Mất an toàn thực phẩm từ giết mổ gia cầm tự phát

Để phòng ngừa dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm và vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, việc quản lý chặt chẽ khâu giết mổ được xem là 'mắt xích' quan trọng. Tuy nhiên tình trạng giết mổ gia cầm hiện nay được ghi nhận lại rất tràn lan, không chỉ các cơ sở không được cấp phép, chợ tạm mà còn ngay trên vỉa hè gây ô nhiễm môi trường.

Gia cầm giết mổ khắp nơi

Mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra con số thống kê, cả nước hiện có hơn 22 nghìn cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ; tại các cơ sở này, tỷ lệ kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm ở mức thấp, hoặc không kiểm soát được (không có đăng ký kinh doanh), không truy xuất được nguồn gốc đối với sản phẩm chăn nuôi.

Chỉ mới bước gần vào khu vực bán và giết mổ gia cầm tại chợ Bông Đỏ, mùi hôi thối đặc trưng đã bốc lên nồng nặc.

Là một địa phương có dân số đông, sức tiêu thụ thực phẩm lớn, Hà Nội có tới 732 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 7 cơ sở công nghiệp, 58 cơ sở bán công nghiệp, còn lại là các cơ sở giết mổ thủ công; mới chỉ kiểm soát được hơn 60% lượng sản phẩm gia súc, gia cầm tiêu thụ trên địa bàn, còn lại đang bị thả lỏng. Nguyên nhân bởi các điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ này nằm xen kẽ trong khu dân cư, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, dụng cụ không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y.

Do đặc thù hoạt động giết mổ hay hoạt động lúc nửa đêm và kết thúc vào sáng sớm nên lực lượng chức năng khó tiếp cận. Đặc biệt, tại các chợ “cóc”, chợ tạm mọc tràn lan trong thành phố, rất nhiều điểm giết mổ gia cầm nhỏ lẻ, mất vệ sinh mọc lên như nấm. Mỗi điểm có một nồi nước sôi dùng chung cả ngày cho hàng trăm con gà, vịt, ngan và một vài chiếc chậu cáu bẩn để làm lông. Chung quanh khu vực nhốt gia cầm, phân và nước thải lênh láng, bốc mùi hôi thối. Chị Lê Thu Hương (quê Phú Xuyên, Hà Nội), chủ một điểm giết mổ ở khu chợ tạm gần chợ Long Biên (Hà Nội) cho hay, mỗi ngày chị giết mổ khoảng 50 đến 60 con gia cầm. “Tôi làm nghề này cũng 6 năm rồi, tầm 2 giờ sáng hai vợ chồng chở gà vịt từ quê lên đây bày bán. Do không có mối đổ nên chỉ ngồi chờ khách đến mua, đa phần họ mua thì yêu cầu chúng tôi mổ thịt luôn. Nhiều lúc cũng lo lắng lây lan dịch bệnh lắm nhưng cũng vì miếng cơm manh áo mà không làm thế nào được”.

Hình ảnh gà vịt được mổ thịt ngay tại các khu chợ tạm, thậm chí lòng đường vỉa hè không khó để bắt gặp. Để mục sở thị tình trạng này chúng tôi đã có buổi ghi nhận tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội. Tại chợ Bông Đỏ (La Khê, Hà Đông) là một trong những chợ lớn, theo quan sát của phóng viên, khu vực bán gia cần được bày bán cả ngày. Một dãy dài với khoảng chục cái bu gà, vịt để san sát nhau. Chỉ mới bước gần vào khu vực bán và giết mổ gia cầm này mùi hôi, thối đặc trưng đã bốc lên nồng nặc. Thứ mùi khó chịu này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới những người giết mổ mà những người bán hàng xung quanh cũng bắt buộc phải “sống chung với lũ”. Chị Nguyễn Thị T. (chủ một cửa hàng thịt) cạnh khu vực giết mổ gia cầm chia sẻ: “Quầy của tôi ngay gần với mấy hàng gà, vịt. Nhiều lúc gió nó đưa mùi sang, cảm giác muốn ngạt thở. Nhưng nói thật cũng chả biết làm cách nào, vì thực tế thì chợ nào chẳng có dãy hàng bán gà, bán vịt rồi giết mổ luôn. Số mình đen là quầy lại ở ngay cạnh đó”.

Chợ Phùng Khoang cũng có rất nhiều tiểu thương giết mổ gia súc ngay tại chỗ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo quan sát của phóng viên, gà, vịt sau khi được khách lựa chọn sẽ được tiểu thương cắt tiết tại chỗ và cho vào một nồi nước sôi vẩn đục. Gia cầm sau khi nhúng vào nước nóng được người bán đặt ngay xuống nền để làm lông và mổ. Phần lông, nội tạng vứt vương vãi trên nền đất, nước thải chảy khắp đoạn vỉa hè thậm chí tràn cả xuống lòng đường. Nước thải không có chỗ thoát khiến cho nơi đây những ngày mưa bốc mùi xú uế. Chị Hoàng Thu M. (một người bán gia cầm tại chợ Bông Đỏ) chia sẻ: “Thực ra bản thân chúng tôi cũng thấy sợ vì mùi, nhưng cũng không có cách nào khác cả. Ngày trước chỉ bán gà sống, khách mua về tự thịt nhưng bây giờ đa số khách chọn mua gà vịt sau đó nhờ thịt luôn. Chúng tôi cũng muốn được dồn về hẳn 1 khu vực chuyên cho giết mổ gia cầm. Có như vậy mới đảm bảo được vệ sinh cho cả người bán lẫn môi trường xung quanh”.

Sự nhếch nhác, mất vệ sinh đó không chỉ diễn ra tại khu vực chợ chính thức mà còn diễn ra nhiều khu chợ tạm khác. Như tại cổng làng Văn Phú (Phú La, Hà đông) ngay khu vực phía đầu làng có tới 2 hàng bán và giết mổ gia cầm. Những cửa hàng bán từ sáng tới chiều muộn. Theo như những người bán, ban đầu họ chỉ chở bu gà, vịt ra đây bán tạm, dần dần nhiều người dân có nhu cầu thịt nên đã chuẩn bị đồ mổ thịt để phục vụ khách. Theo quan sát, đây chỉ là vỉa hè không có hệ thống nước rửa, thoát nước nên mỗi lần mổ gà vịt nước lênh láng tràn ra đường. Ông Nguyễn Văn B. (người dân làng Văn Phú) cho biết: “Nếu cơ quan chức năng không có biện pháp gì cứ để tình trạng giết mổ gia cầm thế này rất mất vệ sinh. Những ngày nắng nóng, mùi bốc lên ghê lắm, chưa kể đến việc lây lan dịch bệnh”.

Đường Sa Đôi (Nam Từ Liêm, Hà Nội), nơi có lưu lượng xe qua lại rất đông nhưng vẫn có hàng bán gà, vịt giết mổ tại chỗ.

Không chỉ tại các khu vực chợ tạm lâu năm, dọc các tuyến đường nội thành cũng diễn ra tình trạng giết mổ gia cầm tràn lan. Đơn cử như dọc đường Sa Đôi (Nam Từ Liêm, Hà Nội), nơi có lưu lượng xe qua lại rất đông nhưng vẫn có hàng bán gà, vịt giết mổ tại chỗ.

Người bán hàng vô tư giết mổ gia cầm ngay trên vỉa hè. Do họp chợ không đúng nơi quy định nên nguồn nước các tiểu thương sử dụng để rửa thực phẩm được lấy theo từng xô, chậu. Nguồn nước không thuận tiện nên các tiểu thương thường sử dụng một chậu nước để rửa chung cho nhiều lần giết mổ. Sau mỗi buổi họp chợ, tất cả các loại rác thải được tiểu thương vứt bừa bãi ngay ven đường, bốc mùi nồng nặc, ruồi nhặng bu quanh.

Chia sẻ về lý do lựa chọn gia cầm được giết mổ tại chỗ thay vì đến các siêu thị và cơ sở có giấy phép, chị Nguyễn Thị Thành (người dân tại phường Quang Trung, Hà Đông) cho biết: “Tôi thường mua gà, vịt ở chợ và nhờ họ mổ luôn tại chỗ. Trong lúc chờ đợi họ thịt tôi có thể đi mua các thực phẩm khác như rau, củ quả. Khoảng hơn 10 phút sau, họ làm xong gà, tôi chỉ việc qua lấy. Nói thật là mua luôn tại các khu vực chợ tạm rất nhanh, thuận tiện, hơn nữa giá lại rẻ hơn rất nhiều”.

Cùng quan điểm tiện lợi, giá rẻ, chị Phạm Thùy Trang (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) lại cho rằng: “Việc mua gà vịt sau đó nhờ thịt tại chỗ rất tốt vì có thể chọn gà sống và được chứng kiến họ làm nên không lo bị tráo gà, mỗi con chỉ mất 10.000 đến 15.000 đồng tiền công mổ”.

Vấn đề vẫn chưa được giải quyết

Theo các chuyên gia thì công tác quản lý chăn nuôi theo hướng an toàn có thể giám sát được nhưng quản lý giết mổ vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại. Trong 732 cơ sở giết mổ tại Hà Nội, chỉ có 106 cơ sở được UBND cấp huyện cấp phép hoạt động.

Tại cổng làng Văn Phú (Hà Đông) việc giết mổ gia cầm nhếch nhác, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 tấn thịt gia súc, gia cầm được tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội. Trong số này, 106 cơ sở giết mổ được cấp phép cho ra thị trường khoảng 60% tổng sản lượng (tương ứng với 600 tấn thịt động vật), còn lại là lượng thịt từ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, chưa được chính quyền địa phương cấp phép. Ông Nguyễn Đình Đảng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội chia sẻ: “Mặc dù hàng năm, các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội cũng như các sở ngành có tiến hành giám sát, lấy mẫu sản phẩm thịt động vật từ những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tuy nhiên, công tác này chưa được thực hiện thường xuyên. Điều này dẫn tới việc thịt gia súc, gia cầm được kiểm soát thường xuyên và chưa được kiểm soát thường xuyên vẫn lẫn lộn trên thị trường tiêu thụ, nhất là tại các chợ dân sinh, chợ cóc, chợ tạm”.

Nguyên nhân của việc chưa thể xóa bỏ được hoàn toàn các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tự phát là do tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn vẫn còn rất phổ biến. Thống kê đến nay, toàn thành phố vẫn còn tới 190.000 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ; kéo theo đó là nhu cầu về giết mổ. Tại nhiều địa phương, hình thành cả những ngôi làng với hàng chục hộ chuyên giết mổ gia súc, gia cầm; điển hình như tại các huyện: Phú Xuyên, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín, Thanh Oai…

Việc quản lý an toàn thực phẩm hay giết mổ, UBND TP Hà Nội đã phân công theo cấp chính quyền tùy theo nội dung. Ông Đảng cho hay, về quản lý giết mổ, thành phố sẽ quy hoạch, sẽ kiểm soát, giao cho cơ quan chuyên môn quản lý các cơ sở giết mổ chung, còn giết mổ mà không phải giết mổ tập chung hay gọi nôm na là giết mổ nhỏ lẻ thì sẽ do các cấp chính quyền phường/ xã trực tiếp quản lý.

Giết mổ là một khâu rất quan trọng góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chính vì thế việc giết mổ tập trung có kiểm soát, có cơ sở vật chất đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định là rất cần thiết.

Ông Nguyễn Đình Đảng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, tuy đã có các cơ sở giết mổ gia cầm công nghiệp, tập trung nhưng vẫn chưa giải quyết được cơ bản vấn đề này.

“Việc giết mổ được kiểm soát từ khâu đầu vào, kiểm soát được điều kiện thú y tại thời điểm giết mổ, sơ chế, chế biến và đem xuất bán. Giết mổ là một khâu quan trọng góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn tất nhiên để thực phẩm đi ra đến thị trường muốn an toàn thì là cả một quá trình từ chăn nuôi cho đến giết mổ, sơ chế, chế biến, lưu thông thậm chí là nơi bày bán. Tất cả các chuỗi phải được kiểm soát đầy đủ thì mới an toàn, còn trong chuỗi đấy, khâu nào chưa được kiểm soát tốt thì nguy cơ mất an toàn thực phẩm sẽ tăng lên. Thói quen của chúng ta là vẫn giết mổ tự phát ở các chợ truyền thống rồi đến tay người tiêu dùng luôn. Mặc dù ở Hà Nội đã có nhiều cơ sở giết mổ gia cầm công nghiệp, tập trung nhưng vẫn chưa giải quyết được cơ bản vấn đề này” - Ông Đảng cho biết thêm.

Phong Anh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/mat-an-toan-thuc-pham-tu-giet-mo-gia-cam-tu-phat-i701415/