'Miền đất hứa' cho xe điện

Cùng những nỗ lực bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu hiện nay, việc mở rộng sử dụng xe điện trong các nước khu vực ASEAN dự báo tiếp tục tăng.

Các quốc gia ASEAN đang tích cực chuyển đổi sang sử dụng xe điện. Ảnh minh họa. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Theo phân tích của ngân hàng Maybank Investment Bank (Malaysia), việc sử dụng xe điện (EV) trong khu vực ASEAN sẽ tiếp tục tăng nhờ các quy định thuận lợi. Các nước trong khối có nhu cầu xe điện đáng kể và các cơ sở sản xuất ô tô lớn. Thêm vào đó, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang đưa ra các mẫu xe mới với giá thấp.

Trong báo cáo được công bố ngày 12/4, Maybank IB cho biết các thị trường ở khu vực ASEAN đã báo cáo doanh số bán ô tô chạy hoàn toàn bằng điện (FE) tăng gấp bốn lần so với năm 2022 lên 141.095 chiếc, trong đó nhóm nước dẫn đầu là Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Malaysia.

“Khi có nhiều mẫu xe điện giá rẻ được đưa ra thị trường vào năm 2024 và 2025, chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ sử dụng xe điện ở ASEAN sẽ tăng hơn nữa. Một động lực khác giúp làm tăng triển vọng xe điện trong khu vực sẽ là trợ cấp trực tiếp cho người mua và bổ sung các điểm sạc pin”, Maybank IB cho biết.

Theo ngân hàng này, việc đẩy mạnh các quy định và giá xe điện rẻ hơn là yếu tố kích thích người dân sử dụng xe điện.

Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2023, Indonesia đã nỗ lực thúc đẩy một khu vực kinh tế toàn diện và bền vững hơn. Một ưu tiên nổi bật trong sứ mệnh này là điện khí hóa giao thông vận tải và sử dụng năng lượng tái tạo, với tầm nhìn đưa ASEAN dẫn đầu toàn cầu về phát triển xe điện.

Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah đích thân lái xe điện đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân trong chuyến thăm chính thức Brunei, tháng 2/2023. (Ảnh: Dương Giang)

Giảm phát thải khí nhà kính

Ngày 10/5/2023, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42, diễn ra tại thị trấn Labuan Bajo thuộc tỉnh Đông Nusa Tenggara của Indonesia, đã thông qua Tuyên bố của các nhà lãnh đạo về phát triển Hệ sinh thái xe điện của khu vực.

Tuyên bố nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc sử dụng xe điện như một phần trong nỗ lực của ASEAN nhằm giảm phát thải khí nhà kính, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, khử carbon trong giao thông đường bộ, đạt mục tiêu trung hòa carbon, cải thiện an ninh năng lượng ở từng nước và trong toàn khu vực.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho rằng, ASEAN có thể trở thành “người chơi lớn” trong mảng xe điện toàn cầu, nhờ những tiềm năng vượt trội trong lĩnh vực này và quy mô thị trường ước tính đạt 2,7 tỷ USD vào năm 2027.

Ngày 2/9/2023, phát biểu tại Diễn đàn khí hậu ASEAN 2023, Bộ trưởng Điều phối kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto khẳng định: “Sự phát triển của xe điện có vai trò to lớn trong bảo đảm môi trường bền vững, từ giảm phát thải khí nhà kính, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, khử carbon trong lĩnh vực vận tải đường bộ, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0, đến tăng cường an ninh năng lượng trong ASEAN”.

Trong khi vận tải đường bộ là nguyên nhân chính gây ô nhiễm và phát thải carbon, xe điện mang lại một giải pháp làm giảm đáng kể những tác động này. Sự phát triển của xe điện là công cụ giúp đạt được các mục tiêu không phát thải do các nước ASEAN đặt ra. Bằng cách phát triển sản xuất xe điện trong nước và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu dầu, ASEAN có thể tăng cường an ninh năng lượng của khu vực.

Hợp tác phát triển hệ sinh thái xe điện khu vực bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng và trạm sạc, tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi nhằm thu hút đầu tư, tối ưu hóa sản xuất, sử dụng nguyên vật liệu và tài nguyên bền vững để nâng cao giá trị gia tăng của chuỗi cung ứng xe điện, cũng như thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo ở các nước ASEAN.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Tham Siew Yean thuộc Đại học Quốc gia Malaysia, Đông Nam Á đang chạy đua để gia tăng nhu cầu và quy mô sản xuất xe điện. Xe điện không chỉ được coi là một phần của giải pháp giảm lượng khí thải carbon, mà còn là cách thúc đẩy đầu tư mới, mang tới nhiều việc làm hơn.

Chuyển đổi sang xe điện cũng giúp phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn và đẩy nhanh tiến bộ công nghệ. Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đang là các quốc gia dẫn đầu khu vực trong xu hướng hội nhập về xe điện. Nhà sản xuất xe điện Hyundai có nhà máy cách Jakarta (Indonesia) khoảng 40km, trong khi Volvo đang lắp ráp xe plug-in hybrid (còn gọi là xe lai sạc điện, là loại xe được trang bị cả động cơ điện và động cơ đốt trong) tại Malaysia. Hãng Mercedes Benz đang lắp ráp loại phương tiện này tại Thái Lan, trong khi nhà sản xuất Vinfast đang dẫn đầu lĩnh vực sản xuất mặt hàng này tại Việt Nam, quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á có nhà sản xuất trong nước.

Dây chuyển sản xuất xe điện ở Việt Nam. (Nguồn: Vinfast)

Cơ hội cho Việt Nam

Ngay sau khi ASEAN nhất trí phát triển Hệ sinh thái xe điện, báo chí quốc tế đã có những phân tích đánh giá tiềm năng của các nước thành viên, trong đó, Việt Nam được coi là quốc gia có nhiều tiềm năng trong lĩnh vực này.

Theo The Diplomat (Mỹ), một trong những ngành kinh tế đang phát triển của Việt Nam là ngành công nghiệp xe điện. Vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong sản xuất và tiêu thụ xe điện sẽ sớm đưa đất nước hình chữ S trở thành một trong những thị trường năng động nhất thế giới.

Đánh giá về tiềm năng phát triển hệ sinh thái xe điện của Việt Nam, báo Jakarta Post (Indonesia) cho rằng, Việt Nam đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng với kế hoạch sản xuất 600.000 ô tô điện và 2,45 triệu xe máy điện hàng năm vào năm 2030. Những mục tiêu này có thể giúp giảm tới 3,8 triệu tấn khí thải carbon, đóng góp đáng kể cho các nỗ lực môi trường của ASEAN.

Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN 2023, ông Arsjad Rasjid nhận định: “Việt Nam có nhiều tiềm năng xây dựng chuỗi cung ứng. Việt Nam là một nước sản xuất và đã xuất khẩu xe điện sang Mỹ. Các nước như Indonesia hay Malaysia cũng đang là thị trường tiềm năng. Bên cạnh đó, Indonesia và Philippines nắm giữ từ 33 đến 40% trữ lượng quặng niken của thế giới, cơ sở vững chắc cho việc vươn lên dẫn đầu về chuỗi cung ứng xe điện và pin ở khu vực thậm chí trên toàn cầu”.

Tập đoàn Vingroup, công ty mẹ của xe điện Vinfast, đang đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển pin. Trung tâm Nghiên cứu và công nghệ ô tô Trung Quốc đang thành lập văn phòng khu vực tại Thái Lan.

Cần lưu ý, việc chuyển đổi sang xe điện phải đi kèm với việc chuyển sang sử dụng lưới điện “sạch hơn” (dùng năng lượng tái tạo). Nhiên liệu hóa thạch hiện nay vẫn là nguồn cung cấp điện chính cho Thái Lan, Indonesia và Malaysia, chiếm ít nhất 80% sản lượng điện.

Các quốc gia Đông Nam Á muốn sớm chuyển đổi các phương tiện giao thông, từ xe động cơ đốt trong sang xe điện. Với các chính sách được áp dụng nhằm khuyến khích quá trình chuyển đổi này, lĩnh vực xe điện đang đứng trước những thay đổi quan trọng, bao gồm cả việc chuyển hướng sang sản xuất và lắp ráp trong nước. Điều quan trọng là mỗi quốc gia phải tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo để có thể hưởng lợi từ việc sử dụng xe điện.

HOÀNG TRUNG HIẾU

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/mien-dat-hua-cho-xe-dien-268176.html