Mau lẹ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn phải hành động mau lẹ hơn, với những công việc cụ thể.

Phát biểu tại Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn, diễn ra chiều ngày 24/4, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không phải bây giờ chúng ta mới làm, cách đây 2 nhiệm kỳ, đặc biệt là nhiệm kỳ 2016-2021, Chính phủ cũng đã bàn về vấn đề này. Việc xác định lựa chọn nội dung phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn vào thời điểm này là đúng và trúng.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo ông Đào Ngọc Dung, chúng ta đang có tư duy và tầm nhìn xa, điều này đòi hỏi phải hành động mau lẹ hơn, cùng những công việc cụ thể, với nhiều vấn đề cốt lõi, trong đó vấn đề lớn nhất là con người. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng cần điều này như Việt Nam.

Về chuỗi giá trị và công nghệ bán dẫn, ông Đào Ngọc Dung đưa ra 3 vấn đề cơ bản, đó là thiết kế; sản xuất; phân loại, đóng gói và thử nghiệm. Trong đó, thiết kế được nhận định là vấn đề khó nhất và đầu tư nhiều nhất nhưng thu lợi cũng lớn nhất, còn lại các phần khác như đóng gói… chính là lợi thế của chúng ta.

Còn về việc đạo tạo nguồn nhân lực, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lưu ý, phải căn cứ trên cơ sở cung và cầu, để tính toán cho phù hợp, không nên tập trung vào một lĩnh vực cụ thể; có hướng đi phù hợp cho từng giai đoạn.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tập trung vào 5 vấn đề cơ bản, là: Đào tạo cơ bản dài hạn; đào tạo chuyển đổi; đào tạo nâng cao; đào tạo lại; đào tạo trực tiếp. Thực tiễn chúng ta có nhiều trường cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã và đang đào tạo, liên kết đào tạo nhân lực bán dẫn không nên bỏ phí nguồn nhân lực này’’, ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Cùng đại diện cho các bộ, ngành chia sẻ về vấn đề phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết: Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham gia một số vấn đề liên quan đến một vài chính sách.

Cụ thể, tại phần đánh giá tổng quan ngành với 3 công đoạn là thiết kế; sản xuất; kiểm thử và đóng gói, trong dự thảo mới đánh giá 2 công đoạn là thiết kế, kiểm thử và đóng gói, còn công đoạn sản xuất thì chưa có đánh giá. Vì vậy, cần có bổ sung thêm thực trạng công đoạn này, để bổ sung cơ sở nhằm đưa ra định hướng phát triển của ngành nói chung và nhân lực ngành bán dẫn nói riêng.

Trên cơ sở đánh giá trực trạng của ngành công nghiệp bán dẫn, dự thảo cần nhận định cụ thể về vị trí của ngành này, từ đó tập trung định hướng việc đào tạo nguồn nhân lực trong công nghiệp bán dẫn và phục vụ chủ yếu cho công đoạn nào trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn, để đưa ra mục tiêu, giải pháp phù hợp trong Đề án thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Riêng các chính sách về thuế giá trị gia tăng và biên giảm thuế giá trị gia tăng, chính sách ưu đãi thuế được quy định tại Luật thuế - thuộc thẩm quyền của Quốc hội, trong đó tập trung miễn giảm ở các lĩnh vực, địa bàn theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đối với thuế thu nhập cá nhân, ngành công nghiệp bán dẫn, hiện nay không có ưu đãi và Đề án sẽ xem xét vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh thêm, trong dự thảo Đề án có đề cập đến tổng mức kinh phí, trong đó có phân ra ngân sách của Nhà nước và nguồn xã hội hóa, đồng thời phân loại được tính chất nguồn vốn đầu tư và nguồn chi thường xuyên. Đây là việc rất cần thiết để các cấp có thẩm quyền hiểu được quy mô, phạm vi của dự án cũng như trách nhiệm để đảm bảo triển khai.

"Chúng tôi đề nghị làm rõ thêm nguồn kinh phí thực hiện Đề án trong trường hợp sử dụng kinh phí chi cho sự nghiệp khoa học công nghệ. Nhiệm vụ của Bộ Tài chính thực hiện theo 2 nhóm trong Đề án, Bộ sẽ căn cứ vào nhiệm vụ và có nguồn vốn thực hiện Đề án'', Thứ trưởng Lê Tấn Cận bày tỏ.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/mau-le-dao-tao-nguon-nhan-luc-phuc-vu-cong-nghiep-ban-dan-316591.html