Mặt trận Tổ quốc muốn tổng hợp ý kiến cử tri thông qua công cụ dữ liệu dân cư

Tổng hợp, lắng nghe ý kiến nhân dân, cử tri, giám sát, phản biện xã hội dựa trên các nền tảng dữ liệu dân cư, định danh điện tử là mong muốn của MTTQ Việt Nam.

Chiều 11-4, Bí thư Trung ương Đảng Đỗ Văn Chiến – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng đoàn công tác đã có cuộc làm việc với Bộ Công an về kết quả triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị Bộ Công an phối hợp lập đề án chuyển đổi số. Ảnh: V.N

Dựa vào công nghệ, vào dữ liệu dân cư để gần dân, sát dân hơn

MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội…

Với vị trí đặc biệt quan trọng ấy, theo ông Chiến, số liệu và dữ liệu dân cư là yếu tố đầu vào quan trọng để MTTQ thực hiện nhiệm vụ của mình.

Đề cập tới các số liệu và tiện ích về tra soát, so sánh dân cư thành thị - nông thôn, bản đồ phân bố vùng dân tộc sinh sống, văn hóa vùng miền mà quá trình triển khai Đề án 06 đã xây dựng được, lãnh đạo MTTQ Việt Nam đánh giá các dữ liệu này rất hữu ích cho MTTQ trong giám sát công tác phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy công tác số liệu chung còn chưa tốt. Chẳng hạn, dữ liệu về dân số của Đề án 06 đang vênh với số liệu tổng điều tra dân số do Tổng cục Thống kê định kỳ thực hiện. Vậy con số nào là chính xác để MTTQ lấy làm cơ sở thực hiện giám sát?

Chỉ ra các vấn đề này, ông Đỗ Văn Chiến đề nghị Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp độ chính xác về dữ liệu. Ngoài ra, cần tính đến phát triển các công cụ để MTTQ có thể kết nối trực tiếp với cử tri, tiếp nhận những ý kiến đóng góp của cử tri mà không phải thông qua các tổ chức trung gian. Như thế sẽ khắc phục tình trạng tổ chức được giao tổng hợp ý kiến cử tri lại lồng ghép ý kiến chủ quan của mình vào…

Hiện tại, MTTQ Việt Nam cũng đang triển khai nhiệm vụ số hóa các hoạt động. Công tác này đòi hỏi phải có sự chia sẻ dữ liệu từ Trung tâm Dữ liệu quốc gia. Vì vậy, ông Chiến đề nghị Bộ Công an hỗ trợ khai thác thông tin nhanh nhất, dữ liệu chính xác nhất, và tiết kiệm nhất.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc trao đổi về công tác chia sẻ dữ liệu quốc gia với đoàn công tác Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ảnh: V.N

Dữ liệu dân cư quốc gia đúng, đủ, sạch, sống

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 đã giới thiệu tổng thể về kết quả sau hơn hai năm Bộ Công an triển khai Đề án 06.

Theo đó, đến nay đã kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia với một số cơ quan, ban ngành để xây dựng hệ sinh thái, dữ liệu dùng chung, như dữ liệu căn cước công dân, hộ khẩu điện tử, khai sinh, khai tử, mã định danh, mã bảo hiểm y tế.

Dữ liệu dân cư đang được cập nhật hàng ngày với phương châm đúng, đủ, sạch, sống. Tức là đúng thông tin, nhất quán về dữ liệu của người dân Việt Nam trong các tài liệu hồ sơ lưu trữ; đầy đủ các thông tin trên phiếu thu thập và đủ dữ liệu trên phạm vị toàn quốc; dữ liệu được chuẩn hóa, làm sạch từ nhiều nguồn phục vụ khai thác, phân tích; dữ liệu được cập nhật hàng giờ, hàng ngày và kịp thời khi có sự thay đổi.

Theo Nghị quyết 175/NQ-CP năm 2023 của Chính phủ, tất cả các bộ, ban, ngành, đoàn thể đều có trách nhiệm trong thực hiện Đề án 06, và đều sẽ được thụ hưởng dữ liệu từ Trung tâm Dữ liệu quốc gia.

Theo ông Ngọc, hiện cơ sở pháp lý về chia sẻ dữ liệu quốc gia đã có. Bộ Công an sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt nam để triển khai tốt nhất đề án chuyển đổi số quốc gia, góp phần phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn.

VỮNG NGUYỄN

Nguồn PLO: https://plo.vn/mat-tran-to-quoc-muon-tong-hop-y-kien-cu-tri-thong-qua-cong-cu-du-lieu-dan-cu-post785126.html