Mê mẩn vẻ đẹp của cây sanh dáng 'lão', 'suối tiên' ở Nam Định

Dáng 'lão', 'cổng suối tiên dáng bay' là những tạo hình độc đáo cho cây sanh từ người chơi cây cảnh ở Nam Định, ai nhìn thấy cũng phải trầm trồ.

Thời gian vừa qua, cây sanh trước cửa một tiệm vàng tại xã Hải Phú, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định được nhiều người tìm tới chiêm ngưỡng, chụp ảnh, chia sẻ trên mạng xã hội vì có kích cỡ lớn, hình dáng độc đáo, lá mọc kín từ gốc tới ngọn.

Theo tìm hiểu, cây sanh được trồng ngay trước cửa tiệm bán vàng của gia đình ông Đoàn Văn Tuyến và bà Lưu Thị Huế. Cây sanh được trồng từ hơn 40 năm trước, bởi cụ Lưu Văn Chúc, bố bà Huế. Khoảng 30 năm nay, ông Tuyến là người trực tiếp chăm sóc, tạo hình, uốn cành lá cho cây.

Cây sanh có nhiều tán lá rậm rạp, tươi tốt. Trong phong thủy, cây sanh được cho là mang lại tài lộc và may mắn cho gia chủ. Không những thế, cây sanh còn mang ý nghĩa tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở và sự hòa thuận của các thành viên trong gia đình.

Cây sanh có hơn 35 tán tròn, tán lớn nhất có đường kính hơn 1m. Chiều cao của cây khoảng 5m, phủ rộng hơn 6m.

Ông Tuyến cho biết, cây sanh này được uốn theo dáng ‘lão’. Các tán cây sanh được tạo theo kiểu tầng lớp, xen kẽ.

Nhìn từ trên cao xuống, tổng thể tán cây sanh có hình dáng như nón lá úp, trông đẹp mắt.

Cây sanh do ông Lưu Văn Chúc (bố vợ ông Tuyến) trồng cách đây hơn 40 năm và được uốn cành, tạo tán khoảng 30 năm nay.

Hàng ngày, vợ chồng ông Tuyến thay nhau tưới cây. Khoảng 2 tháng, ông lại tỉa cây một lần và mỗi lần mất 2 ngày.

Điểm đặc biệt của cây sanh này là lá mọc chi chít từ gốc đến ngọn, che kín thân, cành, tạo màu xanh mướt. Theo chia sẻ của chủ nhà, trước đây cây sanh này còn cao hơn, do làm đường nên phần thân cây đã bị cắt đi 1 phần.

Cũng tại huyện Hải Hậu, chiếc cổng nhà được uốn bởi cây sanh của gia đình ông Trần Văn Việt (56 tuổi, ở xóm 10, xã Hải Châu) được đông đảo người dân quan tâm.

Theo ông Việt đây là cổng "suối tiên dáng bay", tạo hình bởi 4 cây sanh với chiều cao khoảng 6m, chiều ngang 10m.

Hai tầng mái được ông Việt khéo léo tạo các đường nét uốn lượn, thanh thoát và mềm mại. Để có được chiếc cổng bằng cây sanh như bây giờ, ông Việt chia sẻ: "Tôi phải chọn lọc giống cây để có gốc khỏe, thường tôi ưu tiên chọn sanh Nam Điền.

Tôi bắt tay vào trồng cây này từ năm 2008. Đến nay, cũng gần 20 năm nhưng vẫn cần vài tháng nữa để uốn được ngôi sao trên cổng vào khung mới được cổng hoàn chỉnh".

Theo ông Việt, để tạo dáng cho cây, giai đoạn khó nhất là ép nhánh, tán vào khung. Sau dần, việc tạo hình dễ hơn. "Ngoài chăm bón cho cây, tôi còn tự tay cắt tỉa mỗi khi cây ra tán rậm bằng máy cắt chuyên dụng, định kỳ 1 - 2 tháng/lần. Những vị trí cao tôi bắc giàn giáo cho tiện trong quá trình làm việc", ông Việt nói.

Được trồng từ năm 2008, cổng "suối tiên dáng bay" của ông Trần Văn Việt được uốn bởi 4 cây sanh với chiều cao khoảng 6m, chiều ngang 10m.

Hai tầng mái được ông Việt khéo léo tạo các đường nét uốn lượn, thanh thoát và mềm mại.

Dù đã được uốn 16 năm, nhưng tác phẩm cây sanh của ông Việt vẫn chưa hoàn chỉnh. “Vẫn cần vài tháng nữa để tôi uốn được ngôi sao trên cổng thì tác phẩm mới hoàn thành”, ông Việt nói.

Trọng Tùng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/me-man-ve-dep-cua-cay-sanh-dang-lao-suoi-tien-o-nam-dinh-2268306.html