Mặt hàng giúp chúa Trịnh kiếm vạn lượng bạc từ thương nhân Hà Lan

Thời phong kiến, vốn 'trọng nông ức thương' nhưng khi thấy các thương nhân nước ngoài thích các mặt hàng thủ công của ta, chúa Trịnh đã cho mở cửa buôn bán.

Hình minh họa thuyền buôn của người Hà Lan dùng để đến Đàng Ngoài. Ảnh: T.N.

[…]

Sự kỳ thị với tầng lớp thương nhân đã giảm bớt, triều đình và quan lại thấy buôn bán (nhất là với nước ngoài) rất có lợi, “một vốn bốn lời”, thậm chí “nhất bản vạn lợi” nên cũng tham gia tích cực vào việc kinh doanh. Sử liệu có ghi, thấy thương nhân Hà Lan thu mua các hàng tơ lụa với giá cao, chúa Trịnh bắt các công xưởng do nhà nước quản lý chuyển sang dệt hàng tơ lụa, mang bán cho họ.

Triều đình ép họ phải mua của nhà nước dù chất lượng không bằng và giá đắt gấp đôi so với các phường thợ thủ công. Năm 1647, người Hà Lan buộc phải chi 25.000 lượng bạc để mua tơ lụa của chúa Trịnh, 10.000 lạng bạc để mua tơ của Thế tử (con trai chúa Trịnh) và hàng nghìn lạng bạc để mua tơ của các quan.

Thế nhưng, “miệng kẻ sang” nói thế nào cũng được. Các chúa vẫn thường xuyên răn đe các quan: “Bọn hào phú và bọn tiểu dân đua nhau làm nghề ngọn (chỉ nghề buôn bán), ít kẻ chuyên chú vào nghề nông. Phải uốn nắn họ”. Tuy nhiên, nhu cầu phát triển sản xuất và giao thương vẫn khiến buôn bán được đẩy mạnh hơn bao giờ hết.

Người buôn nhỏ thì buôn thúng bán bưng; người ít vốn thì buôn hàng chuyến ở chợ, buôn từ trấn này qua trấn khác; người buôn lớn thì buôn từ miền xuôi lên miền ngược, lớn hơn nữa thì buôn với nước ngoài. Vốn càng to thì lãi càng lớn.

Các du khách nước ngoài có dịp ghé Đông Kinh (tên gọi khác của thành Thăng Long) cho biết: Ngoài những chợ có địa điểm cố định, có một số lượng lớn các chợ lưu động không tên, không có mái che. Việc lập ra một cái chợ như thế không tốn kém gì, chỉ cần thời tiết tốt.

Thương mại đã làm xuất hiện những nhà buôn giàu có, tài sản do kinh doanh mang lại rất lớn. Thậm chí, một số làng ở Bắc Bộ thay đổi cả phương hướng làm ăn, bỏ hẳn nghề nông hoặc nghề thủ công truyền thống để đi buôn.

Làng nghề Báo Đáp ở Nam Định có nghề dệt vải và nghề nhuộm, nhưng trong quá trình tiếp xúc thị trường đã tìm ra nguồn lợi lớn từ buôn bán, do đó đã chuyển hết ra nghề buôn. Làng Đan Loan ở Hải Dương cũng vậy, người dân bỏ nghề nhuộm truyền thống, ngược xuôi khắp nước để buôn thuốc Bắc.

Bộ sách Thăng Long - Kinh Kỳ - Kẻ Chợ của hai tác giả Nguyễn Quốc Tín và Nguyễn Huy Thắng. Ảnh: HNM.

Tại kinh đô, ngoài các phường thủ công, cũng có các phường chuyên buôn bán như phường Đồng Xuân, phường Đông Tác, phường Gia Ngư, phường Hội Vũ, phương Kim Cổ… Có hẳn một cửa ô chỉ buôn bán từng thuyền hàng một, như ô Ưu Nghĩa (nay là phố Hàng Mắm) tiếp giáp với sông Hồng qua Đông Hà Môn, nơi thuyền bè ngoại quốc cập bến dỡ hàng.

[…]

Mặc dù Bắc - Nam chia cắt, mỗi chúa làm chủ một phương, cấm giao thương giữa hai bên, nhưng không ngăn được sự qua lại giữa thương nhân hai miền. Nhờ các hoạt động bí mật nhưng bền bỉ, nhiều hàng hóa đã vượt cả giới tuyến (sông Gianh) để đến với “bên kia”, đáp ứng nhu cầu của nhau.

Các nhà buôn Thăng Long - Kẻ Chợ vượt biển vào Hội An, thu mua lúa gạo, đường, thổ sản tại “nước Đàng Trong” của các chúa Nguyễn. Trong khi các thương lái Hội An cũng lặn lội đến miềm thượng du của “nước Đàng Ngoài” thu mua khoáng sản (đặc biệt là quặng đồng để đúc tiền, đúc tượng…).

Để chuyên chở, người ta còn đóng các tàu chuyên dụng chạy ven biển, sử dụng kỹ thuật ghép gỗ đặc biệt để không bị rò rỉ nước, có buồm hình tam giác. Người nước ngoài từng viết sách khen ngợi loại tàu này của các thương nhân Đàng Trong.

[…]

Nguyễn Quốc Tín & Nguyễn Huy Thắng/ NXB Kim Đồng

Nguồn Znews: https://znews.vn/mat-hang-giup-chua-trinh-kiem-van-luong-bac-tu-thuong-nhan-ha-lan-post1454518.html