Mạnh tay 'xử' các 'ông lớn' mạng xã hội xuyên biên giới

Việc Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét xử phạt 'gã khồng lồ' công nghệ Apple với mức phạt được đánh giá chưa từng có, trong khi nền tảng xuyên biên giới khác là Facebook cũng phải đối mặt với một vụ kiện tập thể đòi bồi thường hơn 3,7 tỷ USD tại Anh cho thấy, các 'ông lớn' mạng xã hội toàn cầu đang đứng trước những án phạt nặng nếu vi phạm pháp luật.

Rắc rối pháp lý “bủa vây” các tập đoàn công nghệ toàn cầu

Tờ The Financial Times (Thời báo Tài chính) ngày 18-2 cho biết, các nhà chức trách của Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét phạt Tập đoàn công nghệ Apple với cáo buộc vi phạm luật cạnh tranh của liên minh gồm 27 quốc gia thành viên này. Theo các nguồn tin mà The Financial Times trích dẫn, mức phạt dự kiến khoảng 500 triệu euro (539 triệu USD) và dự kiến được công bố vào đầu tháng 3 tới.

Vụ việc trên bắt đầu vào năm 2019, khi một liên minh do Spotify - nền tảng âm nhạc trực tuyến nổi tiếng toàn cầu - dẫn đầu đã đệ trình khiếu nại lên Ủy ban châu Âu (EC, cơ quan hành pháp của EU) yêu cầu trừng phạt tập đoàn Apple về việc nhà sáng lập của điện thoại thông minh iPhone có hành động bất hợp pháp và phản cạnh tranh khi thông qua các quy định của AppStore. Cụ thể, Apple đã ngăn cản các ứng dụng phát nhạc trực tuyến thông báo cho người dùng về các lựa chọn mua hàng khác.

Tập đoàn Apple đang đối mặt với vụ kiện mà nếu thua kiện sẽ bị phạt tới 500 triệu euro

Tập đoàn Apple đang đối mặt với vụ kiện mà nếu thua kiện sẽ bị phạt tới 500 triệu euro

EC sau khi thụ lý đơn khiếu nại, vào năm 2021 đã công bố một bản báo cáo sơ bộ về khiếu nại của Spotify. Theo đó, cơ quan hành pháp của EU kết luận rằng, Tập đoàn Apple “đã có hành vi bóp méo sự cạnh tranh trên thị trường phát nhạc trực tuyến”. Liên minh các nền tảng âm nhạc trực tuyến toàn cầu khẳng định, Apple đã chiếm đoạt những thành công không xứng đáng và gây ra tác động trực tiếp đến các nhà phát triển, đặc biệt là ảnh hưởng lớn đến người dùng.

Spotify ngay sau đó đã tiếp tục kêu gọi EC cần mạnh tay hơn nữa với Apple. Trong bức thư ngỏ gửi đến Chủ tịch Hiệp hội Chống độc quyền EU Margrethe Vestager được đăng tải công khai, các giám đốc của liên minh gồm 8 công ty (Spotify, Basecamp, Deezer, Proton, Schibsted, EPC, France Digitale và News Media Europe) yêu cầu EU phải nhanh chóng thi hành Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số để chống lại hành vi phản cạnh tranh của Apple.

Đáp lại những cáo buộc trên, Tập đoàn Apple cho rằng, Spotify cũng phát hành ứng dụng miễn phí nhưng thực sự không hoàn toàn miễn phí, trong khi đó lại muốn có được tất cả lợi ích của một phần mềm miễn phí. Tuy nhiên, lý lẽ của Apple xem ra chưa đủ để thuyết phục các nhà hành pháp, cũng như cơ quan pháp lý của EU.

Cùng với Tập đoàn Apple, một “ông lớn” mạng xã hội xuyên biên giới khác có trụ sở tại Mỹ là Facebook cũng đang phải đối mặt với vụ kiện tập thể đòi bồi thường 3 tỷ bảng Anh (tương đương 3,77 tỷ USD) tại Anh. Theo cáo buộc, nền tảng mạng xã hội toàn cầu này đã lạm dụng vị thế thống trị để kiếm tiền từ dữ liệu cá nhân người dùng.

Trước đó, Tòa phúc thẩm cạnh tranh (CAT) tại Anh vào năm 2023 đã từ chối cho phép tiến hành vụ kiện chống lại Meta, tập đoàn mẹ của Facebook. Tuy nhiên, ngày 16-2, CAT đã đảo ngược quyết định trên, đồng ý xét xử vụ kiện sau khi các luật sư đại diện cho khoảng 45 triệu người dùng Facebook tại Anh tiếp tục khởi kiện với cáo buộc người dùng đã không được bồi thường thỏa đáng cho giá trị dữ liệu cá nhân mà họ phải cung cấp.

Những người khởi kiện Apple và Facebook có thêm niềm tin chiến thắng khi “ông lớn” Google vào ngày 5-2 vừa qua đã phải đồng ý trả 350 triệu USD để giải quyết một vụ kiện của các cổ đông liên quan đến lỗi bảo mật trên trang mạng truyền thông xã hội Google+ hiện không còn tồn tại. Những người khởi kiện cho rằng, từ tháng 3-2018, Google đã biết có một lỗi phần mềm kéo dài 3 năm làm lộ dữ liệu cá nhân của người dùng Google+, song tập đoàn này đã che giấu vấn đề trong nhiều tháng dù luôn công khai nhấn mạnh cam kết bảo mật dữ liệu.

Việc các tập đoàn công nghệ Apple, Facebook, Google phải chấp nhận đóng hay đang phải đối mặt với các khoản phạt tới hàng trăm triệu USD, thậm chí có thể lên đến hàng tỷ USD, cho thấy thế giới ngày càng mạnh tay hơn trong việc xử lý các “ông lớn” nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới vi phạm pháp luật. Các quốc gia, tổ chức khu vực thời gian qua đang dần siết chặt quy định quản lý đối với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới nhằm giải quyết vấn đề ngày càng nghiêm trọng là lộ lọt dữ liệu cá nhân, canh tranh không công bằng, thông tin sai sự thật, thông tin giả mạo… gây ra những hệ lụy khôn lường với các nước, xã hội cũng như mỗi gia đình trên thế giới.

Phải có trách nhiệm xây dựng không gian mạng an toàn

Trong thời đại công nghệ, nền tảng xuyên biên giới phát triển nhanh chóng như hiện nay, những thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng hoặc gây hiểu lầm xuất hiện tràn lan trên các nền tảng trực tuyến và công cụ tìm kiếm. Tình trạng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dùng, nhất là trẻ em và thanh thiếu niên. Đây là thách thức lớn, đòi hỏi chính phủ các nước trên thế giới đưa ra những biện pháp phù hợp để làm cho không gian mạng an toàn, lành mạnh hơn.

Vấn đề kiểm soát các “ông lớn” công nghệ, nền tảng xuyên biên giới vì thế đã được đặt ra khi các tổ chức tội phạm, đặc biệt là các tổ chức khủng bố, cực đoan lợi dụng để có những hành vi, hoạt động; hay tác hại ngày càng lớn của chúng với giới trẻ…. Kể từ năm 2020, các tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu liên tục lọt vào tầm ngắm của chính phủ các quốc gia trên thế giới.

Cùng với đó, các nền tảng công nghệ xuyên biên giới cũng đối mặt không ít chỉ trích về sự quản lý, giám sát lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng các nội dung xấu độc, thông tin sai lệch, kích động thù hận, hành vi phạm tội... tràn lan trên mạng xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dùng. Đây là nguyên nhân quan trọng hàng đầu khiến các quốc gia, tổ chức khu vực ngày càng siết chặt “vòng kim cô” với các hãng công nghệ bằng một loạt quy định quản lý khắt khe nhằm làm trong sạch không gian mạng.

Với mục tiêu tiên phong trong nỗ lực chung trên thế giới nhằm kiểm soát các tập đoàn công nghệ xuyên biên giới, EU năm qua đã thông qua 2 đạo luật quan trọng là Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) và Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) nhằm đưa ra những khuôn khổ, chế tài pháp lý đối với các nền tảng trực tuyến xuyên biên giới. Hai đạo luật cùng có hiệu lực kể từ cuối tháng 8-2023 này được trông đợi như những “người gác cổng trực tuyến”, giúp giải quyết hàng loạt vấn đề gây nhức nhối lâu nay liên quan các “ông lớn” công nghệ. Thành công trong việc áp dụng các quy định của EU sẽ góp phần thúc đẩy xây dựng những bộ luật tương tự trên toàn cầu.

Sau bước đi tiên phong siết chặt kiểm soát các tập đoàn công nghệ xuyên biên giới của EU, nhiều quốc gia trên thế giới cũng có những động thái tương tự. Việc các quốc gia siết chặt quản lý các nền tảng công nghệ xuyên biên giới là một xu hướng tiếp tục gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ. Các “ông lớn” công nghệ, mạng xã hội xuyên biên giới do đó đối mặt với đòi hỏi cần phải điều chỉnh, thay đổi nhằm thích nghi, tuân thủ các quy định và luật pháp các quốc gia sở tại nếu không muốn đối mặt với những rắc rối pháp lý và hơn hết là tạo niềm tin ở người dùng về trách nhiệm trong xây dựng không gian mạng an toàn.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/manh-tay-xu-cac-ong-lon-mang-xa-hoi-xuyen-bien-gioi-post567474.antd