Mẹ nữ game thủ eSports: 'Không hiểu nhưng ủng hộ con gái chơi game'

Trận đấu chung kết eSports LMHT: Tốc Chiến nữ ở SEA Games là lần đầu cô Ngọc Tuyết đến xem con gái thi đấu. Người mẹ xin nghỉ làm cả ngày để đến cổ vũ cho con.

Ngày 18/5, bộ môn eSports tại SEA Games, nội dung LMHT: Tốc Chiến nữ bước vào ngày thi đấu chung kết với sự góp mặt của 4 đội tuyển: Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Philippines.

Có mặt tại hàng ghế khán giả từ sớm trong trang phục áo cờ đỏ sao vàng, cô Đoàn Thị Ngọc Tuyết (sinh năm 1964) chuẩn bị sẵn bó hoa hồng tươi.

Chờ đội tuyển nữ Việt Nam kết thúc phần tranh tài, cô sẽ dành tặng món quà này cho cô con gái út trong nhà - game thủ Lương Khánh Hòa (sinh năm 2000) với biệt danh là Mie.

Cô Tuyết dành cả ngày đến xem con gái đánh giải. Ảnh: Hà Nam.

Cô Tuyết dành cả ngày đến xem con gái đánh giải. Ảnh: Hà Nam.

Đến ngày thi đấu cuối cùng của con gái, người mẹ cùng con trai lớn và một số bạn bè khác mới sắp xếp được thời gian đến cổ vũ trực tiếp.

“Tôi xem game không hiểu chút nào, chỉ thấy mừng mỗi lần bình luận viên gọi tên Mie hoặc hình ảnh con xuất hiện trên màn hình”, cô Tuyết nói với Zing.

Lần đầu tiên xem con thi đấu

Vì công việc bận rộn, trước giờ cô Tuyết chưa từng đến xem Mie đánh giải. Biết tin con vào đến chung kết, cô quyết định nghỉ làm một ngày để có mặt ở nơi diễn ra trận đấu.

“Ngày đầu tiên, tôi không đến được, chỉ theo dõi từ xa qua đường link livestream con gửi về. Kết thúc mỗi trận, mẹ lại gửi tin nhắn động viên con. Ở nhà, mình chỉ nhìn vào màn hình, nghe bình luận, không khí khác xa so với lúc đến trực tiếp, có khán giả hai bên cùng hô hào nên cá nhân mình thấy có phần áp lực, tâm lý hơn”, cô nói.

 Nữ tuyển thủ có vóc dáng nhỏ nhắn của đội LMHT: Tốc chiến nữ của Việt Nam. Ảnh: Hà Nam.

Nữ tuyển thủ có vóc dáng nhỏ nhắn của đội LMHT: Tốc chiến nữ của Việt Nam. Ảnh: Hà Nam.

Trong mắt mẹ, Mie có vóc dáng nhỏ con, hay bị nhầm là học sinh cấp 3 nhưng là người có cá tính, biết tự chăm lo cho bản thân.

Ngày đầu, thấy con gái dành nhiều thời gian chơi game, cô Tuyết cho biết mình không ủng hộ, nhưng cũng không phản đối.

“Khi chồng không đồng ý việc chơi game và nặng lời với con gái, tôi khuyên nhủ chồng cần tìm hiểu, suy nghĩ kỹ về sở thích của con trước khi cấm cản”.

Đến khi nhận tin con cùng các đồng đội đại diện cho chủ nhà tranh tài ở SEA Games lần này, người mẹ lộ rõ sự tự hào.

"Tôi động viên Mie cố gắng hết mức trong khả năng của mình, nhớ giữ gìn sức khỏe để đem về thành tích cao nhất. Ai nói gì không tốt về việc chơi game cũng mặc kệ, chỉ cần tập trung vào màn đấu của mình", cô kể.

 Mie bên mẹ vào ngày sinh nhật của cô Tuyết cách đây 2 năm. Ảnh: NVCC.

Mie bên mẹ vào ngày sinh nhật của cô Tuyết cách đây 2 năm. Ảnh: NVCC.

Ngồi bên cạnh, Lê Huy Dũng (sinh năm 1997) - anh trai của Mie - cho biết mình cũng xin nghỉ làm nửa ngày để theo mẹ đến xem em gái thi đấu.

“Khi môn game này được phát hành ở Việt Nam, mình là người rủ Mie chơi cùng. Hai anh em cũng thường so tài với nhau ở nhiều game khác nhau”, Dũng kể.

“Mie đã rất cố gắng, thỉnh thoảng có chút lỗi song em ấy đã làm tốt những gì cần làm trong ván đấu. Kết quả chung cuộc còn phụ thuộc vào các yếu tố khác vì đây không phải trò chỉ có một người thi đấu”, Dũng đánh giá sau khi theo dõi các trận đấu của em gái.

"Không cần quan trọng đem về huy chương"

Mang theo chú linh vật sao la mua từ đêm khai mạc SEA Games, cô Đỗ Bạch Dương (sinh năm 1970) và mẹ là bà Phạm Thị Ái Liên tranh thủ ngồi trò chuyện trong lúc hai đội Việt Nam - Singapore nghỉ giữa giờ.

Chia sẻ với Zing, cô Dương cho biết người con gái tên Quyên của mình đang đảm nhận vị trí quản lý cho tuyển nữ của Việt Nam ở bộ môn này. Bản thân Quyên cũng thích chơi game từ ngày còn là học sinh, sinh viên.

Cô Dương và bà Liên chụp ảnh kỷ niệm cùng tuyển nữ tốc chiến Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Cô Dương và bà Liên chụp ảnh kỷ niệm cùng tuyển nữ tốc chiến Việt Nam. Ảnh: NVCC.

“Trước kia, thấy con mình mải mê chơi game, mình không thích nhưng cũng không cấm cản. Sau này, khi có thêm thông tin về eSports, mình dần có cái nhìn thiện cảm và tích cực hơn về bộ môn này”, cô Dương cho hay.

Cả cô Dương và bà Liên đều không hiểu gì về các nhân vật, cách thức chơi. Họ theo dõi tỷ số hiện trên màn hình để biết lợi thế đang nghiêng về đội nào và đến cổ vũ tinh thần cho cả đội là chính.

“Tôi không am hiểu về bộ môn này nhưng hiểu được các cháu chơi tập trung, nghiêm túc. Thể thao điện tử mới được đưa vào SEA Games chưa lâu, tôi hy vọng các cháu sẽ gặt hái được huy chương, không cần quan trọng HCV hay HCĐ”, bà Liên bày tỏ.

“Tuần trước, đội nữ gặp sự cố, chưa nhận được phòng khách sạn. Tôi và bà đã đón 7 thành viên về nhà, cùng nấu nướng, ăn uống trước khi các cháu quay lại nơi tập trung. Mình coi cả đội như con, cháu trong nhà, còn mua thêm hoa loa kèn về tặng cho từng người và chúc may mắn”, cô Dương kể.

Bản thân thích chơi thể thao, hai mẹ con đã đến xem trực tiếp nhiều trận đấu ở các môn khác nhau ở SEA Games như thể dục dụng cụ, bơi, wushu... để cổ vũ cho những thành viên khác của đội tuyển Việt Nam.

Trà My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/me-nu-game-thu-esports-khong-hieu-nhung-ung-ho-con-gai-choi-game-post1318393.html