Mẹ chồng đọc 4 quy tắc gia đình chỉ dành riêng cho con dâu khiến cô ngã ngửa, sốc nhất là thái độ của chồng

Sau khi mẹ chú rể nói xong, các khách mời bắt đầu nghị luận, cô dâu cũng sửng sốt, dùng ánh mắt khó tin nhìn chú rể.

Theo truyền thông Trung Quốc, cô gái trẻ Uông Thiến lớn lên trong gia đình cha mẹ ly hôn nên cô gặp thất bại trong nhiều cuộc hẹn hò xem mắt. Độc thân đến năm 28 tuổi thì Uông Thiến gặp được Từ Phong, một người đàn ông yêu thương, chấp nhận mọi thứ của cô.

Khi tính chuyện kết hôn, họ mới ra mắt nhà trai. Mẹ Từ Phong tỏ ra rất nghiêm khắc và truyền thống. Bà nói với Uông Thiến rằng gia đình mua một ngôi nhà mới cho vợ chồng con trai ở đó nhưng vẫn đứng tên ông bà. Tuy nhiên, nhà gái phải trả tiền làm nội thất, nếu không sẽ không nhận được sính lễ.

Nghe yêu cầu quá đáng của mẹ chồng tương lai, Uông Thiến đau lòng chấp nhận không nhận sính lễ vì không đủ tiền sắm sửa nội thất.

Thế nhưng, mọi việc chưa dừng lại ở đó. Đúng ngày cưới, mẹ Từ Phong đã làm một việc khiến Uông Thiến không thể chịu nổi và ngay lập tức bùng nổ.

Mẹ chồng đọc 4 điều con dâu phải làm sau khi lấy chồng khiến cô dâu bùng nổ hủy đám cưới. Ảnh minh họa: shutterstock

Trong hôn lễ, bà lấy ra bài phát biểu đã chuẩn bị sẵn và đọc to: "Hôm nay con trai lấy vợ, tôi rất vui, để cuộc hôn nhân của con trai tôi sau này hạnh phúc và tốt đẹp hơn, đây là một số yêu cầu đối với cô dâu. Đây cũng là quy tắc gia đình của chúng tôi.

1. Con dâu phải làm tất cả các công việc nhà.

2. Chăm sóc bố mẹ chồng thật tốt, nghe lời bố mẹ chồng.

3. Mọi việc trong nhà đều do chồng làm chủ, không xen vào việc của chồng.

4. Tiền lương nên giao cho mẹ chồng, mẹ chồng sẽ tiết kiệm cho hai vợ chồng và chu cấp cho con dâu, con trai tiền sinh hoạt hàng tháng".

Sau khi mẹ chú rể nói xong, các khách mời bắt đầu bàn tán còn cô dâu Uông Thiến thì không khỏi sửng sốt. Đáng nói, lúc này chú rể Từ Phong lại có biểu hiện đương nhiên phải như vậy. Anh không lên tiếng bênh vực Uông Thiến, cũng không có hành động nào để kéo cô dâu trở lại buổi lễ.

Trước tình huống này, Uông Thiến cực kỳ thất vọng, cô lặng lẽ tháo nhẫn cưới và giật mic nói: "Tôi rất muốn kết hôn nhưng tôi không phải người hèn mọn. Quy tắc của gia đình này khiến tôi mất tự do trong sinh hoạt cũng như tự do tài chính. Tôi thực sự không hiểu kết hôn như này thì có ý nghĩa gì. Nếu kết hôn là thế này, tôi không kết hôn nữa cũng được".

Nói xong, Uông Thiến liền tiến lên khán đài kéo mẹ đẻ rời khỏi hôn lễ, cô không hối hận về quyết định của mình, bởi nếu thật sự kết hôn, cô sẽ thực sự bước chân vào địa ngục.

Những vị khách có mặt tại đám cưới cũng nhất trí về hành động của cô dâu. Một vị khách cho rằng mẹ chú rể có hành vi quá đáng khi đưa ra gia quy ngay trong đám cưới vì nghĩ rằng mọi việc đã rồi, cô dâu không dám phản kháng.

"Tôi ủng hộ hành động của cô dâu. Thà đau một lần còn hơn đau khổ mãi về sau", người này nói.

Một người khác nói: "Thời đại nào rồi mà vẫn đưa ra những quy tắc nghiêm ngặt như vậy. Làm dâu kiểu này thà độc thân còn hơn".

Mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, làm sao để hòa hợp?

Quan hệ mẹ chồng, nàng dâu không chỉ được đưa vào thơ ca, tục ngữ mà trong thời gian qua còn trở thành đề tài của nhiều bộ phim truyền hình. Những bộ phim về đề tài này luôn thu hút khán giả, bởi có lẽ ai cũng thấy mình phần nào trong đó.

Có cả những công trình nghiên cứu về mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu trong ca dao, tục ngữ. Khảo sát ở 62 bài ca dao, tục ngữ về đề tài này, trong 30 bài ca dao về cách ứng xử mẹ chồng – nàng dâu thì biểu hiện tích cực, tốt đẹp chỉ chiếm 6 – 7%, còn lại là những biểu hiện chưa đẹp chiếm hơn 90%. Điều đó phần nào cho thấy vào thời xưa, đâu đó những hủ tục, nét văn hóa chưa đẹp, định kiến trong mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu đã ăn sâu bén rẽ.

Không thể phủ nhận mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu đã khiến không ít bạn trẻ lo lắng khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Trong nhiều trường hợp, nữ sợ hãi còn nam băn khoăn, thậm chí nhiều khi đau đầu trong mối quan hệ ứng xử này.

Thời nào cũng thế, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu luôn là vấn đề nan giải. Ảnh minh họa: shutterstock

Nhiều người nói vui, nếu ví quan hệ mẹ - con là mùa màng ngoài đồng thì quan hệ mẹ chồng – nàng dâu là hoa trong nhà kính, chỉ cần sơ sẩy một chút có thể héo úa, phai tàn. Cuộc sống hiện đại, xã hội phát triển, nhiều quan điểm, định kiến có phần cổ hủ theo đó cũng được điều chỉnh, thay đổi.

Trong gia đình hiện đại, cả hai thế hệ dù có nhiều khác biệt trong quan điểm sống, lối sống nhưng cũng đang dần xích lại gần nhau hơn. Những giá trị truyền thống như chữ hiếu, kính trên nhường dưới vẫn được gìn giữ, song hành với đó là sự chia sẻ, cảm thông, bớt xét nét, bớt khắt khe để cùng nhau giữ lửa hạnh phúc. Điều đáng quý là những thay đổi đến từ chính các bà mẹ chồng.

Yêu thương, thấu hiểu, tôn trọng, chia sẻ, cách ứng xử văn hóa văn minh luôn là bí quyết trong gia đình ở bất kỳ mối quan hệ nào. Mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu quá căng thẳng thì chỉ có thể hòa giải được khi cả hai cùng có thiện chí, bởi cùng có thể cởi mở và tìm ra nguyên nhân mâu thuẫn để giải quyết. Vết rạn nhỏ lâu ngày có thể biến thành vết nứt lớn, tạo hố sâu ngăn cách nếu cả hai bên không đặt vào vị trí của nhau, cởi lòng và sẻ chia.

Loài cá cực tốt cho nam giới, bán rất sẵn ở chợ Việt

Bách Hợp (t/h)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/me-chong-doc-4-quy-tac-gia-dinh-chi-danh-rieng-cho-con-dau-khien-co-nga-ngua-soc-nhat-la-thai-do-cua-chong-172231128102348007.htm