Màu nắng

Bé Lý Na một mình ngồi trong tấm chiếu ngoài sân, bé mê mải chơi với những chú gấu bông màu nâu, cô búp bê tóc vàng đi giày đỏ, bên cạnh cô bé là chú mèo tam thể, mắt chú lim dim vẻ như đang mải ngẫm chuyện gì đó:

- Bà nội ơi… cái gì làm đầu con nóng quá! Bé Lý Na vẫn rờ rẫm chú gấu bông màu nâu gọi to.

- Ừ, bà ra ngay! Bà nội tấm lưng đã hơi còng bước vội từ trong bếp ra chỗ bé Lý Na: Ơi giời, là nắng, nắng hư quá, nắng rọi xuống đầu bé Lý Na của bà đây mà, nào để bà dắt con vào nhà nhé.

- Vâng… nhưng mà nắng nó như thế nào à bà nội? Sao con sờ trên đầu không thấy gì? Bé Lý Na ngước lên nhìn bà nội ngơ ngác hỏi.
- À, nắng thì không sờ thấy được, khi buổi sớm, nắng dịu hơn, đến trưa nắng gay gắt hơn, đến chiều thì oi bức hơn. Bà nội giải thích.

Bé Lý Na được bà nội dìu lên chiếc giường kê cạnh cửa sổ, bé không còn thấy nóng trên đầu, luồng gió mát rượi thổi qua cửa sổ, thổi bạt cả mái tóc tơ mềm mại của bé.

Lý Na vừa tròn năm tuổi, nhưng bé không được may mắn, như nhiều bạn cùng tuổi, nơi bản Rạ heo hút này. Ngay từ khi chào đời, bé đã bị dị tật mù bẩm sinh. Xung quanh bé chỉ một màu tối thẫm, nhiều khi bé ngồi buồn rầu, đôi con ngươi trắng đục hướng về nơi nào đó rất xa. Lúc đó, pa mẹ và bà nội, ai cũng cảm thấy mình như có lỗi với bé. Bé Lý Na cảm nhận chú gấu bông, búp bê tóc vàng và cả chú mèo tam thể có bộ lông mượt mà, qua bàn tay nhỏ bé của mình. Pa mẹ, bà nội của Lý Na thương bé vô cùng, họ ước có thể lấy con mắt của mình thay cho bé, mỗi khi thấy Lý Na ngồi một mình ngoài sân, đôi bàn tay nhỏ nhắn của bé khi thì ôm búp bê, khi thì chú gấu bông vỗ về nựng, bé thích thú vuốt bộ lông mượt của chú mèo tam thể, nghe chú mèo kêu meo… meo, rồi bé nói với “các bạn” của mình: “Em búp bê, em gấu bông… cả em mèo nữa ngoan thì chị sẽ chơi với các em, nếu các em không nghe lời chị, thì chị kệ đấy”. Pa, mẹ Lý Na ngày ngày lên nương ngô, nương lúa, mùa tra hạt thì tra hạt, mùa vun gốc thì vun gốc, rồi làm cỏ, bận rộn từ sáng đến trưa, có khi đến tối mịt mới hối hả gánh bó củi khô về. Ở nhà chỉ có bà nội, nhưng bà nội cũng luôn chân, luôn tay, lúc nấu cám cho lợn, nhổ cỏ trong vườn rau, rồi thì nấu cơm… lắm khi nhớ đến đứa cháu gái bé bỏng, bà vội chạy ra xem bé đang làm gì, thì bé đã ôm cô búp bê tóc vàng, ngủ say trên tấm chiếu từ bao giờ. Nước mắt bà nội ứa ra. “Ông trời thương cháu, thì xin giúp cháu nhìn thấy được như người ta”. Bà nội lầm rầm khấn. Lý Na chơi một mình đã quen, vì bạn bè cùng tuổi trong bản đều đi học mẫu giáo, chiều chiều, bé thường dỏng tai lên nghe bước chân pa, mẹ từ lối mòn sau nhà về, khi ấy, bé mừng quýnh, rối rít reo lên: “ A, a… pa mẹ đã về”.

- Mẹ ơi, sao lại gọi là trời mưa? Mưa là gì vậy? Bé Lý Na ngồi trong lòng mẹ nghe tiếng rào rào ngoài kia hỏi.

- Mưa như là nước mình uống ấy con ạ, nó từ trên trời rơi xuống thành từng giọt, từng giọt, nhưng rất nhiều, không thể đếm được, mưa to thì hạt mưa to như hạt ngô, còn mưa nhỏ, mưa phùn thì như màn sương vậy. Mẹ cố gắng giải thích cho Lý Na hiểu.

- Nhưng con cũng không biết màn sương thế nào… Lý Na lắc đầu.

- Ừ… màn sương màu trắng, thường che phủ kín xung quanh nhà mình, phủ kín cánh rừng sau nhà, đem theo hơi lạnh, đó là lúc con phải mặc áo ấm.

- Mẹ ơi… Con ước được nhìn thấy nắng này, mưa này, sương này, cả mẹ, pa, bà nội và con mèo tam thể, búp bê, gấu bông của con nữa! Lý Na vô tư ao ước.

Mẹ vội đưa cánh tay áo lên quệt dòng nước mắt, chực lăn xuống mái tóc bé Lý Na: “Ừ, rồi một ngày sẽ có cô tiên tặng cho con đôi mắt thật đẹp”. Mẹ hôn vào mắt cô bé, cố nén tiếng khóc bật ra…

Trưa, cả nhà bé Lý Na đang quây quần bên mâm cơm đạm bạc, Lý Na cầm thìa tự xúc cơm ăn, những hạt cơm vương vãi rơi xuống bên mâm cơm, bé cũng không hay biết:

- Anh Lý Tôn, chị Hà Vanh có nhà không? Tiếng gọi của cô Chi hội trưởng Phụ nữ Bản Rạ vọng vào.

- Có… chúng tôi đang ăn cơm! Pa vội đáp, cả nhà đứng lên nhìn ra cửa, không hiểu có chuyện gì.

- Xin giới thiệu, tôi là bác sĩ Nguyễn Quốc ở Viện Mắt Hà Nội, còn đây là bác sĩ Hoàng Thị Nga, chuyên khoa mắt ở bệnh viện tỉnh, chúng tôi đến là để báo tin vui cho gia đình, có một bệnh nhân nặng, muốn được hiến giác mạc, chúng tôi đến đây đề nghị gia đình ta, nhanh chóng đưa cháu bé đi kiểm tra, nếu các chỉ số tương thích, chúng tôi sẽ ghép giác mạc cho cháu.

- Ơi đin phạ, cháu tôi sẽ nhìn thấy được như người thường sao bác sĩ? Bà nội giọng run run.

- Đúng vậy, nhưng phải đưa cháu đi kiểm tra các chỉ số đã! Bác sĩ Hoàng Thị Nga giải thích.

Minh họa: Hoàng Chinh

Mười ngày nằm ở bệnh viện, cặp mắt bé Lý Na bị băng kín mít, không sao, vì từ trước tới giờ bé có nhìn thấy gì đâu? Giờ khó chịu hơn một chút, vì bị băng vướng víu thôi. Bé Lý Na vẫn mân mê cô búp bê tóc vàng, bé ít nói hơn lúc ở nhà, “mẹ ơi, con sắp được về nhà với bà nội chưa?”. Bé hỏi. “Sắp về rồi con ạ, con sắp khỏi rồi”. Mẹ vỗ về bé. “Con gái, con có thấy đau mắt không?” Pa vuốt tóc bé khẽ hỏi. “Con không thấy đau lắm đâu pa ạ”. Cô bé nắm bàn tay thô ráp của pa tỏ ra mạnh mẽ nói.

- Nào, bé Lý Na của chúng ta đã sẵn sàng chưa? Hôm nay bác sĩ sẽ tháo băng mắt cho cháu nhé! Bác sĩ Hoàng Thị Nga, bác sĩ Nguyễn Quốc đứng bên giường bệnh vui vẻ nói.

- A, con được mở băng rồi…con sẽ không bị vướng, bị đau nữa! Bé Lý Na sung sướng cười.

Trong căn phòng phẫu thuật, các bác sĩ, y sĩ, y tá, pa mẹ Lý Na, ai cũng hồi hộp, dõi theo từng động tác mở băng mắt rất cẩn thận của bác sĩ Nguyễn Quốc, vòng băng cuối cùng được tháo ra, bác sĩ Nguyễn Quốc nói:

- Cháu Lý Na từ từ mở mắt nhé. Nào chúng ta tắt đèn pha đi, chỉ để lại bóng mờ thôi!

- Vâng ạ! Thực ra bé cũng không biết sao phải từ từ mở mắt? Lý Na làm theo lời bác sĩ, bé từ từ mở cặp mắt to tròn ra: Ban đầu chỉ là một thứ ánh sáng rất ảo mờ, không rõ ràng, hồi lâu sau, nó sáng dần lên, Lý Na ngơ ngác nhìn rõ xung quanh, toàn những người mặc áo màu trắng lạ lẫm: “Pa ơi, mẹ ơi… con nhìn thấy rồi”. Bé Lý Na reo to. Pa mẹ ôm chầm bé Lý Na rưng rưng nước mắt.

Pa cõng bé trên lưng, những tia nắng trong vắt, chan hòa khắp cánh rừng dọc đường về, những làn gió mát mơn man mái tóc mềm mại của bé Lý Na: “Nắng thế này có nóng không con?”. Mẹ đi sau pa hỏi. “Nắng à mẹ? Con không thấy nóng đâu… nhưng nắng không có màu mẹ nhỉ”. Bé Lý Na ngây thơ nói. “Ừ, chỉ là nắng thôi, nhưng từ nay trở đi, con gái sẽ nhìn thấy rất nhiều màu đẹp của cuộc đời này”. Giọng mẹ cảm động. “Mẹ ơi, bây giờ thì con đã biết búp bê tóc vàng của con rất đẹp, cả gấu bông nâu, cả mèo tam thể nữa… cũng đẹp mẹ nhỉ”. “Ừ, tất cả đều đẹp, ở nhà có bà nội, chú mèo tam thể, gấu bông… đang đợi con đấy”. Mẹ vui vẻ nói.

- Rồi con sẽ đi học cùng các bạn, ở lớp rất đông vui, cô giáo sẽ dạy con múa hát, học chữ, con không phải chơi một mình nữa. Pa cũng phấn khởi.

- A… a, con sẽ không phải chơi một mình nữa… con sẽ có nhiều bạn chơi cùng… pa ơi, cái gì trên kia đẹp quá! Bé Lý Na hét toáng trên lưng pa.

Pa mẹ cùng nhìn lên hướng bé Lý Na chỉ: Thì ra là cây hoa đỗ quyên đỏ rực!

- Con ở gốc cây dẻ rừng cùng mẹ cho đỡ nắng, pa sẽ lên hái hoa cho con!

Bé Lý Na tíu tít cười, cô bé nhìn gì cũng lạ lẫm, cũng thích thú, chợt bé nhìn xuống đất, những bông nắng lọt qua vòm lá, đung đưa trên đất, Bé xòe bàn tay ra: Giọt nắng đậu trên tay bé sáng lung linh lạ kỳ. bé thốt lên: “Mẹ ơi, màu nắng trên tay con đẹp quá”. “Ừ, nắng rất đẹp”. Mẹ mỉm cười. Bởi vì sau 5 năm trong bóng tối. Lần đầu tiên, bé Lý Na nhìn thấy được vạn vật, qua cặp mắt của một bạn cùng tuổi, bị mắc bệnh hiểm nghèo hiến tặng. Mẹ ôm bé vào lòng cười, nước mắt mẹ ứa ra. “Hoa đỗ quyên của con đây”. Pa đưa chùm hoa đỗ quyên đỏ rực cho Lý Na. Cô bé đón chùm hoa rối rít khen: “Hoa đẹp quá pa mẹ ơi”. Dọc đường về nhà, bé Lý Na như lạc vào chốn thần tiên.

Đoàn Ngọc Minh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/mau-nang-3168855.html