Mẹ già nhặt ve chai nuôi hai con bị bệnh

Tấm lưng bà Trần Thị Thương (sinh năm 1957), trú tại Khu phố 10, Phường 5, TP. Đông Hà ngày càng còng sâu, như một dấu hỏi giữa cuộc đời. Nhiều năm nay, dù mưa hay nắng, khỏe hay mệt, cứ mờ sáng, bà Thương lại rời căn nhà nhỏ, đi nhặt ve chai, đồng nát để lo cho hai người con 'có lớn nhưng không có khôn'.

Bà Trần Thị Thương chuẩn bị cơm nước trước giờ đi nhặt ve chai, đồng nát - Ảnh: T.L

Vợ chồng bà Thương về sống dưới một mái nhà với hai bàn tay trắng. Cuộc sống khó khăn càng vất vả khi những người con ra đời. Từ lúc sinh ra, con bà Thương đã không được khỏe mạnh. Dẫu tuổi ngày càng lớn nhưng nhận thức của cả hai vẫn như đứa trẻ. Hai người chỉ quẩn quanh trong căn nhà nhỏ, không thể đỡ đần ba mẹ việc gì.

Sau khi chồng mất, gánh nặng gia đình đặt trọn trên vai bà Thương. Để lo cho con, bà phải đi làm thuê khắp nơi. Thế nhưng, thấy bà hay ốm đau, già yếu, không ai đủ tự tin để thuê người phụ nữ nghèo khó này lâu dài. Cuối cùng, bà Thương phải chọn kiếm sống bằng nghề ve chai, đồng nát. Hằng ngày, bà đi khắp các đường phố, con hẻm. Mỗi lần nhặt được mớ lon ai đó vất vào sọt rác, bà mừng như thấy... vàng. Hôm ấy, bữa cơm của ba mẹ con lại có thêm một món.

Công việc nhặt ve chai, đồng nát tưởng đơn giản nhưng lại lấy đi nhiều sức khỏe của bà Thương. Có những lần, bà bị ốm nặng. Nằm trên giường, nghe con kêu đói, nước mắt bà Thương chảy thành dòng.

Từ lời khuyên của một số người, bà Thương thử bày vẽ, rồi vận động cho con trai là Nguyễn Văn Lợi đi làm thuê. Thế nhưng, ba lần rời nhà là ba lần anh trở về với những vết thương nặng trên cơ thể. Mới đây nhất, khi ra Quảng Bình làm phụ thợ, anh Lợi bị tai nạn lao động. Hiện tại, mọi sinh hoạt của anh đều đóng khung trên chiếc giường.

Không còn cách nào khác, dù sức khỏe yếu, bà Thương vẫn phải trở lại với nghề ve chai, đồng nát. Nhiều hôm, dù cảm thấy không còn tí sức lực nào, bà cũng cố rời khỏi căn nhà nhỏ, đi kiếm những thứ mà người ta không còn cần dùng tới.

Bà nhận thức sâu sắc, nếu việc này dừng lại thì ba mẹ con sẽ bị đứt bữa. Tuy đau ốm liên miên là vậy nhưng bà Thương không dám đến bệnh viện. Bà hiểu, nếu khám ra bệnh thì mình cũng không có tiền để thuốc men, chạy chữa.

Đến thăm nhà bà Thương trong cái nắng cuối ngày, người mẹ già vừa trở về sau một buổi nhặt ve chai, đồng nát với gương mặt sạm đen. Bà Thương chia sẻ, dù đi đâu, bản thân cũng phải cố thu xếp để về nhà, lo bữa ăn cho hai người con. Vắng bóng mẹ, nhiều khi cơm nước đã bày sẵn nhưng các con bà vẫn cứ thấp thỏm chờ, bấm bụng chịu đói. Từ sâu thẳm, bà Thương chỉ ước sao hai người con sẽ vượt qua bệnh tật, trưởng thành hơn trong suy nghĩ, nhận thức. Thế nhưng, mơ ước vẫn mãi là ước mơ.

Tây Long

Mọi sự ủng hộ bà Trần Thị Thương xin gửi đến Báo Quảng Tri, 311 Hùng Vương - thành phố Đông Hà (ĐT: 0919001317) hoặc chuyển vào tài khoản: Báo Quảng Trị, số TK: 0771000000456tại NHTMCP Ngoại thương Việt Nam-Chi nhánh Quảng Trị hoặc gửi trực tiếp về gia đình theo địa chỉ: Bà Trần Thị Thương, Khu phố 10, Phường 5, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/me-gia-nhat-ve-chai-nuoi-hai-con-bi-benh/182102.htm