Mạnh vì gạo...

Khuya cuối tuần, tròn 90 phút sau tiếng còi chung cuộc vang lên, tại hầu hết khu vực, ghế ngồi và phòng chờ được lau chùi sạch sẽ. Tuy nhiên, tầng trên của quán bar ở sân vận động Tottenham Hotspur, hàng trăm người hâm mộ vẫn đang uống rượu, giao lưu và quan trọng là vẫn tiêu tiền.

Đó là một khung cảnh thương mại, đó là sự khác biệt giữa sự im lặng của một sân bóng sau khi tan trận 90 phút và sự ồn ào của hoạt động kinh doanh phát đạt dựa trên chính không gian của sân vận động đó.

Đây là một phần lý do tại sao Câu lạc bộ (CLB) Tottenham kiếm được rất nhiều tiền vào những ngày thi đấu-trung bình 4,8 triệu bảng Anh. Các CLB khác ở Ngoại hạng Anh đang nhìn vào doanh thu của Tottenham và nghiên cứu xem xét chuyển địa điểm hoặc tái phát triển sân vận động, trong số đó có Manchester United, Arsenal, Newcastle, Everton...

Sân Tottenham có sức chứa 63.000 người, mang lại doanh thu lớn cho đội bóng. Ảnh: Getty

Vào thời điểm mà sức hấp dẫn lịch sử của bóng đá Anh kết hợp với sự phổ biến toàn cầu của Premier League, khi các CLB là doanh nghiệp và chủ nghĩa thương mại hòa nhịp với di sản, kiến trúc để tạo thành một điểm đến không thể bỏ qua thì sân vận động Tottenham là một hình mẫu. Nó được biết đến với quy mô, tính hiện đại và tầm nhìn rõ ràng khiến cách nhìn của nhiều đội bóng đã thay đổi. Nói một cách chính xác thì đó là sự đột phá.

Vị trí địa lý của sân vận động Tottenham là một trong nhiều khía cạnh ưu thế của nó. Phần lớn được tạo nên từ sự tương phản giữa một sân vận động trị giá 1 tỷ bảng Anh và ngôi nhà cũ của Tottenham, sân White Hart Lane, được xây dựng cách đây 120 năm.

Sức chứa tăng giúp Tottenham kiếm bộn từ tiền vé. Các đội bóng ở Ngoại hạng Anh nếu không đủ tiền xây sân mới thì cũng kiếm tiền bằng cách cơi nới chỗ ngồi, để có càng đông khán giả đến sân càng tốt.

Hãy nhìn vào người hàng xóm của Tottenham là Arsenal thì rõ. Khi số lượng người đến sân xem Arsenal tăng vọt, CLB đã có nhiều thay đổi về kinh tế. Doanh thu của Arsenal trong mùa giải 2005-2006, năm tài chính cuối cùng của CLB tại sân Highbury, là 137 triệu bảng Anh. Vào mùa giải 2006-2007, mùa giải đầu tiên ở sân Emirates, doanh thu của Arsenal là 200 triệu bảng Anh và mùa giải sau đó là 223 triệu bảng Anh. 6 tuần trước, vào giữa tháng 3-2024, Arsenal công bố số liệu của họ về doanh thu mùa giải 2022-2023 với số tiền 464 triệu bảng Anh.

Tuy nhiên, sân Emirates do được cấp phép quy hoạch vào năm 1999, với bản vẽ thiết kế từ giữa thập niên 1990, đã khiến sân bóng này gần như là một thiết kế 30 năm tuổi và quá lỗi thời so với những gì Tottenham đã xây dựng.

Một vấn đề khác liên quan đến chi phí xây dựng sân vận động Emirates là trong tổng chi phí dự án 450 triệu bảng Anh, có đến 260 triệu bảng Anh được vay dài hạn thông qua trái phiếu. Về cơ bản, Arsenal đang tiêu tiền từ các khoản thu nhập trong tương lai và điều này có nghĩa là khi những mùa giải thực tế trôi qua, Arsenal sẽ không có nhiều tiền để chi tiêu, bởi vì họ còn phải trả nợ và lãi trái phiếu.

Arsenal đang ở ngôi đầu Ngoại hạng Anh với 77 điểm sau 34 vòng đấu. Tottenham đứng ở vị trí thứ 5 với 60 điểm (mới đá 32 trận). Dù thứ hạng sau khi kết thúc mùa bóng 2023-2024 như thế nào đi chăng nữa, thậm chí là Tottenham có thể thua thêm vài trận, nhưng họ đang trên đường trở thành một CLB lớn vì họ đang tạo ra doanh thu lớn, có khả năng chi tiêu xông xênh.

NGUYỄN THUẦN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/quoc-te/manh-vi-gao-774552