'Mẫu số chung' đáng buồn của các cầu thủ Việt xuất ngoại

Chuyện cầu thủ Việt Nam xuất ngoại đã không còn quá xa lạ đối với bóng đá Việt Nam, Nhưng hiệu quả từ những chuyến xuất ngoại của các cầu thủ là không cao và có phần mang lại hiệu ứng ngược khi nhiều cầu thủ sa sút phong độ một cách đáng tiếc.KHÓ THÀNH CÔNG Ở NƯỚC NGOÀI

Những năm gần đây, bóng đá Việt Nam liên tục có những cầu thủ xuất ngoại ra nước ngoài thi đấu như: Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Hậu, Quang Hải, Văn Toàn… Các cầu thủ Việt Nam đã có những bến đỗ ở nước ngoài đa dạng hơn trải dài từ châu Á đến châu Âu. Nhiều cầu thủ đã khoác áo nhiều hơn 1 câu lạc bộ (CLB) ở nước ngoài như Công Phượng (4 CLB), Xuân Trường (3 CLB)… Nhưng dù có khoác áo bao nhiêu CLB đi chăng nữa thì “mẫu số chung” vẫn là không thành công.

Quang Hải chỉ có được 1 bàn thắng từ chấm penalty kể từ khi về nước thi đấu. Ảnh: Vietnamnet.vn

Quang Hải chỉ có được 1 bàn thắng từ chấm penalty kể từ khi về nước thi đấu. Ảnh: Vietnamnet.vn

Các cầu thủ Việt Nam khi thi đấu ở nước ngoài gần như mất hút khỏi sân bóng. Ghế dự bị là vị trí mà các cầu thủ Việt Nam thường xuyên góp mặt trong thời gian thi đấu ở nước ngoài. Công Phượng là cầu thủ đã và dang khoác áo của 4 CLB nước ngoài từ châu Á sang châu Âu gần như không để lại dấu ấn gì quá lớn.

Cầu thủ người Nghệ An bắt đầu ra nước ngoài thi đấu từ năm 21 tuổi, độ tuổi vừa đủ để phấn đấu hướng đến những đỉnh cao mới. Nhưng 3 năm thi đấu ở Nhật Bản, Công Phượng chủ yếu đóng góp về mặt truyền thông và thời gian ra sân ít ỏi. Cầu thủ Nghệ An tiếp tục có những lần phiêu lưu ở Hàn Quốc, Bỉ và hiện tại đang ở Nhật Bản nhưng vẫn không có gì là quá nổi bật.

Xuân Trường cũng ở tình trạng tương tự. Dù sau khi rời Hàn Quốc đến Thái Lan thi đấu, Xuân Trường có thời gian thi đấu nhiều hơn nhưng dấu ấn chiến thuật của cầu thủ này tạo ra là không quá lớn so với thời gian dự bị vẫn nhiều hơn thi đấu chính thức.

Hai bản hợp đồng xuất ngoại đáng chú ý nhất của bóng đá Việt Nam là Văn Hậu và Quang Hải sang châu Âu cũng thất bại một cách đáng tiếc. Văn Hậu gia nhập một CLB ở Giải Vô địch Hà Lan thuộc tốp các giải đấu hàng đầu châu Âu. Với thể hình tốt, Văn Hậu được kỳ vọng sẽ hòa nhập với môi trường bóng đá đỉnh cao ở châu Âu. Nhưng những gì đạt được là cựu cầu thủ của Hà Nội chỉ có 4 phút thi đấu chính thức ở cuối một trận đấu ở Giải Vô địch Hà Lan. Phần lớn Văn Hậu chỉ ngồi dự bị hoặc thi đấu với đội hình phụ ở giải dự bị sau 1 năm thi đấu ở Hà Lan.

Nếu sự kỳ vọng dành cho Văn Hậu đã lớn thì sự kỳ vọng dành cho Quang Hải còn lớn hơn rất nhiều. Quang Hải đến với Lige 2 với tâm thế là cầu thủ xuất sắc nhất Đông Nam Á và vừa cùng Đội tuyển Việt Nam gặt hái được nhiều danh hiệu. Với nền tảng kỹ thuật tốt, người hâm mộ hy vọng Quang Hải sẽ làm nên chuyện trên đất Pháp.

Nhưng đổi lại, Quang Hải gần như đánh mất sự tự tin của mình bên những người đồng đội mới và những đối thủ khó chịu hơn ở V-League rất nhiều. Cựu cầu thủ của CLB Hà Nội chỉ có cho mình được vài trận đá chính trước khi trở thành bạn thân của ghế dự bị. Bảng hợp động 2 năm với nhiều kỳ vọng trên đất Pháp cuối cùng đã thất bại khi Quang Hải đã chủ động thanh lý hợp đồng để trở lại Việt Nam thi đấu.

Văn Toàn cũng ở vào tình trạng tương tự như những đồng nghiệp của mình khi không có quá nhiều dấu ấn trên đất Hàn Quốc. Một “mẫu số chung” đáng buồn dành cho các cầu thủ vốn được xem là thi đấu nổi bật của bóng đá Việt Nam trong những năm qua. Những cầu thủ như Xuân Trường, Văn Hậu đã trở về Việt Nam thi đấu nhiều năm qua. Quang Hải cũng đã chọn trở về nước. Những ngày gần đây có thông tin Văn Toàn đã quyết định trở lại Việt Nam thi đấu và khả năng Công Phượng cũng sẽ trở về Việt Nam để không bỏ lỡ giai đoạn “chín nhất” của sự nghiệp.

NHỮNG HIỆU ỨNG NGƯỢC

Việc ra nước ngoài thi đấu không thành công phần nào đó đã gây nên những hiệu ứng ngược, với việc các cầu thủ tuột phong độ khi trở lại Việt Nam sau thời gian dự bị dài. Công Phượng dường như ngày càng đánh mất chính mình mỗi khi được triệu tập lên Đội tuyển Việt Nam cũng như ở Hoàng Anh Gia Lai. Các tình huống đột phá đã không còn gây ra nhiều khó khăn cho đối thủ.

Trường hợp cụ thể và điển hình khác có thể kể đến là Quang Hải, anh dường như chỉ còn là cái bóng của chính mình kể từ khi sang Pháp thi đấu. Quang Hải đánh mất sự hiệu quả và nhạy bén khi cùng Đội tuyển Việt Nam thi đấu ở các giải khu vực Đông Nam Á. Ngay cả ở V-League, Quang Hải vẫn chưa lấy lại phong độ khi đang thi đấu cho đội có phong độ cao là Công an Hà Nội. Quang Hải chỉ mới có 1 bàn thắng duy nhất kể từ khi về Việt Nam trên chấm penalty trong trận gặp Viettel vừa qua. Một thực trạng đáng buồn cho cầu thủ Việt Nam cũng như khát khao vươn tầm của bóng đá Việt Nam.

Những thất bại vừa qua của các cầu thủ cho thấy khoảng cách và môi trường thi đấu của bóng đá Việt Nam còn ở xa so với các nền bóng đá hàng đầu khác. Vì thế, các cầu thủ khi thay đổi môi trường thi đấu trở nên thiếu hiệu quả và đánh mất sự tự tin của mình. Mặt khác, khả năng chuyên môn và thể hình, thể chất không đáp ứng được nhu cầu của các CLB cũng là một điểm yếu khiến cho các cầu thủ Việt Nam khó tạo nên dấu ấn ở nước ngoài.

Ngay cả ở trong nước, các cầu thủ Việt Nam cũng đang dần đánh mất “sự ưu tiên” của mình khi V-League vốn chuộng sự tỏa sáng của các ngoại binh. Các ngoại binh luôn đóng vai trò nòng cốt trên hàng công và là những cây săn bàn hàng đầu của các CLB. Việc Đội tuyển Việt Nam thiếu đi những trung phong chất lượng phần nào đã phản ánh sự chênh lệch này.

Ngoài ra, việc các cầu thủ Việt kiều trở về thi đấu tại Việt Nam ngày càng nhiều với những cái tên chất lượng như: Filip Nguyễn, Martin Lò, Patrick Lê Giang, Ryan Hà, Viktor Lê, Adriano Schmidt… trở thành trụ cột của các CLB đang tạo thêm một sức ép lớn dành cho các cầu thủ Việt Nam. Các cầu thủ Việt Nam sẽ cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể cạnh tranh sòng phẳng, chất lượng, góp phần đưa bóng đá Việt Nam vươn tới những tầm cao mới và tiến xa hơn nữa.

PHAN CAO

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/the-thao/202308/mau-so-chung-dang-buon-cua-cac-cau-thu-viet-xuat-ngoai-987733/