Miền sương Tam Đảo

Tôi đến Tam Đảo cách đây 10 năm để thưởng thức không khí thanh mát, trốn cái nắng hè oi ả.

Còn lần này, là vào mùa xuân, khi những nụ đào cuối mùa sót lại ươm chúm chím. Rừng cây nhấp nhô. Thị trấn lọt thỏm giữa những màu xanh thanh mát của rừng. Bên này núi Mỏ Quạ sừng sững, bên kia Tam Đảo trập trùng trong mây.

Tác giả (bìa trái) và bạn bè bên một khóm đỗ quyên trong sương mù Tam Đảo. Ảnh: T.N.Đ

9 giờ sáng, đường lên Tam Đảo sương vẫn còn giăng mịt mờ. Băng qua những khúc cua, những điểm chuyển tiếp, khi những mảng xanh của rừng hiện ra với tươi mới lộc non và những đóa đỗ quyên rực rỡ là du khách đã chạm chân vào đất Tam Đảo. Được xem là loài hoa báo xuân, từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm, đỗ quyên rực rỡ khoe sắc. Với địa hình cao trên 1.300 m so với mực nước biển, Tam Đảo trở thành thiên đường của loài hoa được xem như biểu tượng của tình nghĩa vợ chồng thủy chung, may mắn này. Thích hợp với khí hậu lạnh nên càng lên cao, đỗ quyên càng thắm sắc. Tôi sà xuống quán cà phê ở lưng chừng dốc-nơi không ít bạn trẻ dừng lại, che chiếc ô trong suốt để chụp ảnh săn mây. Quán cà phê có gốc hoa hồng trên 50 tuổi. Từ trên cành đến dưới gốc, thảm hoa hồng rực rỡ trong sương sớm. Tôi chợt nghe bên mình quấn quýt hương hoa.

Quán cà phê Tam Đảo 1904 được dựng bên lưng lửng dốc. Du khách dừng lại ngắm mây, ngắm hoa và nâng niu ly cà phê ở lưng chừng đất trời. Dưới kia là vực thẳm, bên này là vách đá và hoa. Nhấp một ngụm cà phê Sơn La có vị ngọt nhẹ và hậu vị thanh mát. Vị ngọt thơm sánh ướp tinh hoa của đất trời. Hoa nở, mây dày, ngày thanh mát. Nói như các bạn trẻ, có điều gì còn có thể chill hơn.

Nhiều người bạn sống ở Vĩnh Phúc khi thấy tôi chụp ảnh cũng nói, thật là may mắn. Bởi lẽ, các bạn thường lên vào mùa hè, khi trời trong xanh quang đãng, hiếm khi thấy được mây mù dày đặc như thế. Bầu trời sùm sụp, ướp Tam Đảo giữa màn sương. Thật khó để có thể nhìn thấy nhau dù khoảng cách thật gần, trong khi tiếng nói chuyện bình thường nghe rất rõ. Sương bám trên tóc, đọng thành giọt trên chiếc khăn quàng cổ. Trên những con đường đá, sương đã bám lớp dày, trơn sườn sượt. Tôi nghe rõ tiếng nước ở đài phun, hỏi chị hướng dẫn viên, chị nói thác nước ở phía dưới, cách khoảng 10 m. Trong màn sương dày, đỗ quyên vẫn nở, sương làm ướt đẫm lá. Những quán cà phê nép mình vào sườn núi. Du khách xuýt xoa vì lạnh. Trên vỉa hè, từng sọt hạt dẻ rang chín vàng đượm mùi hương.

Ở Tam Đảo, tôi lại nhớ lần đến Sa Pa cách nay 20 năm. Lúc đó, Sa Pa cũng trập trùng trong sương, nhưng không dày như Tam Đảo. Dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Sa Pa, Tam Đảo cũng nóng lên từng năm. Vậy nên, thưởng lãm một ngày sương dày đặc, mờ ảo trở thành một điều may mắn đối với du khách đến từ miền nhiều nắng như tôi. Tương đồng về độ cao với nhiều vùng đất của Tây Nguyên, vậy mà giờ này, Tây Nguyên của tôi, trời cao xanh vời vợi để tiếng chiêng ngân mãi không tới; còn Tam Đảo, đất trời như chạm hẳn vào nhau.

Tôi bước từng bước đến từng bậc cầu thang lát đá để đi lên nhà thờ ngay trung tâm thị trấn. Từ những bước đầu tiên, du khách như chạm vào miền quá khứ hư ảo của rêu và thời gian chồng chồng, lớp lớp. Xây dựng từ năm 1906 và được giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay, nhà thờ đá là điểm nhấn cho khu du lịch Tam Đảo. Toàn bộ mặt ngoài của nhà thờ được lát đá. Những mảng rêu bám xanh trong sương tạo nên khung cảnh cổ kính cho nhà thờ. Những ô cửa kính sơn màu xanh đỏ theo mô hình của kiến trúc Gothic. Tháp chuông cao vút sừng sững bên cạnh cây hoa sứ cổ thụ trút lá sạch trơn. Vào ngày sương dày, tháp chuông, mái đổ, tường rêu, ô cửa vòm tạo cho nhà thờ nét cổ kính.

Tôi lang thang trong thị trấn giữa khung trời mịt mùng. Những chị, những mẹ chở từng xe, từng sọt ngọn su su. Đây được giới thiệu là món đặc sản của vùng đất này. Họ mời chào thân thiện, tận tình chỉ đường để du khách khỏi bỡ ngỡ khi lần đầu chạm đến miền sương. Trên quảng trường, những bụi đỗ quyên vẫn đơm hoa. Tôi bật điện thoại, bản tin báo nhiệt độ đang xuống dần. Chợt nghĩ, được chìm đắm vào không gian này cũng là mơ ước của bao người, nhất là những ai mê du lịch.

Vào ngày sương dày, tháp chuông, mái đổ, tường rêu, ô cửa vòm tạo cho nhà thờ nét cổ kính. Ảnh: Tạ Ngọc Điệp

Gần trưa, mùi của đồ nướng ăn trong ngày mưa sương giá rét mới hấp dẫn làm sao. Từ dưới đường, khói đã bốc lên, mùi thơm, cay nồng đã sà đến phập phồng bên cánh mũi. Chọn quán ven đường, nhấp chén rượu cay kèm xiên thịt nướng chấm vào muối ớt, mắc khén, tiêu cay nồng… phía ngoài kia, sương vẫn giăng và phố đã thưa người đi lại.

Sau vài giờ lang thang, máy ảnh lạch tạch cả trăm tấm. Đợi trời hửng nắng để xuống cầu Mây, nơi được giới ham mê chụp ảnh ví là “sống ảo từ trong não”, với những bức ảnh bồng bềnh, hư ảo. Nhưng thật bất ngờ, trời càng ngày càng cứ mịt mùng. Dừng chân ở cầu thì mây tứ phía cứ thế ập đến. Xung quanh, trời tối mịt mùng, lại gần lắm mới thấy những ngọn cây chĩa thẳng lên trời, trơ trụi lá.

Xe từ từ chầm chậm trở về. Cũng chỉ 30 phút thôi mà khung cảnh thoắt trở nên khác biệt. Tầm nhìn và bầu trời bắt đầu hiện ra rõ rệt hơn. Phía chân trời, khoảng không mênh mông, tầm nhìn thoáng đạt của bầu trời trong ngày đầy nắng. Một ngày, tôi ướp tâm mình ở xứ bập bùng sương sao mà thanh mát quá. Đầu tóc được hong khô, chiếc khăn bắt đầu bay phấp phới. Ngoảnh mặt lại phía sau, ngước nhìn lên phía mình vừa xuống, ban chiều, vẫn bập bùng sương. Tam Đảo đã giấu mình ở đâu đó.

Ngày nay, không khó để có thể dịch chuyển và tìm kiếm những bức ảnh đẹp ở các miền đất hư ảo như Tam Đảo. Vậy nhưng, như lời của cô bạn đồng hành của tôi, thật khó để internet có thể chuyển tải được cảm xúc của chúng ta lúc này. Chúng tôi cứ lang thang dưới những vầng mây, cười đùa như trẻ nhỏ, vô tư, kể cho nhau những câu chuyện vui rồi cứ thế mà cười phá lên như xua tan cái tĩnh mịch của đất trời và làm rung rinh màn sương dày đặc của một ngày thật đặc biệt-ngày Tam Đảo mù sương.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/mien-suong-tam-dao-post271876.html