Mạnh tay với phòng khám 'chui'

Hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn TPHCM đã và đang bộc lộ nhiều bất cập. Bên cạnh những phòng khám chăm sóc sức khỏe có chất lượng với dịch vụ hợp lý, vẫn còn nhiều cơ sở hoạt động 'chui' khiến nhiều người lo ngại.

Thanh tra Sở Y tế TPHCM phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra phòng khám không phép trên địa bàn

Thanh tra Sở Y tế TPHCM phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra phòng khám không phép trên địa bàn

Kiểm tra là ra sai phạm

Liên tiếp thời gian gần đây, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã phát hiện và xử phạt nhiều cơ sở y tế quảng cáo các dịch vụ y tế, làm đẹp và điều trị các bệnh mãn tính hoặc bệnh “khó nói”… trái phép trên mạng xã hội, như: One World Clinic (982 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 5, quận Tân Bình); phòng khám nam khoa tại Khu đô thị Vinhomes Grand Park (512 đường Nguyễn Xiển, phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức); cơ sở Uci International (34 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Cầu Kho, quận 1); Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc Việt Nam (296 đường Trần Não, khu phố 2, phường An Khánh, TP Thủ Đức)…

Điển hình là trường hợp chị N.T.N. (38 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) - đang điều trị tại Bệnh viện Truyền máu huyết học, theo định kỳ tái khám và được bác sĩ giải thích điều trị ổn định. Nhưng khi xem quảng cáo trên Facebook, chị N. đã đến cơ sở mang tên LuxCell International Clinic (186 - 186A đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 10, quận 3) và được dẫn dụ sử dụng dịch vụ tế bào gốc để điều trị với số tiền 140 triệu đồng. Cơ sở hành nghề trái phép này thu hút người bệnh bằng cách mượn người khác kể về việc từng sử dụng dịch vụ và điều trị tế bào gốc rất hiệu quả, từ đó thuyết phục được chị N. tin tưởng và sử dụng dịch vụ. Chỉ đến khi lực lượng chức năng tới kiểm tra tại cơ sở thì chị N. mới phát hiện bị lừa. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, chị N. đã được cơ sở trả lại 140 triệu đồng.

Theo BS Hồ Văn Hân, Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM, tác động của quảng cáo sai lệch trên mạng xã hội có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, khi người dân bị thu hút đến các cơ sở không phép và sử dụng các kỹ thuật y tế không an toàn. Điều này không chỉ gây ra tổn thất về mặt tài chính mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người dân. Tuy nhiên, để ngăn chặn điều này không chỉ dựa vào một mình ngành y tế mà còn cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là của người đứng đầu chính quyền các quận, huyện; xã, phường, thị trấn.

4 tháng đầu năm 2024, Sở Y tế TPHCM:

Ban hành 113 quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Tổng số tiền xử phạt hơn 5 tỷ đồng.

Các hành vi vi phạm chủ yếu:

- Vi phạm về điều kiện hoạt động, điều kiện hành nghề

- Quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội…

- Không niêm yết giá, “chặt chém” người bệnh

- Không bảo đảm điều kiện khám chữa bệnh

Khi phát hiện phòng khám có sai phạm

Kiên quyết xử lý

Theo BS Hồ Văn Hân, thời gian qua, công tác phát hiện, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đạt kết quả tích cực là nhờ đơn vị đã tập trung nguồn lực cho công tác này, sự triển khai hiệu quả của quy trình phản ứng nhanh và công tác phối hợp của Sở Y tế với các lực lượng chức năng trên địa bàn, gồm: phòng y tế; UBND và công an phường, xã, thị trấn; Công an quận, huyện, TP Thủ Đức; Công an TPHCM...

Ngoài ra, ngành y tế thành phố cũng đẩy mạnh phối hợp với các sở, ngành khác như Sở TT-TT, Sở KH-CN, Sở VH-TT, Sở LĐTB-XH để phát hiện, kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật trong hành nghề y, dược trên địa bàn thành phố, đặc biệt trong lĩnh vực quảng cáo trên mạng xã hội. Trong năm nay, sở sẽ phối hợp Công an TPHCM chọn những vấn đề “nóng” trong hoạt động chữa bệnh để xử lý nghiêm, có trọng điểm; trong đó tập trung vào các cơ sở hoặc địa chỉ có những vi phạm lặp lại, chống đối đoàn kiểm tra, coi thường các quy định pháp luật…

 Thanh tra Sở Y tế TPHCM kiểm tra đột xuất tại một phòng khám “chui”

Thanh tra Sở Y tế TPHCM kiểm tra đột xuất tại một phòng khám “chui”

Để các phòng khám tư nhân hoạt động theo đúng quỹ đạo, một trong những hoạt động trọng tâm của ngành y tế TPHCM trong năm 2024 là tăng cường các giải pháp nhằm ngăn ngừa, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế. Ngoài các đơn vị được thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, Sở Y tế sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất khi có chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên hay từ đơn thư, tố giác của người dân, thông tin phản ánh qua đường dây nóng của Sở Y tế, ứng dụng “Y tế trực tuyến”, qua hộp thư điện tử (email) của Sở Y tế, cơ quan báo chí…

Sở Y tế kêu gọi người dân cảnh giác cao độ trước những thông tin quảng cáo trên các nền tảng xã hội như Facebook, YouTube và TikTok. Khi tiếp cận các thông tin quảng cáo trên mạng xã hội, người dân không nên vội vàng tin ngay mà cần có sự kiểm chứng thông tin cẩn thận thông qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là Cổng tra cứu thông tin của Sở Y tế, để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra gây nguy hiểm đến tính mạng.

Sẽ chuyển hồ sơ các cơ sở lặp lại vi phạm sang cơ quan công an

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, PGS-TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, sở vừa lập tổ công tác đặc biệt nhằm chủ động phát hiện quảng cáo khám chữa bệnh “chui” trên không gian mạng để thực địa kiểm tra, xử lý.

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực y tế thời gian qua gặp khó khăn nào và cần làm gì để khắc phục?

PGS-TS NGUYỄN ANH DŨNG: Một trong những thách thức lớn đối với công tác quản lý nhà nước trong thời đại số là khả năng nhận diện, phát hiện các quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng, từ đó sử dụng các nghiệp vụ khác nhằm trao đổi, tương tác, lần ra các địa chỉ hoạt động cụ thể của các đối tượng vi phạm để tổ chức đoàn đến kiểm tra và xử lý. Công việc “lắng nghe” mạng xã hội này đòi hỏi phải có thêm nhân lực, thời gian…, vì số lượng quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội rất lớn và đa dạng.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở vi phạm treo biển hiệu không đúng quy định pháp luật, dùng chữ tiếng nước ngoài (tiếng Anh, tiếng Hàn..), ghi không đúng hoặc ghi không đầy đủ tên gọi bằng tiếng Việt, cũng như treo các biển quảng cáo sai sự thật... Do đó, trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao kiên quyết xử lý những cơ sở vi phạm, buộc tháo dỡ các biển hiệu không thể hiện tên cơ sở theo đúng giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép hoạt động của ngành y tế cấp.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc xử lý các hành vi khám chữa bệnh không phép còn nhẹ, không đủ sức răn đe, ông nhận định sao về vấn đề này?

mHiện khung pháp lý về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã khá đầy đủ. Ngoài hình thức xử phạt chính (phạt tiền) còn có hình thức xử phạt bổ sung (đình chỉ có thời hạn, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề) cùng các biện pháp khắc phục hậu quả nghiêm khắc. Các địa chỉ hoạt động không phép, người hành nghề không có giấy phép hành nghề… thời gian qua vẫn tồn tại là phần lớn nhờ vào một lượng khách bị thu hút bởi các quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội. Do đó, cần có những quy định cụ thể, rõ ràng về hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt trong Luật Quảng cáo sửa đổi (hiện nay chủ yếu điều chỉnh trên các phương tiện truyền thông truyền thống và trang thông tin điện tử). Những đối tượng có hành vi quảng cáo khám bệnh, chữa bệnh sai sự thật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong thời gian tới, Thanh tra Sở Y tế sẽ chuyển các hồ sơ có dấu hiệu vi phạm lặp lại sang cơ quan công an.

THÀNH SƠN thực hiện

THÀNH AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/manh-tay-voi-phong-kham-chui-post739710.html