Mất nước sạch kéo dài, hàng chục hộ dân ở Triều Khúc 'cháy ví' vì mua nước đóng bình để sinh hoạt

Thời gian qua, gần 10 hộ gia đình sinh sống tại ngõ 98 Triều Khúc (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) phải chi số tiền lớn để mua nước sạch đóng bình dùng cho sinh hoạt, sử dụng các dịch vụ tắm, gội, giặt là… vì mất nước sinh hoạt kéo dài.

Ngày 7/11, phản ánh tới phóng viên Chuyên trang Gia đình & Xã hội, nhiều hộ dân đang sinh sống tại ngõ 98 Triều Khúc có thời gian dài lâm cảnh khốn cùng vì mất nước sạch sinh hoạt.

Để đối phó với cảnh thiếu nước sạch, người dân nơi đây phải mua nước đóng bình để sử dụng cho sinh hoạt. Một số gia đình lựa chọn phương án tắm nhờ, giặt tiệm.

Anh Nghiêm Xuân Sang (30 tuổi – một hộ dân ở ngõ 98 Tân Triều) cho biết, hơn một tháng nay, bể chứa nước sạch sinh hoạt của gia đình anh đã khô cạn.

Gần 1 tháng nay, vợ chồng anh Sang phải mua nước sạch đóng bình để sử dụng cho sinh hoạt. Ảnh: Thùy Châu

Gần 1 tháng nay, vợ chồng anh Sang phải mua nước sạch đóng bình để sử dụng cho sinh hoạt. Ảnh: Thùy Châu

Thời gian đầu, vợ chồng anh Sang phải đi xin từng chậu nước sạch từ những hộ gần đó để phục vụ sinh hoạt nhưng vì mất nước kéo dài, không thể cầm cự, vợ chồng anh Sang phải gửi 2 con nhỏ về quê cách Hà Nội 30km, để nhờ ông bà nội chăm sóc.

Anh Sang cho biết: "Ngày nào đi làm về cũng đi xin nước để tắm gội, xách từng bình nước lên nhà để dùng, chúng tôi rất ức chế. Vì thiếu nước, chúng tôi sử dụng rất tiết kiệm. Chúng tôi phải đầu tư thêm nhiều ống nhựa và máy bơm để hút nước sạch khi có thể, nhưng dù canh nước cả ngày lẫn đêm thì nước sạch vẫn không đủ sử dụng".

Theo anh Sang, ngoài số nước đi xin từ những hộ dân lân cận, mỗi ngày, hai vợ chồng anh sử dụng tối thiểu 1 bình nước 20 lít để rửa thực phẩm. Nước rửa củ quả, vợ chồng anh Sang dùng để rửa sơ bát đũa bẩn và tưới cây.

Vợ chồng anh Sang đã mua nhiều ống nhựa và máy bơm để hút nước sạch khi có thể nhưng dù canh nước cả ngày lẫn đêm thì nước sạch vẫn không đủ sử dụng. Ảnh: Thùy Châu

Vợ chồng anh Sang đã mua nhiều ống nhựa và máy bơm để hút nước sạch khi có thể nhưng dù canh nước cả ngày lẫn đêm thì nước sạch vẫn không đủ sử dụng. Ảnh: Thùy Châu

"Một bình nước sạch 20 lít tôi mua với giá 25.000 đồng. Trung bình gần tháng nay, gia đình tôi phải chi gần 1 triệu tiền mua nước sạch để phục vụ sinh hoạt", anh Sang cho hay.

Cùng chung cảnh ngộ với gia đình anh Sang, chị Nguyễn Thị T cũng rệu rã vì phải thức đêm canh nước.

Chị T cho biết, tranh thủ cơn mưa chiều ngày 6/11, chị T đã mang tất cả vật dụng chứa đựng ra để canh, hứng nước mưa chảy từ mái nhà xuống nhưng cũng chỉ hứng được vài chậu.

Chị T có hai con nhỏ đang học mẫu giáo. Mỗi chiều đón con trở lại nhà, chị T lại dùng nước đóng bình để tắm gội cho hai con.

Để đối phó với tình trạng thiếu nước sạch, vợ chồng anh Sang và nhiều hộ dân trong ngõ 98 Triều Khúc phải dùng can nhựa, xô, chậu để xin nước sạch. Ảnh: Thùy Châu

Để đối phó với tình trạng thiếu nước sạch, vợ chồng anh Sang và nhiều hộ dân trong ngõ 98 Triều Khúc phải dùng can nhựa, xô, chậu để xin nước sạch. Ảnh: Thùy Châu

"Cứ gọi nước đóng bình là họ đưa đến, nhưng nhà có 2 con nhỏ nên rất tốn kém tiền mua nước để dùng cho sinh hoạt. Tôi phải ra tiệm để gội đầu. Quần áo của gia đình tôi cũng gom lại 3 ngày thì mang ra tiệm giặt một lần. Nói chung là vô cùng tốn kém", chị T cho hay.

Chị T cho biết, gia đình chị cũng tận dụng nước rửa rau để rửa bát. Sau đó, nước này được dùng để dội nhà vệ sinh. Mặc dù biết không được sạch sẽ nhưng đây là giải pháp buộc phải lựa chọn trong hoàn cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt.

Tận dụng cơn mưa "vàng" chiều ngày 6/11, chị Nguyễn Thị M dùng chậu để hứng nước mưa trút từ mái nhà xuống. Ảnh: Thùy Châu

Tận dụng cơn mưa "vàng" chiều ngày 6/11, chị Nguyễn Thị M dùng chậu để hứng nước mưa trút từ mái nhà xuống. Ảnh: Thùy Châu

Gia đình chị Nguyễn Thị M có 4 thành viên, lượng nước sử dụng cho sinh hoạt nhiều hơn vợ chồng anh Sang nên 2 tuần nay, chị M lại gom tất cả quần áo đã qua sử dụng để mang về quê (cách Hà Nội 50km) để giặt và tranh thủ tắm gội.

Theo chị M, nhiều hộ gia đình đã sang Hợp tác xã dịch vụ Sản xuất Nông nghiệp thôn Triều Khúc (xã Tân Triều) để tắm nhờ và xin nước sạch. Còn nước sử dụng cho nấu ăn, sinh hoạt tại chỗ, chị M xác định phải tốn kém.

Cùng ngày, trao đổi nhanh với phóng viên, đại diện lãnh đạo UBND xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) cho biết, chính quyền xã đã nắm được sự việc. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt là do cuối nguồn, nước Sông Đà cấp cho khu vực bị yếu.

Ông Triệu Đình Lương - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp thôn Triều Khúc cho biết, đơn vị cấp nước cho HTX là Công ty Cổ phần Viwaco.

Theo ông Lương, không chỉ các hộ dân ở ngõ 98 Triều Khúc bị mất nước mà các khu vực lân cận cũng bị ảnh hưởng nhiều. Hiện HTX đang nỗ lực phối hợp với Viwaco điều tiết, khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân.

Cận cảnh hồ thủy điện Bản Vẽ lớn nhất Bắc Trung Bộ cạn kỷ lục, tiệm cận mực nước chết.

Bảo Loan - Thùy Châu

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/mat-nuoc-sach-keo-dai-hang-chuc-ho-dan-o-trieu-khuc-chay-vi-vi-mua-nuoc-dong-binh-de-sinh-hoat-172231107165959209.htm