Mất con sau động đất Tứ Xuyên, cha mẹ đau đớn cả phần đời còn lại

Mất đi đứa con đầu lòng sau trận động đất năm 2008 khiến nhiều bậc phụ huynh ở tỉnh Tứ Xuyên bị chấn thương tâm lý nặng nề.

Đã 13 năm trôi qua kể từ ngày Ye Hongmei và Zhu Junsheng mất con gái. Thế nhưng, nỗi đau họ phải chịu đựng vẫn còn đó nguyên vẹn, theo Sixth Tone.

Cặp vợ chồng này nằm trong số hàng nghìn bậc phụ huynh chịu đau thương bởi trận động đất ở tỉnh Tứ Xuyên năm 2008 - một trong những thảm họa tự nhiên tồi tệ nhất thế kỷ 21 của Trung Quốc.

 Zhu Junsheng vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau mất con sau 13 năm. Ảnh: Douban.

Zhu Junsheng vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau mất con sau 13 năm. Ảnh: Douban.

Thảm họa kinh hoàng

Ngay trước 14h30 ngày 12/5/2008, một trận động đất mạnh 7,9 độ richter đã xảy ra ở huyện Vấn Xuyên (tỉnh Tứ Xuyên), gây ra sóng địa chấn mạnh đến mức làm rung chuyển các tòa nhà cách đó 1.500 km tại Bắc Kinh.

Thành phố Đô Giang Yển, nơi sinh sống của gia đình Ye và Zhu, chỉ cách tâm chấn 25 km nên thiệt hại rất nặng nề. Vô số tòa nhà trong thành phố sụp đổ trong nháy mắt, bao gồm cả trường tiểu học nằm ở trung tâm thành phố - nơi con gái 8 tuổi của hai vợ chồng theo học.

Nạn nhân nhỏ tuổi này nằm trong số 246 người vĩnh viễn nằm dưới đống đổ nát, không bao giờ tỉnh lại.

Những ký ức về trận động đất Vấn Xuyên phai nhạt dần trong hơn một thập kỷ qua. Tàn tích của ngôi trường tiểu học, nơi con gái của Ye và Zhu qua đời, đã được dọn dẹp và chuyển đổi thành một khu phố thương mại trang trí theo chủ đề gấu trúc.

Thế nhưng, nỗi đau của tang quyến không thể dễ dàng xóa nhòa như vậy dù đã nhiều năm trôi qua. Họ gặp nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi, nhất là khi phản ứng của chính quyền đối với thảm họa này khiến mọi thứ càng trở nên phức tạp.

 Sau hơn một thập kỷ, nhiều gia đình vẫn chưa thể quên thảm họa năm 2008. Ảnh: Fan Jian.

Sau hơn một thập kỷ, nhiều gia đình vẫn chưa thể quên thảm họa năm 2008. Ảnh: Fan Jian.

Theo báo cáo của giới chức, 5.335 học sinh đã chết hoặc mất tích sau vụ động đất. Con số kinh hoàng này tạo nên làn sóng phẫn nộ từ công chúng.

Các phụ huynh chỉ ra rằng mạng sống của nhiều em nhỏ có thể được cứu nếu những tòa nhà xung quanh đứng vững. Một số khác chỉ trích chất lượng vật liệu kém “như bã đậu phụ” được sử dụng trong quá trình xây trường học khiến chúng trở nên dễ bị phá hủy.

Thời điểm đó, một chuyên gia cao cấp về ngành xây dựng Trung Quốc nằm trong ban cứu trợ thiên tai của chính phủ từng khẳng định chính kỹ thuật xây dựng kém chất lượng tại một trường THCS ở Đô Giang Yển là nguyên nhân gây ra nhiều cái chết.

Nhưng vài tháng sau, một cuộc điều tra chính thức lại đưa ra kết luận rằng cường độ mạnh của trận động đất mới khiến nhiều học sinh thiệt mạng.

Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc cung cấp dịch vụ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) miễn phí cho các bậc phụ huynh mất con trong trận động đất. Năm 2008, xứ tỷ dân vẫn đang thực thi chính sách một con. Hầu hết gia đình lúc ấy đã mất đi đứa con duy nhất của họ.

Ye là một trong số những bà mẹ chấp nhận làm IVF miễn phí với hy vọng sinh thêm một cô con gái. Năm 2011, vợ chồng cô hạ sinh một em bé, đặt tên là Chuanchuan. Zhu đã đứng trước di ảnh của con gái và khóc vào ngày đứa con thứ hai chào đời.

Sang chấn tâm lý

Tưởng chừng từ đó, nỗi đau của Ye và Zhu sẽ dần phai mờ, song họ vẫn chưa thể quên đi những ký ức đau thương ấy.

Đối với cặp vợ chồng, giới tính của đứa con thứ hai có ý nghĩa tất cả. Nếu đứa thứ hai là con gái, Ye và Zhu sẽ cảm thấy gần gũi hơn và có khả năng tiếp tục sống một một đời ý nghĩa.

Thế nhưng, Chuanchuan lại là con trai.

 Zhu ôm con trai mới sinh của một người bạn. Ảnh: Douban.

Zhu ôm con trai mới sinh của một người bạn. Ảnh: Douban.

Từ khi cậu bé còn là một đứa trẻ sơ sinh, hai vợ chồng mặc cho Chuanchuan những bộ trang phục con gái và thường nhắc nhở con trai rằng cậu được chào đời chỉ vì chị gái đã chết.

Zhu đặc biệt có mối quan hệ căng thẳng với con trai, thường la mắng cậu bé về những vấn đề vặt vãnh.

Người bố vẫn còn đau khổ bởi cảm giác tội lỗi về cái chết của con gái mình. Vào ngày động đất xảy ra, anh đã điên cuồng tìm kiếm con gái trong đống đổ nát tới tận đêm khuya.

Zhu cứu sống sinh mạng của một số đứa trẻ khác song không thể tìm thấy con gái nhỏ của mình, mặc dù anh nghe thấy tiếng khóc của cô bé dưới đống đổ nát.

Theo thời gian, ông bố dường như uống rượu nhiều hơn, vẫn tự trách mắng mình đã thất bại trong việc cứu con. Anh không thể ngăn việc để chấn thương tinh thần của mình ảnh hưởng tới đứa con thứ hai.

 Những đứa con thứ hai phần nào bị chịu ảnh hưởng từ chấn thương tâm lý của bố mẹ. Ảnh: Fan Jian.

Những đứa con thứ hai phần nào bị chịu ảnh hưởng từ chấn thương tâm lý của bố mẹ. Ảnh: Fan Jian.

Nhiều gia đình khác bị ảnh hưởng bởi trận động đất cũng trải qua những nỗi niềm căng thẳng tương tự. Những chấn thương tâm lý vẫn còn đó. Đó là lý do tại sao họ muốn sinh đứa con thứ hai, nhất là dưới sự ảnh hưởng của tín ngưỡng truyền thống về đạo lý luân hồi.

Không ít bậc phụ huynh hy vọng sự trở lại của linh hồn của đứa con đã mất sẽ hiện hữu ở đứa con thứ hai của họ.

Họ đã mong rằng đứa thứ hai sẽ cùng giới tính với đứa đầu tiên. Như vậy, “vòng đời” sẽ được hoàn thiện. Họ cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn, từ đó sức khỏe tinh thần được cải thiện.

Tuy nhiên, một số gia đình không thể sinh thêm con thứ hai. Những người mẹ này bị căng thẳng cả về mặt thể chất lẫn tâm lý. Còn với các ông bố như Zhu, chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn có thể sẽ theo họ suốt đời.

Ánh Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mat-con-sau-dong-dat-tu-xuyen-cha-me-dau-don-ca-phan-doi-con-lai-post1254215.html