Miền Trung mưa lớn, lũ dâng, học sinh nghỉ nhiều ngày

Ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 5 khiến Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế (TT-H), Đà Nẵng, Quảng Nam mưa lớn kéo dài nhiều ngày khiến nhiều nơi ngập, chia cắt, sạt lở (SL) nghiêm trọng. Học sinh (HS) tiếp tục nghỉ nhiều ngày...

Từ ngày 16/10 đến nay, mưa lớn liên tỉnh khiến lũ dâng cao gây ngập, SL nhiều nơi. Trong 24 giờ qua, Quảng Trị có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 50 - 110mm, có nơi hơn 200mm như Tà Long 213mm, đập thủy điện (TĐ) La Tó 214mm. Tại các huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, nước sông dâng cao, chia cắt nhiều tuyến đường liên thôn, xã... Quốc lộ 15D nối đường Hồ Chí Minh lên Cửa khẩu quốc tế La Lay (huyện Đakrông) nối với Lào bị nước lũ chia cắt.

Mưa lớn và nước lũ từ thượng nguồn đổ về khiến một số ngầm tràn ở huyện Đakrông bị ngập, giao thông (GT) chia cắt. Lực lượng chức năng cảnh báo cấm đường, túc trực tại các điểm ngập lụt. Tại huyện Hướng Hóa, mưa lũ khiến ngầm tràn 2 thôn Trùm, Loa (xã Ba Tầng) trên đường 586 ngập từ 0,5 - 1m, chia cắt GT. Nước lũ cũng gây ngập và chia cắt một số thôn, bản ở các xã Hướng Lập, Hướng Việt. Nhiều nơi ở vùng trũng huyện Hải Lăng ngập nặng, các khu dân cư bị chia cắt do ngập lên gần 1m, GT ở nhiều tuyến đường tê liệt do nước lũ. Lực lượng chức năng phải đặt cảnh báo, cắt cử người trực để bảo đảm an toàn. Chính quyền địa phương và các lực lượng, ban ngành chức năng đã vận động, hỗ trợ di dời các hộ dân và tài sản (TS) ở khu vực (KV) có nguy cơ bị ảnh hưởng ngập lũ, chia cắt, vùng thấp trũng đến nơi an toàn.

Công an túc trực tại điểm nước dâng cao thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế

Công an túc trực tại điểm nước dâng cao thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế

Sạt lở trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế)

Sạt lở trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế)

Các địa phương, các cấp, các ngành được yêu cầu sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống (PC) lụt bão nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, TS cho nhân dân. Triển khai lực lượng kiểm tra, rà soát những KV ven sông, nơi thấp trũng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, SL đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi tình huống xấu xảy ra... Lực lượng xung kích, Công an, Bộ đội Biên phòng, dân quân và người dân tổ chức canh gác đồng thời gắn biển cảnh báo tại các điểm bị ngập.

Chiều 18/10, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh TT-H cho biết, để ứng phó với đợt mưa lũ kéo dài nhiều ngày qua và với bão số 5 đã phát lệnh yêu cầu một số hồ TĐ (Hương Điền, Bình Điền), hồ thủy lợi (Tả Trạch) tiếp tục điều tiết nước. Một số tuyến đường trên địa bàn huyện Phong Điền bị ngập: Quốc lộ 49B qua các xã Phong Hòa, Phong Bình ngập 0,3 - 0,5m; một số tuyến đường liên thôn ngập sâu 0,3 - 0,4m; còn các tỉnh lộ, liên xã cũng ngập từ 0,3 - 0,6m.

Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã A Roàng (huyện A Lưới) SL nghiêm trọng tại Km392 (hướng đi Quảng Nam). Lượng lớn đất đá từ núi tràn xuống lấp đầy mặt đường, gây ách tắc GT. Các lực lượng, cơ quan chức năng đang phối hợp cảnh báo, khắc phục tình trạng SL, điều tiết bảo đảm an toàn GT; chuẩn bị phương tiện, máy móc, thiết bị để khắc phục, sửa chữa.

Để bảo đảm an toàn cho thầy cô và HS, trưa 18/10 Sở Giáo dục - Đào tạo (GD - ĐT) phát thông báo gửi các cơ sở giáo dục trên địa bàn cho HS nghỉ. Chủ tịch UBND tỉnh đã ký công điện khẩn yêu cầu các địa phương, cơ quan ban ngành, lực lượng chức năng và người dân khẩn trương triển khai các phương án PC, ứng phó với mưa lũ và bão số 5.

Tại Quảng Nam vẫn đang có mưa lớn nhiều ngày nay. Huyện Nam Trà My có nguy cơ SL nặng ở nhiều KV. Nhà ông Hồ Văn Vôn (ngụ thôn 2, xã Trà Linh) bị SL khiến đất đá tràn xuống, gây nhiều thiệt hại về TS. Xã Trà Linh đã huy động lực lượng tại chỗ di dời đồ đạc trong nhà và sơ tán người dân đến nơi an toàn. Công trình kè sân thể thao của NVH xã Trà Dơn, SVĐ xã Trà Dơn, một số cột điện trung thế bị hư hại, gãy đổ...

Tại Đà Nẵng, HS các cấp đã nghỉ đến ngày thứ 5 do mưa lớn liên tục, nước lũ dâng cao. Chính quyền các cấp, các ngành và người dân đang nỗ lực PC, khắc phục mưa lũ đồng thời ứng phó với áp thấp nhiệt đới đã thành bão số 5. Đợt mưa lũ vừa qua, thành phố này ngập rất sâu, gần đạt mức mưa lũ lịch sử của tháng 10/2022.

Lớp học đổ sập do sạt lở

Ngày 18/10, ông Ngô Tấn Lạc - Chủ tịch UBND xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam - cho biết, trên địa bàn xã xảy ra SL làm sập 1 phòng học thuộc điểm trường Tăk Cui (thôn 5).

Lớp học của điểm trường Tăk Cui đổ sập

Lớp học của điểm trường Tăk Cui đổ sập

"Dù trước đó xã đã phát hiện nguy cơ SL tại vị trí này và chủ động triển khai phương tiện máy móc giải quyết, nhưng do nền đất yếu, đất liên tục sạt trượt lượng lớn nên làm đổ tường, rất may sự việc xảy ra vào ban đêm nên không có giáo viên (GV), học sinh (HS) bên trong", ông Lạc nói và cho biết thêm, hiện xã đã chỉ đạo trường sắp xếp HS học bên dãy trường gỗ, an toàn hơn để ổn định học tập đồng thời bố trí lực lượng khắc phục, nghiêm cấm HS lại gần khu vực SL để tránh nguy hiểm. Bên cạnh đó, xã tiếp tục theo dõi các điểm trường Tong Pua, Lâng Loang (thôn 3) để bảo đảm an toàn cho GV, HS.

Tính đến ngày 18/10, huyện Nam Trà My chưa ghi nhận thiệt hại về người và sản xuất nông nghiệp cũng như dân sinh, nhưng nhiều cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng... Sạt lở cũng đe dọa an toàn tại điểm trường Tăk Ngo - Kon Pin (thôn 2, Trà Linh). Chính quyền huyện Nam Trà My đã chỉ đạo tạm thời di dời GV, HS đến điểm trường Tăk Ngo để tiếp tục dạy học. Ước tính thiệt hại do mưa lũ đến nay khoảng 670 triệu đồng.

TIÊU NGỌC

Hoàng Quân

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/mien-trung-mua-lon-lu-dang-hoc-sinh-nghi-nhieu-ngay_154137.html