Máu vẫn đổ giữa thời bình

Thảo Linh

BPO - Lại một chiến sĩ công an nhân dân (CAND) hy sinh trong ngày 22-9 vừa qua khi làm nhiệm vụ tại tỉnh Thái Bình. Vụ khủng bố tại tỉnh Đắk Lắk, những kẻ khủng bố đã sát hại 9 người, trong đó có 4 cán bộ, chiến sĩ công an. Tại Bình Phước, ngày 6-1 năm nay, 2 chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy tử nạn trên đường công tác. Rồi vụ cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội vừa qua, 5 cán bộ, chiến sĩ công an bị thương khi lao vào biển lửa cứu dân… Còn nhiều trường hợp thiên tai, hỏa hoạn khác, cán bộ, chiến sĩ công an đã không từ nan, lao vào hiểm nguy để cứu hộ, cứu nạn. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều cán bộ, chiến sĩ CAND đã hy sinh mạng sống của mình giữa thời bình để bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

“Thanh bảo kiếm sắc bén”, “lá chắn thép” bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân là những danh hiệu cao quý mà nhân dân dành tặng chiến sĩ công an. Tuy nhiên, trong bất cứ hoàn cảnh nào, lực lượng CAND luôn trở thành mục tiêu mà các thế lực thù địch nhằm vào để thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” lực lượng công an. Để thực hiện âm mưu này, chúng triệt để lợi dụng không gian mạng để xuyên tạc, bôi đen hình ảnh CAND trên mọi phương diện.

Việc một số tướng công an vướng vòng lao lý, thậm chí phải chịu án tù chung thân thời gian qua đã thu hút sự chú ý của dư luận và trở thành miếng mồi béo bở cho các tổ chức, cá nhân chống phá Việt Nam. Rồi việc thi hành kỷ luật 22 cán bộ, chiến sĩ công an, trong đó có Giám đốc và Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang hồi cuối năm 2022 do vi phạm nguyên tắc tổ chức, hoạt động, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Hay việc khai trừ khỏi Đảng đối với ông Đỗ Hữu Ca, nguyên Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực; vi phạm những quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước… cũng làm dậy sóng dư luận.

Thế nhưng tình trạng vi phạm trong lực lượng công an (một số nước gọi là cảnh sát) không riêng gì ở Việt Nam mà đã xảy ra ở nhiều nước. Bởi dù là lực lượng nào cũng có những kẻ mất phẩm chất luồn vào hoặc bị sa ngã. Tại Trung Quốc, hàng loạt tướng công an bị mất chức hoặc bị kết án tù vì tội tham nhũng. Nổi tiếng nhất là việc cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang - Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, bị bắt do tham nhũng và các vi phạm khác. Hay vụ Thiếu tướng Thái Quảng Liêu, Phó Văn phòng Tỉnh ủy kiêm Phó Bí thư Đảng ủy Công an tỉnh Quảng Đông cũng mất chức vì tham nhũng. Tháng 2 năm nay, 1 tướng cảnh sát 2 sao của Indonesia bị tuyên tử hình do liên quan đến vụ giết người có chủ đích. Và ngay trong những ngày này, giới chức Thái Lan vừa thực hiện lệnh khám xét nhà Phó Tư lệnh Cảnh sát quốc gia trong chiến dịch truy quét mạng lưới cờ bạc trực tuyến bất hợp pháp Betflix…

Tại Việt Nam, kết quả cuộc chiến phòng, chống tham nhũng thời gian qua là công sức và sự cống hiến của hàng triệu cán bộ, đảng viên, trong đó có lực lượng công an trên tuyến đầu điều tra, phá án. Mặt trái của cơ chế thị trường là cạm bẫy “rình rập” những người có chức, có quyền và không loại trừ lực lượng công an. Nhưng cũng chính cơ chế thị trường đã làm ngời sáng phẩm chất của những đảng viên cộng sản mẫu mực, vì dân, vì nước. Vì sự đóng góp không mệt mỏi của những người cộng sản chân chính mà đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình…”. Thế nhưng những kẻ chống phá Việt Nam cứ nhất mực cho rằng, tham nhũng trở thành quốc nạn, trong đó có sự “đóng góp” của lực lượng công an là do “lỗi hệ thống” của một đảng cầm quyền gây ra. Từ đó, chúng đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập và đòi phi chính trị hóa lực lượng công an, quân đội.

Đã có những câu chuyện bịa đặt, tình tiết hư cấu như trong phim viễn tưởng mà những kẻ chống phá, nhà dân chủ tự xưng dựng lên để xuyên tạc, bôi nhọ CAND Việt Nam, thậm chí họ dựng chuyện một cách cẩu thả và ngờ nghệch. Nhiều người hẳn đã đọc câu chuyện về một thanh niên nghiện ma túy nặng ở một làng quê phía Bắc. Để thỏa mãn những cơn khát ma túy, anh này đã vơ vét mọi tài sản của gia đình, trộm cắp của họ hàng, làng xóm. Ma túy đã biến anh ta thành kẻ cướp giật và trấn lột tài sản. Khi công an điều tra, do quẫn bách vì nghiện nặng, anh ta đã tự tử để giải thoát. Câu chuyện lập tức được những kẻ chống phá la làng trên mạng xã hội là “Một thanh niên chết tức tưởi sau khi làm việc với công an”, “Nam sinh tử vong trong phòng tạm giữ”… với những tình tiết được nhào nặn nhằm kết tội lực lượng công an. Rồi chuyện một nam thanh niên chạy xe máy không đội mũ bảo hiểm, khi gặp tổ cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, người thanh niên vội quay đầu phóng xe chạy, không làm chủ tốc độ nên lao vào lan can đường, chấn thương nặng và tử vong. Lập tức, những kẻ chống phá liền giật tít “Công an truy đuổi gây tai nạn chết người”. Trang Việt Tân còn giật tít: “SOS: công an bắt cóc người yêu nước khi đi đám cưới”. Chỉ đọc tít đã thấy sự ngô nghê, bất cẩn của kẻ dựng chuyện. Sao công an lại “bắt cóc người yêu nước”? Mà còn “bắt cóc” ngay trên xe buýt nữa chứ!

Giữa thời bình, máu các chiến sĩ CAND vẫn đổ. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, các anh luôn nhận về mình những nhiệm vụ nguy hiểm để bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân nên sự hy sinh đó đắt giá và thiêng liêng đến nhường nào. Vì thế, rất cần sự tiếp cận, nhận diện của cộng đồng mạng với tinh thần trách nhiệm, sự tỉnh táo, khách quan để lọc ra những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Đó cũng chính là sự tri ân của chúng ta đối với những đóng góp, hy sinh thầm lặng của các cán bộ, chiến sĩ công an đã ngã xuống để người dân có cuộc sống bình yên và hạnh phúc hôm nay.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/149226/mau-van-do-giua-thoi-binh