Messi: Một bước vào ngôi đền huyền thoại

Argentina và Messi đã trả sòng phẳng món nợ 0-3 trước Croatia trên đất Nga 4 năm trước, nhưng lần này không phải vòng bảng mà là chiến thắng mở toang cánh cửa vào trận chung kết World Cup 2022.

Cặp 9-10 Maradona - Valdano mới của Argentina

Dù cho rằng bàn thua đầu tiên từ quả penalty là “sự ngu ngốc” của trọng tài nhưng báo chí Croatia phải tâm phục khẩu phục thừa nhận: “Argentina xứng đáng thắng vì chơi hay hơn. Chúng ta không thể chống lại Messi!”. Cầu thủ xuất sắc nhất World Cup 4 năm trước Luka Modric cũng chúc mừng đối thủ: “Tôi hy vọng Messi sẽ vô địch lần này, anh ấy đã chứng tỏ vô cùng xứng đáng là cầu thủ hay nhất trong lịch sử”.

Argentina và Messi đang đi đúng hành trình của một nhà vô địch, càng vào sâu càng hay, càng hoàn thiện. Không như đại diện Nam Mỹ số 1 thế giới Brasil sau 20 năm vẫn loay hoay về phong cách samba trong “bóng đá phẳng”, trước Croatia sáng qua là một Argentina… Âu hóa có Messi. Chơi với 2 tiền vệ thu hồi, phòng ngự, chỉ kiểm soát bóng 39%, phạm lỗi gấp đôi và tung ra 9 pha dứt điểm (so với 12 của đối phương) nhưng có 3 bàn thắng. Quả phạt đền mở tỷ số của Messi đến từ công thức sức mạnh, tốc độ: một đường phóng dài vượt tuyến điển hình buộc thủ môn phải phạm lỗi với Alvarez. Bàn nhân đôi cách biệt lại là sự pha trộn, kết hợp: từ tình huống phản công, chuyển đổi trạng thái rất nhanh, nhận bóng từ Messi, Alvarez có pha solo từ vòng tròn giữa sân đến tận vùng cấm đối phương, qua 3 chiếc áo xanh Croatia và cả thủ môn. Còn bàn ấn định tỷ số là tuyệt kỹ của sự ngẫu hứng, kỹ thuật cá nhân thượng thừa mang thương hiệu Nam Mỹ và La Pulga. Dốc bóng từ cánh phải, bằng hàng loạt động tác chớp, nhá, ngoặt, Messi liên tục vờn bóng như có dây buộc vào chân và vờn người loại bỏ trung vệ Gvardiol, xâm nhập vùng 5,5m chuyền vào.

Dù tất cả công việc để hoàn tất cú đúp của Alvarez chỉ là đặt dấu chấm trên chữ I nhưng sau rất nhiều năm tango mới tìm được một “bạn nhảy” ăn ý với Messi như vậy. Mexico 1986, với “bàn tay của Chúa” cùng những màn trình diễn thiên tài, “cậu bé vàng” Maradona đưa Albiceleste lên đỉnh vinh quang, nhưng Argentina ngày ấy còn có Jorge Valdano. 4 năm sau đó, Italia 1990 dù gần như một mình Maradona “cõng” đội tuyển xanh trắng vào chung kết (thua Đức 0-1 bởi quả penalty) thì vẫn có Caniggia làm nên cặp bài trùng. Cũng như Maradona - Valdano 36 năm trước, tại World Cup 2022, Alvarez đã có 4 pha lập công, chỉ kém Messi 1 bàn, dù chỉ được đá chính từ trận gặp Ba Lan ở lượt cuối vòng bảng (thay Lautaro Martinez). Càng thú vị khi cặp số 9-10 hoàn hảo mới của Argentina chênh nhau đến 13 tuổi và trong phòng của Alvarez hiện vẫn còn giữ bức ảnh được chụp chung với Messi hơn 10 năm trước: “Tôi không thể tin được có ngày được chơi bên cạnh thần tượng vĩ đại của mình. Chúng tôi sẽ cùng nhau tiến xa hơn nữa”.

Lần thứ 2 đưa Argentina vào chung kết và cũng là kỳ World Cup cuối cùng trong sự nghiệp, ở tuổi 35, Messi lập hàng loạt kỷ lục: có số lần ra sân nhiều nhất trong lịch sử (với trận chung kết chắc chắn sẽ phá kỷ lục 25 trận của cựu thủ quân tuyển Đức Lothar Matthaus), là chân sút Argentina số 1 (11 bàn ở 5 kỳ World Cup, hơn Batistuta 1 bàn), kiến tạo nhiều nhất (8 pha, ngang với Maradona nhưng là người đầu tiên cùng ghi bàn và kiến tạo trong 4 trận khác nhau). Tuy nhiên, điều duy nhất còn thiếu để thiên tài đã sở hữu 4 chiếc Cúp UEFA Champions League, 10 chức vô địch La Liga, 1 chức vô địch Ligue 1, 1 chức vô địch Copa America cùng cả thảy 36 danh hiệu cá nhân này, bước vào ngôi đền bóng đá cùng những huyền thoại: “Vua” Pele, “Hoàng đế” Beckenbauer, “Cậu bé vàng” Maradona, “người ngoài hành tinh” Ronaldo (béo)… là chức vô địch World Cup. Sự khát khao “lưu danh thiên cổ” cháy bỏng ấy khiến tại Qatar người ta đang chứng kiến một Messi rất khác. Chỉ còn cách đúng 1 bước chân, đêm chủ nhật này hoặc mãi mãi chẳng bao giờ.

Đông Kha

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/thethao/202212/messi-mot-buoc-vao-ngoi-den-huyen-thoai-3149017/