. Tìm hiểu nội dung sắc phong, chúng ta biết được sự thay đổi địa danh của làng từ An Lâm chuyển sang Thạnh Lâm vào những năm 80 của thế kỷ XIX.

Trước năm 2014, các sắc phong gửi tạm ở chùa Phú Thạnh, mỗi khi tế lễ có nghi thức rước sắc từ chùa về miếu Thành Hoàng, sau đó hồi sắc lại chùa. Năm 2014, miếu Thành Hoàng được sửa sang nơi thờ tự và hệ thống cửa bảo vệ khu chánh điện nên các sắc phong được ban quản lý miếu rước về phụng thờ tại đây. Theo tục lệ, hàng năm vào khoảng cuối thu, khi công việc gặt hái kết thúc, ban quản lý miếu chọn một ngày tốt rồi thông báo cho bà con trong khu phố chuẩn bị tiến hành nghi thức tế thần. Lễ tế thần được thực hiện theo nghi thức truyền thống có cờ trống, thầy lễ đọc chúc văn. Ngày lễ tế thần là dịp bà con khu phố tập trung để tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân đã có công xây dựng làng xóm và trao đổi kinh nghiệm trong đời sống, sản xuất, tăng cường tình đoàn kết.

Các sắc phong hiện đang thờ tự tại miếu Thành Hoàng gồm 6 bản gốc. Phần lớn các sắc bị hư hỏng nặng. Sắc phong sớm nhất là đời vua Tự Đức thứ năm (1852) cho thần Thành Hoàng và thần Bạch Mã; sắc phong muộn nhất vào đời vua Khải Định thứ chín (1924) cho thần Bạch Mã. Ngoài các sắc phong của thôn Thạnh Lâm, thì tại miếu Thành Hoàng còn thờ phụng 5 bản sao các sắc phong thần Thành Hoàng của thôn Phú Nhuận ghi chép trên giấy bản đựng trong hộp gỗ.

Có thể nói, trong tâm thức mỗi người dân làng Thạnh Lâm xưa và nay là khu phố 3, phường Phú Thạnh, thì miếu Thành Hoàng đã trở thành vốn quý, tài sản chung. Vì vậy, họ luôn có ý thức giữ gìn sự tôn nghiêm, tính thiêng của ngôi miếu. Bên cạnh đó, các sắc phong, nghi thức tế lễ của miếu Thành Hoàng còn là nguồn tư liệu vô cùng quý giá cho các hoạt động nghiên cứu tín ngưỡng, văn hóa dân gian địa phương.

6 bản gốc sắc phong đang được thờ tự tại miếu Thành Hoàng

Đạo sắc thứ nhất ban tặng vào ngày 29/11 năm Tự Đức thứ năm (1852), phong cho thần Bạch Mã thôn An Lâm với mỹ hiệu là Dương uy Ngự võ Bảo chướng Kiện thuận Hòa nhu Thượng đẳng thần.

Đạo sắc thứ hai ban tặng vào ngày 29/11 năm Tự Đức thứ năm (1852), phong cho thần Thành Hoàng thôn An Lâm là Bảo an Chính trực Hựu thiện Đôn Ngưng chi thần.

Đạo sắc thứ ba ban tặng vào ngày 24/11 năm Tự Đức thứ 33 (1880), là sắc hợp phong cho thần Bạch Mã và thần Thành Hoàng của thôn Thạnh Lâm là Dương uy Ngự võ Bảo chướng Kiện thuận Hòa nhu Hàm quang Bạch Mã Thượng đẳng thần và Bảo an Chính trực Hựu thiện Đôn ngưng Thành Hoàng chi thần.

Đạo sắc thứ tư ban tặng vào ngày mùng 1/7 năm Đồng Khánh thứ hai (1886), phong cho thôn Thạnh Lâm theo lệ cũ phụng thờ Thành Hoàng, nguyên được gia tặng danh hiệu Bảo an Chính trực Hựu thiện Đôn ngưng Thành Hoàng chi thần.

Đạo sắc thứ năm ban tặng vào ngày 11/8 năm Duy Tân thứ ba (1909), là sắc hợp phong cho thần Bạch Mã và Thành Hoàng thôn Thạnh Lâm là Dương uy Ngự võ Bảo chướng Kiện thuận Hòa nhu Hàm quang Dực bảo Trung hưng Bạch Mã Thượng đẳng thần và Bảo an Chính trực Hựu thiện Đôn ngưng Dực bảo Trung hưng Thành Hoàng chi thần.

Đạo sắc thứ sáu ban tặng ngày 25/7 năm Khải Định thứ chín (1924), phong cho thôn Thạnh Lâm theo lệ cũ phụng thờ thần Bạch Mã vốn được phong tặng Hàm quang Dực bảo Trung hưng Thượng đẳng thần, đã từng bảo vệ cho nước che chở cho dân, linh ứng lâu năm.

TS ĐÀO NHẬT KIM

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/94/273363/mieu-thanh-hoang-phuong-phu-thanh-va-viec-gin-giu-nghi-le-co-truyen.html