Mặt trái của quy định chuyển nhượng điền kinh

Sau Huỳnh Thị Mỹ Tiên, vận động viên (VĐV) điền kinh Lê Tú Chinh đứng trước nguy cơ không được thi đấu tính huy chương trong hai năm tới tại giải vô địch quốc gia vì quy định chuyển nhượng.

Tại Giải vô địch điền kinh quốc gia 2023, Huỳnh Thị Mỹ Tiên về nhất nội dung 100m vượt rào nữ với thời gian 13 giây 40 nhưng không được xếp hạng huy chương. Lý do bởi từ đầu năm 2023, Mỹ Tiên rời đơn vị Vĩnh Long để đầu quân cho Đồng Nai. Liên đoàn Điền kinh Việt Nam quy định: VĐV chuyển nhượng phải hoàn tất hồ sơ theo quy định và phải đủ thời gian 24 tháng (tính từ ngày chuyển nhượng) mới được thi cho đơn vị mới.

Lê Tú Chinh từng được mệnh danh là “Nữ hoàng tốc độ” của điền kinh Việt Nam. Ảnh: QUỐC AN

Sau Huỳnh Thị Mỹ Tiên, một chân chạy nổi tiếng khác là Lê Tú Chinh sắp rơi vào cảnh tương tự. Theo quyết định của Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, mọi chế độ dành cho Lê Tú Chinh được tính đến hết ngày 31-12-2023, do VĐV này thiết tha muốn tìm bến đỗ mới. Theo quy định, Lê Tú Chinh không được phép tham gia thi đấu cho đơn vị khác trong hai năm tới khi chưa được sự đồng ý của Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh.

Theo tìm hiểu, một số đơn vị muốn chiêu mộ Lê Tú Chinh nhưng ngại quy định chuyển nhượng sẽ khiến chân chạy 27 tuổi này dang dở sự nghiệp. Lý giải về quy định chuyển nhượng trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phụ trách bộ môn điền kinh, Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam cho rằng, quy định chuyển nhượng điền kinh nhằm giới hạn tối đa đơn vị có tiềm lực kinh tế không tập trung đào tạo mà chỉ tìm cơ hội chuyển nhượng VĐV có danh tiếng. Tuy nhiên, Ban Chấp hành Liên đoàn Điền kinh Việt Nam sẽ họp chuyên môn và lấy ý kiến để hoàn thiện quy định chặt chẽ, phù hợp nhất.

Về lý, quy định trên nhằm bảo đảm sự công bằng giữa các đơn vị đào tạo VĐV điền kinh. Về tình, người chịu thiệt vẫn là VĐV khi bị hạn chế việc lựa chọn môi trường thi đấu phù hợp cùng mức thu nhập tốt hơn. Đơn vị chủ quản cho rằng họ có lý để ràng buộc hợp đồng bởi tốn nhiều công và chi phí đào tạo VĐV. Bởi vậy, không ít đơn vị ký hợp đồng dài hạn, thậm chí là hợp đồng trọn sự nghiệp với VĐV. Theo Tiến sĩ Dương Đức Thủy, nguyên cán bộ phụ trách bộ môn điền kinh (Cục Thể dục thể thao), quy định chuyển nhượng điền kinh là bất hợp lý nhưng “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Nhiều VĐV khi ký hợp đồng với đơn vị chủ quản chưa nhận thức rõ về các điều khoản, không có sự tư vấn của người hiểu luật.

Ông Dương Đức Thủy cho biết, trước đây, VĐV Vũ Thị Hương hay Trương Thanh Hằng cũng bị đơn vị đào tạo ràng buộc. Ông Thủy kiến nghị: “Liên đoàn Điền kinh Việt Nam cần xem xét lại quy định chuyển nhượng để bảo đảm lợi ích cho các bên. Các đơn vị nơi VĐV muốn đến và nơi VĐV muốn rời đi cần ngồi lại, nên tạo điều kiện tốt để VĐV phát triển. Tôi lo ngại nhất thực trạng trong điền kinh và thể thao Việt Nam hiện nay là nơi chiêu mộ thì không muốn chi tiền, nơi đào tạo thì muốn giữ VĐV ở lại để tận dụng tài năng. Trong phát triển thể thao thì phải làm hết mình vì cái tâm, vì lợi ích chung chứ không nên “vắt chanh bỏ vỏ”.

HOA LƯ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Thể thao xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/mat-trai-cua-quy-dinh-chuyen-nhuong-dien-kinh-760735